logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 05/07/2021

Chứng Khoán Hoa Kỳ Khép Lại Tuần Tăng Điểm Thứ Hai Liên Tiếp

Hôm thứ Sáu vừa qua (02/07), S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục trong ngày thứ 7 liên tiếp. Đây là chuỗi kỷ lục dài nhất kể từ thời kỳ tăng giá 8 ngày liên tiếp kết thúc vào ngày 17/06/1997.

Tính đến thứ Sáu (ngày 02/07), chứng khoán Mỹ chìm trong sắc xanh trong tuần thứ hai liên tiếp. Cả ba chỉ số cơ sở đều xác lập các mức đỉnh cao kỷ lục mới trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài cuối tuần. Đó là nhờ báo cáo việc làm hàng tháng tốt hơn kỳ vọng sau khi kinh tế hồi phục từ cơn bão covid.

Các nhà đầu tư quan tâm đến các số liệu việc làm vì thị trường lao động phục hồi không đồng đều sau đại dịch, dù số lượng tuyển dụng cao kỷ lục.

Thị trường trái phiếu Hoa Kỳ đóng cửa sớm một giờ vào thứ Sáu và thị trường Hoa Kỳ vẫn sẽ đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ bù ngày lễ Quốc Khánh 04/07 diễn ra vào Chủ nhật.

Hiệu suất của các chỉ số cơ sở

  • Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones DJIA tăng 152,82 điểm, tương đương 0,4%, lên 34.786,35, đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ ngày 07/05 chỉ số này ghi nhận mức cao kỷ lục.
  • Chỉ số S&P 500 SPX tăng 32,40 điểm, tương đương 0,8%, lên 4352,34, đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại. Đây là mức cao kỷ lục thứ 7 liên tiếp. Chỉ số này chưa từng có chuỗi ngày tăng giá dài như vậy kể từ năm 1997
  • Chỉ số tổng hợp Nasdaq COMP tăng 116,95 điểm, tương đương 0,8%, lên mức kỷ lục 14.639,33.

Vào thứ Năm, S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục thứ sáu liên tiếp và thứ 34 của năm 2021, tăng 22,44 điểm, tương đương 0,5%, kết thúc ở 4.319,94. Chỉ số Dow tăng 131,02 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 34.633,53 và chỉ ở thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục 34.777,76 được ghi nhận vào ngày 07/05. Nasdaq Composite tăng 18,42 điểm, tương đương 0,1%, kết thúc ở mức 14.522,38.

Điểm lại tuần trước

Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng tuần thứ hai liên tiếp. Chỉ số Dow tăng 1% trong tuần vừa qua, trong khi đó S&P 500 tăng 1,7% và Nasdaq tăng 1,9%.

Yếu tố chi phối thị trường chứng khoán trong tuần trước

Mỹ đã có thêm 850.000 việc làm trong tháng Sáu, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng Ba. Trong tháng Năm, số lượng việc làm tăng nhẹ từ 559.000 lên 583.0000. Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò ước tính Hoa Kỳ có thêm 706.000 việc làm mới trong tháng Sáu.

Lĩnh vực nhà hàng-khách sạn và giải trí – những lĩnh vực “trầy da tróc vẩy” vì đại dịch – tăng rất mạnh. Đây là tín hiệu cho thấy các lĩnh vực hoạt động với công suất thấp hoặc đã bị đóng cửa một phần do lo ngại COVID-19 có thể hồi phục mạnh hơn nữa. Đó là nhận định của James McCann, phó kinh tế trưởng tại Aberdeen Standard Investments, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu. Ông nói: “Bạn đang chứng kiến lĩnh vực dịch vụ khởi động trở lại một cách khá mạnh mẽ.”

Tuy nhiên, theo McCann, sự cải thiện của thị trường lao động không lớn đến mức khiến các nhà đầu tư lo sợ Fed bắt đầu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng của mình, hoặc tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Ngay cả khi hồi phục với “tốc độ bền vững” hậu khủng hoảng COVID-19, thị trường lao động vẫn còn rất nhiều chỗ khuyết.

Tỷ lệ thất nghiệp từ 5,8% trong tháng Năm lên 5,9% trong tháng Sáu, “phần lớn là do công nhân quay trở lại lực lượng lao động”. Rick Rieder, giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu của BlackRock, nhận định như vậy qua một email.

Rieder cho biết: “Ngay cả khi số lượng việc làm mới là 850.000, báo cáo việc làm hôm nay đặt ra câu hỏi: liệu các nhà tuyển dụng có tìm đủ người cho các cơ hội tuyển dụng ngày càng lớn hay không. […]Tỷ lệ tuyển dụng/thất nghiệp đang gần đạt mức đỉnh trước đại dịch, và tỷ lệ nghỉ việc/sa thải đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.”

Trong khi đó, thu nhập trung bình theo giờ của Hoa Kỳ tăng 10 xu tro lên 30,40 USD ng tháng Sáu và tuần làm việc (workweek) của Hoa Kỳ giảm 0,1 giờ xuống 34,7 giờ vào tháng trước.

“Tuần làm việc trung bình giảm xuống và tỷ lệ tham gia (lực lượng lao động) được duy trì ổn định. Điều này cho thấy sự phục hồi vẫn còn chậm và không đồng đều,” Sameer Samana, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện đầu tư Wells Fargo, viết trong các bình luận qua email. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 61,6% vào tháng Sáu - bằng với tháng 10 năm ngoái.

Các nhà phân tích khác cho rằng báo cáo này cho thấy sự tiến triển của thị trường lao động, nhưng vẫn kém xa mức phục hồi cần có sau đợt suy thoái kinh tế khủng khiêp do đại dịch.

Daniel Vernazza, nhà kinh tế trưởng về mảng quốc tế tại UniCredit, ước tính rằng nếu tính cả những người lao động tự nhận mình là “thất nghiệp nhưng không tìm kiếm việc làm” – một cách phân loại không chính xác, tỷ lệ thất nghiệp gần 8,9. Mức này cao hơn nhiều so với mức trước COVID là 3,5%.

Vernazza viết: “Fed có khả năng đánh giá - một cách đúng đắn - rằng đã có những bước tiến tới mục tiêu toàn dụng việc làm. Tuy nhiên, đó không phải là ‘bước tiến đáng kể hơn nhiều’ cần có để tiến hành giảm tốc độ mua tài sản”.

Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến việc làm. Lý do là dù có bằng chứng cho thấy lạm phát đang tăng lên trong quá trình phục hồi sau đại dịch, sự phục hồi của thị trường việc làm vẫn không tạo được niềm tin cho những người tham gia thị trường.

Các nhà kinh tế của Jefferies Aneta Markowska và Thomas Simons đã viết rằng mặc dù báo cáo việc làm rất khả quan nhưng “vẫn còn thấp so với tốc độ gia tăng 1 triệu việc làm - vốn được coi là kịch bản cơ sở chỉ vài tháng trước.”

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tại Jefferies dự kiến ​​sẽ có thêm khoảng 1 triệu việc làm vào tháng Bảy do trợ cấp thất nghiệp sẽ không còn được cung cấp ở 25 tiểu bang của nước Mỹ và do các yếu tố mùa vụ.

Ngoài dữ liệu việc làm, một báo cáo về thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế tháng Năm cho thấy thâm hụt thương mại dự kiến ​​đạt 72,1 tỷ USD. Kết quả này cao hơn một chút so với ước tính trước đó và cao hơn mức thâm hụt 68,9 tỷ USD trong tháng Tư.

Theo công bố từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào thứ Sáu, số lượng đơn đặt hàng nhà máy tăng 1,7%, sau khi điều chỉnh giảm 0,1% trong tháng trước. Kết quả này tốt hơn một chút so với kỳ vọng. Số lượng đơn đặt hàng của nhà máy đã tăng trong 12 tháng trên 13 tháng qua.

Dầu mỏ cũng là tâm điểm chú ý vào thứ Sáu khi OPEC+ (OPEC và Nga) lại trì hoãn quyết định nới lỏng hạn chế sản lượng được đưa ra nhằm giúp ổn định giá dầu thô./.

Thu Trang – Theo Marketwatch

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg