logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 18/09/2024

Tin nóng 18/09: Vàng giảm, S&P 500 ít thay đổi trước quyết định của FED

Đô la tăng, vàng giảm, dầu tăng, S&P 500 đóng cửa đi ngang... cùng nhiều tin tức quan trọng khác. Cập nhật ngay các tin nóng đầu ngày cùng Investo.info

TIN TIÊU ĐIỂM

* FOREX: Đô la Mỹ tăng trước kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất

* HÀNG HÓA: Vàng giảm khi đô la, lợi suất tăng trước quyết định của FED

* NĂNG LƯỢNG: Dầu tăng với cú sốc nguồn cung, triển vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ

* CỔ PHIẾU: S&P 500 đóng cửa gần như đi ngang khi mức tăng ban đầu vơi dần trước quyết định của FED

* TRÁI PHIẾU: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến

* LỊCH KINH TẾ 18/09/2024

Tin nóng 18/09: Vàng giảm, S&P 500 ít thay đổi trước quyết định của FED

FOREX: Đô la Mỹ tăng trước kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất

Đồng đô la Mỹ tăng so với hầu hết các loại tiền tệ chính vào thứ Ba sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến ủng hộ lập trường cắt giảm ít quyết liệt hơn từ Cục Dự trữ Liên bang. Ngân hàng Trung ương Mỹ được kỳ vọng rộng rãi sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hơn bốn năm vào thứ Tư.

Dữ liệu hôm thứ Ba của Bộ Thương mại cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã bất ngờ tăng 0,1% trong tháng 8, cho thấy nền kinh tế vẫn vững chắc trong phần lớn quý 3.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của FED sẽ đưa ra quyết định về lãi suất khi kết thúc cuộc họp vào thứ Tư. Sau đó, Chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức họp báo. Lần cắt giảm lãi suất gần đây nhất của FED là vào tháng 3 năm 2020, trong đại dịch COVID-19.

“Tôi nghĩ tất cả các thị trường tại thời điểm này đều bị phụ thuộc vào cuộc họp của FOMC vào ngày mai”, Marvin Loh, chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu cấp cao tại State Street ở Boston, cho biết.

“Doanh số bán lẻ vẫn ổn. Điều đó chắc chắn không hỗ trợ cho mức cắt giảm lớn và sẽ là điều chưa từng có nếu Fed thực sự hoảng sợ và cắt giảm lãi suất mạnh tay xét đến tình hình thị trường tại thời điểm này”.

So với đồng yên, đồng đô la tăng 0,87% lên 141,830 sau khi suy yếu lúc ban đầu sau dữ liệu doanh số bán lẻ.

Đồng euro giảm 0,10% xuống 1,112125 USD, không xa mức cao nhất trong năm tại 1,1201 USD. So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng đô la tăng 0,15% lên 0,8460.

Chỉ số đô la, đo lường giá trị đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ khác bao gồm đồng yên và đồng euro, đã tăng 0,199% ở mức 100,90.

Hợp đồng tương lai quỹ Liên bang cho thấy mức cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản đang được kỳ vọng với xác suất 65%, tăng so với mức 30% của tuần trước, trong khi xác suất kỳ vọng cho mức cắt giảm 25 điểm cơ bản là 35%. Tỷ lệ cược đã thu hẹp mạnh sau khi các báo cáo truyền thông đưa tin về một triển vọng nới lỏng mạnh mẽ hơn.

Các dữ liệu kinh tế khác vào thứ Tư có vẻ hỗ trợ cho mức cắt giảm lãi suất ít mạnh mẽ hơn từ Fed. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ, một thành phần quan trọng của tổng sản phẩm quốc nội, đã ghi nhận mức tăng tốt hơn dự kiến, tăng 0,3% trong tháng 7, trong khi sản lượng nhà máy phục hồi vào tháng 8.

“Nhìn chung, thị trường đang tính trong định giá nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới và có những ý kiến ​​cho rằng có thể thị trường đã đi quá xa”, Axel Merk, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư tại Merk Investments ở Pal Alto, California, cho biết.

Ngân hàng Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giữ nguyên chính sách vào thứ Sáu nhưng báo hiệu sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất, có thể tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 10.

Ngân hàng Anh cũng dự kiến ​​sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5% khi họp vào thứ Năm, mặc dù thị trường đã tính trong định giá xác suất gần 36% cho một động thái cắt giảm thêm.

Đồng bảng Anh - đồng tiền G10 có hiệu suất tốt nhất trong năm nay với mức tăng 3,41% so với đồng đô la - đã tăng nhờ các dấu hiệu phục hồi và sự ổn định của lạm phát trong nền kinh tế Anh. Gần nhất, đồng tiền này đã giảm 0,37% xuống còn 1,31665 USD.

Thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ Trung thu cho đến thứ Tư, mặc dù đồng nhân dân tệ đã tăng 0,16% lên 7,1090 trong giao dịch ở nước ngoài.

Đồng đô la Canada tăng 0,04% lên 1,35935 USD. Đồng đô la Úc và New Zealand lần lượt mua được 0,67595 USD và 0,61900 USD.

Trong tiền điện tử, bitcoin tăng 5,00% lên 60.544,00 USD. Ethereum tăng 3,29% lên 2.349,00 USD.

HÀNG HÓA: Vàng giảm khi đô la, lợi suất tăng trước quyết định của Fed

Vàng giảm vào thứ Ba sau khi tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong phiên trước khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng đô la tăng trong khi các nhà giao dịch định vị cho quyết định cắt giảm lãi suất tiềm năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này.

Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 2.569,43 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.589,59 USD vào thứ Hai.

Hợp đồng tương lai vàng của Mỹ giảm 0,6% xuống 2.592,40 USD.

Tâm điểm trong lĩnh vực tài chính là cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của FED, sẽ kết thúc vào thứ Tư. Theo công cụ FedWatch của CME, hiện tại thị trường đang tính trong định giá xác suất 65% FED sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản, tăng so với mức 34% của một tuần trước.

Thị trường tài chính đã tính trong định giá một xác suất lớn hơn rằng FED sẽ hành động mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED kể từ năm 2020.

“Chúng ta đang có xu hướng giảm ngày hôm nay do lãi suất tăng đột biến trên đường cong lợi suất vì một số người lo ngại rằng nếu FED cắt giảm 25 điểm cơ bản vào ngày mai, có thể sẽ có ít động lực hơn để mua vàng, như một ngân hàng lớn đã gợi ý”, Bart Melek, giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết.

Hôm thứ Hai, Goldman Sachs cho biết họ thấy một số nhược điểm chiến thuật đối với giá vàng theo trường hợp cơ bản của các nhà kinh tế là FED sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư và nhắc lại khuyến nghị giao dịch vàng dài hạn với giá mục tiêu 2.700 USD/ounce vào đầu năm 2025.

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lãi.

“Khi chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm, chúng ta có thể thấy nhu cầu đối với các ETF hỗ trợ bằng vàng từ các nhà quản lý tài sản tăng lên, đặc biệt là ở phương Tây”, Ole Hansen, giám đốc chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, cho biết trong một lưu ý.

Cũng gây áp lực lên vàng thỏi là việc doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8, cho thấy nền kinh tế vẫn vững chắc trong phần lớn quý 3.

Giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống còn 30,71 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất hai tháng vào thứ Hai.

Bạch kim tăng 0,2% lên 982,30 USD. Palladium tăng 3,5% lên 1.113,94 USD.

NĂNG LƯỢNG: Dầu tăng do cú sốc nguồn cung, triển vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ

Giá dầu tăng 1 USD/thùng vào thứ Ba khi tình trạng gián đoạn nguồn cung gia tăng và các nhà giao dịch đặt cược rằng nhu cầu sẽ tăng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ chi phí đi vay trong tuần này, như đã được dự kiến ​​rộng rãi.

Cả hai hợp đồng dầu chuẩn đều đóng cửa ở mức cao nhất trong tháng này. Giá dầu thô tương lai của Mỹ tăng 1,10 USD, hay 1,6%, lên 71,41 USD. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 95 cent, hay 1,3%, lên 73,70 USD/thùng.

Hơn 12% sản lượng dầu thô từ Vịnh Mexico của Mỹ đã bị đóng cửa sau cơn bão Francine vào tuần trước, thúc đẩy giá dầu trong 4/5 phiên gần đây, một sự phục hồi sau khi dầu Brent chạm mức thấp nhất trong gần ba năm vào thứ Ba tuần trước.

Các nhà phân tích tại AEGIS Hedging cho biết giá cũng được hỗ trợ từ tình hình căng thẳng mới ở Trung Đông.

Nhóm phiến quân Hezbollah đã hứa sẽ trả đũa Israel sau khi máy nhắn tin phát nổ trên khắp Lebanon vào thứ Ba, khiến ít nhất tám người thiệt mạng và gần 3.000 người khác bị thương, bao gồm cả các chiến binh và phái viên của Iran tại Beirut. Israel từ chối bình luận về vụ nổ.

Giá vàng được hỗ trợ từ tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Libya. Sự rạn nứt giữa các phe phái đối địch ở quốc gia này về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương đã dẫn đến sản lượng và xuất khẩu dầu thấp hơn, các nhà phân tích của Rystad cho biết vào thứ Ba.

Các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc dẫn đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng đã không đạt được thỏa thuận trong tuần này.

Theo đánh giá của Reuters về dữ liệu vận chuyển của Kpler, xuất khẩu dầu thô của Libya đã tăng gấp ba lần trong tuần trước lên khoảng 550.000 thùng mỗi ngày. Dữ liệu cho thấy con số này vẫn chỉ bằng một nửa lượng xuất khẩu hơn 1 triệu thùng/ngày của quốc gia OPEC này trong tháng trước.

Nhà đầu tư cũng hy vọng rằng việc cắt giảm lãi suất được dự đoán rộng rãi của FED có thể giúp phục hồi nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu này.

Hợp đồng tương lai quỹ Liên bang cho thấy thị trường tính trong định giá xác suất 69% ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.

Một đợt cắt giảm ở quy mô đó có thể làm suy yếu đồng tiền của Mỹ và thúc đẩy giá dầu cùng với các hàng hóa được yết giá bằng đô la khác, chuyên gia phân tích năng lượng và vận chuyển độc lập Matias Togni viết vào thứ Ba.

Theo Togni, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang cải thiện ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế hỗn loạn đã làm giảm mạnh nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu cho đến nay trong năm nay. Ông nói thêm rằng lượng nhập khẩu của nước này đang tiến gần đến mức cao nhất trong năm nay tại ngưỡng hơn 11 triệu thùng/ngày trong tháng này.

Giá dầu hầu như không thay đổi sau khi các nguồn tin thị trường đưa tin dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy cả tồn kho dầu và nhiên liệu đều tăng trong tuần trước.

Các nhà phân tích dự kiến ​​tồn kho dầu đã giảm khoảng 500.000 thùng, theo một cuộc thăm dò mở rộng của Reuters. Báo cáo chính thức của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư, lúc 10:30 sáng theo giờ ET.

CỔ PHIẾU: S&P 500 đóng cửa ít thay đổi khi mức tăng ban đầu phai dần trước quyết định của FED

Chứng khoán Mỹ đóng cửa gần như không đổi vào thứ Ba, từ bỏ mức tăng đã đưa S&P 500 và Dow Jones lên mức cao kỷ lục trước đó trong phiên khi nhà đầu tư chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang sau 4 năm rưỡi.

Chỉ số chuẩn S&P 500 đã chạm mức 5.670,81 vào đầu phiên, sau khi dữ liệu kinh tế mới làm giảm bớt lo ngại về rủi ro suy thoái mạnh mẽ trong nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo mới nhất từ ​​Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng bất ngờ trong tháng 8. Sụt giảm doanh số từ các đại lý ô tô đã được bù đắp bởi sức mạnh của hoạt động mua hàng trực tuyến, cho thấy nền kinh tế đang vững chắc trong hầu hết quý 3.

“Kỳ vọng đã được củng cố khá tốt trước khi đưa ra dữ liệu kinh tế ngày hôm nay, và những gì dữ liệu cho thấy nhìn chung là một môi trường tăng trưởng, nhưng môi trường tăng trưởng tương đối chậm”, Russell Price, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ameriprise Financial Services ở Troy, Michigan, cho biết.

Price cho biết quy mô cắt giảm có thể làm dấy lên nỗi sợ lạm phát hoặc làm tăng thêm lo ngại rằng Fed đang hành động quá chậm để tránh suy thoái.

“Những gì bạn thấy trong phiên giao dịch chiều nay là cách chúng ta thoát khỏi mức cao nhất mọi thời đại ... bởi vì ngày mai sẽ có người phải thất vọng”, ông nói.

Chỉ số Dow Jones giảm 15,90 điểm, tương đương 0,04%, xuống 41.606,18. S&P 500 tăng 1,49 điểm, tương đương 0,03%, lên 5.634,58. Nasdaq Composite tăng 35,93 điểm, tương đương 0,20%, lên 17.628,06.

Thị trường đang tính trong định giá xác suất 65% FED sẽ cắt giảm chi phí vay 50 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư, theo Công cụ FedWatch của CME. Kỳ vọng của thị trường về quy mô cắt giảm đã biến động trong những ngày gần đây, với xác suất kỳ vọng cho mức cắt giảm 50 điểm cơ bản chỉ ở mức 35% vào tuần trước.

Cổ phiếu Microsoft tăng 0,88%, là động lực lớn nhất thúc đẩy S&P 500. Cổ phiếu đã tăng sau khi hội đồng quản trị phê duyệt chương trình mua lại cổ phiếu mới trị giá 60 tỷ USD và tăng khoản chi trả cổ tức hàng quý thêm 10%.

Chỉ số Dow Jones đã đạt mức đỉnh kỷ lục trong ngày phiên thứ hai liên tiếp. Chỉ số Russell 2000, theo dõi các công ty vốn hóa nhỏ mà các nhà đầu tư cho là có khả năng hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp hơn, đã vượt trội hơn ba chỉ số chính, tăng 0,74% trong phiên.

Năng lượng, tăng 1,41%, là lĩnh vực có hiệu suất tốt nhất trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P, được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng, trong khi chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có hiệu suất kém nhất với mức giảm 1,01%.

Trong số các cổ phiếu riêng lẽ, Intel tăng 2,68% sau khi ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ đám mây của Amazon.com để sản xuất chip trí tuệ nhân tạo tùy chỉnh. Cổ phiếu Amazon.com tăng 1,08%.

Số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn số lượng cổ phiếu giảm giá với tỷ lệ 1,55:1 trên sàn NYSE. Trên Nasdaq, số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn số lượng cổ phiếu giảm giá với tỷ lệ 1,25:1.

S&P 500 đã ghi nhận 48 mức đỉnh 52 tuần và không có mức đáy mới nào trong khi Nasdaq Composite ghi nhận 147 mức đỉnh mới và 68 mức đáy mới.

Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,23 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 10,74 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch gần nhất.

TRÁI PHIẾU: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ vào thứ Ba và trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang trong tuần này.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng thêm 2 điểm cơ bản ở mức 3,644%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm gần nhất đã tăng hơn 4 điểm cơ bản ở mức 3,599%.

Lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều nhau. Một điểm cơ bản bằng 0,01%.

Doanh số bán lẻ tăng 0,1% trong tháng 8, tốt hơn dự kiến; các nhà kinh tế do Dow Jones thăm dò đã dự đoán mức giảm 0,2%.

Tuần này, nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào Cục Dự trữ Liên bang, với một động thái cắt giảm lãi suất gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Quyết định sẽ được công bố vào thứ Tư khi cuộc họp kéo dài hai ngày của họ kết thúc. Đây sẽ là lần giảm lãi suất đầu tiên kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm 2022.

Nhà đầu tư cũng sẽ tìm kiếm manh mối về triển vọng lãi suất, đặc biệt về khả năng có bất kỳ đợt cắt giảm nào nữa trong năm nay. Sau cuộc họp tuần này, vẫn còn hai cuộc họp nữa trong lịch cho năm 2024.

Câu hỏi chính trên khắp các thị trường vẫn là ​FED sẽ cắt giảm lãi suất với quy mô như thế nào vào thứ Tư. Gần nhất, các nhà giao dịch đang tính trong định giá xác suất 65% FED sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản theo Công cụ FedWatch của CME, tăng so với kỳ vọng tuần trước, khi mức cắt giảm 25 điểm cơ bản được dự đoán rộng rãi hơn.

Số liệu về giấy phép xây dựng mới, khởi công nhà ở và doanh số bán nhà hiện tại cũng sẽ được công bố vào cuối tuần. Ở những nơi khác, các quyết định về chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản dự kiến ​​sẽ được công bố trong những ngày tới.

LỊCH KINH TẾ 18/09/2024

*Giờ Hà Nội (GMT+7)

Tin nóng 18/09: Vàng giảm, S&P 500 ít thay đổi trước quyết định của FED

Nguồn: Lịch kinh tế Investing

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg