logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 04/09/2024

Thương mại thế giới trước thách thức từ biến động chính trị Mỹ

Ông Donald Trump, ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, đã đề cập đến ý tưởng áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, một kế hoạch mà giới chuyên gia kinh tế cho rằng có thể sẽ hủy hoại thương mại toàn cầu.

Thương mại thế giới trước thách thức từ biến động chính trị Mỹ

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích hệ thống thương mại toàn cầu là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ phải đối mặt với một loạt tổn thất, bao gồm tình trạng thất nghiệp, khó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài và đồng USD được định giá quá cao.

Theo ông, phương thức xử lý rất đơn giản, đó là áp thuế. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump liên tục nhắc lại quan điểm sẽ tăng thuế nếu thắng cử. Trung Quốc, đối thủ kinh tế và địa chính trị của Mỹ, sẽ đối mặt mức thuế 50-60% đối với hàng xuất khẩu vào Mỹ. Ông cũng lên ý tưởng áp thuế 10-20% với hàng nhập khẩu từ các nước còn lại.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, mức thuế 10-20% này thấp hơn so với đề xuất áp thuế đối với hàng Trung Quốc, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây đứt gãy thương mại toàn cầu. Nguyên nhân là do mức thuế đó sẽ đánh đồng, không phân biệt đâu là đối thủ hay đồng minh của Mỹ, đâu là hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu, các ngành công nghiệp nào đang gặp khó khăn và các ngành đang hoạt động tốt, hoặc các quốc gia tuân thủ các hiệp ước thương mại và những quốc gia vi phạm chúng.

Các tiền lệ trong lịch sử

Việc đánh thuế đổ đồng như kế hoạch của ông Trump thường dẫn tới sự so sánh với cuộc chiến tranh thương mại hủy diệt mà Mỹ là một nhân tố kích hoạt trong những năm 1930, khi Quốc hội nước này thông qua Đạo luật thuế Smoot-Hawley. Văn phòng Thượng viện Mỹ đã gọi đây là “một trong những đạo luật thảm họa trong lịch sử Quốc hội Mỹ”.

Theo Giáo sư kinh tế Douglas A. Irwin thuộc Đại học Dartmouth, lịch sử hiện đại cũng ghi nhận một trường hợp tương tự. Năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon quyết định áp thuế bổ sung 10% đối với mọi hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tại thời điểm đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu có sự khác biệt lớn so với thời điểm hiện tại. Nhiều đặc tính đặc trưng của hệ thống được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai khi đó vẫn chi phối lĩnh vực tài chính: chính phủ nước ngoài có thể lập tức đổi USD sang vàng từ Bộ Tài chính Mỹ và phần lớn các đồng nội tệ trên thế giới được ấn định tỷ giá cố định với đồng USD. Hiện tại, sự biến động của tiền tệ chủ yếu là do các động lực thị trường.

Thương mại thế giới trước thách thức từ biến động chính trị Mỹ

Đầu những năm 1970, những quy định cứng nhắc này đã khiến đồng USD được định giá quá cao so với đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ. Hệ quả là hàng hóa Mỹ bán ra thị trường ngoài nước đắt đỏ hơn so với hàng nhập khẩu. Dòng tiền chảy ra khỏi nước Mỹ quá lớn, trong khi nguồn tiền chảy vào lại không đủ, làm tăng nguy cơ Mỹ có thể cạn kiệt dự trữ để trả nợ nước ngoài.

Chính quyền tổng thống Nixon áp thuế bổ sung 10% với hàng nhập khẩu nhằm mục đích ép buộc nước khác phá giá đồng nội tệ và giúp Mỹ tăng năng lực xuất khẩu, trong khi giá hàng nhập đắt đỏ hơn. Khi chính sách tỷ giá hối đoái cố định bị loại bỏ, tổng thống Mỹ đã lên truyền hình tuyên bố “thuế nhập khẩu cũng sẽ chấm dứt theo”.

Thực tế diễn ra đúng như vậy. Chỉ bốn tháng sau, Mỹ đã bỏ chính sách áp thuế 10%. Theo giáo sư kinh tế Irwin, điểm đáng chú ý tại thời điểm đó là việc ông Nixon đề ra mục đích rất cụ thể của việc áp thuế và nói rõ điều kiện khi nào và bằng cách nào thì dỡ bỏ thuế. Ngược lại, ông Trump chưa bao giờ đề cập mục đích của việc tăng thuế nhập khẩu và điều kiện dỡ bỏ. Do đó, triển vọng thành công của chính sách này ngày một trở nên xa vời.

Thuế nhập khẩu có phải là công cụ tốt để mặc cả, đàm phán?

Ông Trump nói rằng sẽ sử dụng thuế quan như một chiến thuật để buộc đối tác thương mại phải nhượng bộ. Thế nhưng trong nhiệm kỳ nắm quyền của ông, một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ lại cũng dùng thuế để đáp trả thuế trừng phạt của Mỹ, trong số này có Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada và Ấn Độ.

Một vòng xoáy trả đũa tương tự gần như sẽ lại nổ ra nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và ra ban hành quyết định áp thuế với hàng nhập khẩu. Shigeto Nagai, chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản tại hãng tư vấn Oxford Economics nhận định, nếu ông Trump áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu, các nước, trong đó có Nhật Bản, sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng.

Điều này có thể dẫn đến hệ quả tồi tệ nhất đối với cả Mỹ và các đồng minh: một nền kinh tế kết hợp giữa suy thoái với lạm phát cao. “Không ai hứng thú với một cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng cũng chẳng có ai hồ hởi trước việc bị chính quyền ông Trump đe nẹt,” chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) Kimberly Clausing bình luận.

Những hệ quả kinh tế từ việc áp thuế

Theo bà Clausing, năm 2023, Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 427 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác lên tới gần 2.700 tỷ USD. Vì thế, mức áp thuế diện rộng 10% như đề xuất của ông Trump “sẽ là một cú sốc lớn hơn, với cả kinh tế Mỹ và các quốc gia khác.”

Theo dữ liệu phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc ông Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc năm 2018 đã dẫn tới sự tái cân bằng thương mại. Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn sang các nước khác và các nước này lại xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ.

“Khi bạn áp thuế với tất cả mọi đối tác, cánh cửa để tái cấu trúc dòng chảy thương mại đó sẽ bị đóng lại. Đó sẽ là một cú sốc lớn về giá đối với thế giới”, chuyên gia Clausing nhìn nhận.

Ông Trump và số chuyên gia kinh tế ủng hộ ông nói rằng thuế sẽ làm tăng năng lực sản xuất nội địa của Mỹ, tạo ra việc làm có mức lương cao, giảm lạm phát và làm tăng nguồn thu ngân sách.

Nhưng phần lớn giới kinh tế đều đồng thuận rằng về tổng thể vẫn sẽ là “được nhiều hơn mất”. Những đòn trả đũa qua lại cuối cùng sẽ làm tổn thương mọi nền kinh tế do thương mại bị hạn chế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tăng trưởng giảm, trong khi sức ép lạm phát tăng lên.

Đỗ Hiền-Theo nytimes

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến

banner-5-1.jpg