logo
Top-trang-Danh-sach-san-desktop-840x154-px.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 04/09/2024

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc

Chứng khoán Mỹ “đỏ rực” trong phiên 3/9, khởi đầu một trong những tháng giao dịch thường là yếu kém nhất trong lịch sử, trước khi số liệu mới được công bố có thể tác động đến mức hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). 

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc

Chỉ số Dow Jones giảm 626,15 điểm (1,51%), xuống 40.936,93 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 119,47 điểm (2,12%), xuống 5.528,93 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 577,33 điểm (3,26%), xuống 17.136,3 điểm.

Cả ba chỉ số S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones cùng có mức giảm theo phần trăm trong phiên lớn nhất kể từ đầu tháng 8/2024. 

Cổ phiếu công nghệ, bao gồm cổ phiếu chip, là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của nhóm kể từ tháng 9/2022.

Cổ phiếu Nvidia giảm mạnh 9,5%. Với cú giảm này, Nvidia mất 279 tỷ USD vốn hóa thị trường. Theo hãng tin Reuters, chưa khi nào một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến vốn hóa giảm mạnh đến như vậy trong một phiên giao dịch. Điều này cho thấy niềm lạc quan của nhà đầu tư về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giảm sút trong bối cảnh mối lo kinh tế tăng lên.

Tuần trước, Nvidia công bố kết quả kinh doanh quý II vượt kỳ vọng, nhưng dự báo của công ty về kết quả kinh doanh quý III đã khiến thị trường thất vọng.

Các cổ phiếu công nghệ khác là Micron, KLA, AMD cũng đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc

Trước phiên giảm này, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua tháng 8 với nhiều biến động. Cả ba chỉ số chứng khoán chính lao dốc vào đầu tháng, với S&P 500 mất tới 7,3% trước khi phục hồi, Dow Jones và Nasdaq lần lượt giảm tới 5,4% và 10,7%.

Hiện tượng bán tháo diễn ra sau khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đột ngột điều chỉnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Hơn nữa, việc đồng USD suy yếu và đồng yen Nhật Bản tăng giá cũng đã góp phần làm trầm trọng thêm tình hình.

Lòng tin của thị trường giảm đi khi Viện Quản lý Nguồn cung công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Mỹ trong tháng 8 vẫn yếu, dù có phần cải thiện so với tháng 7, khi ở mức thấp nhất trong 8 tháng.

Theo Chủ tịch Alexis Investment Partners ở Montgomery, Texas, Jason Browne, tháng 9 được coi là một trong những tháng thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất, dựa vào các số liệu kể từ những năm 1950. Ông Browne cho rằng yếu tố mùa vụ có tác động lớn đến thị trường, sau khi các chỉ số tăng mạnh trong năm nay.

Các nhà giao dịch đang chờ báo cáo việc làm tháng 8/2024 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 6/9. Cuộc họp của FED trong hai ngày 17-18/9 sẽ được theo dõi sát sao, sau khi Chủ tịch Jerome Powell gần đây lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo công cụ FEDWatch Tool của CME Group, có 63% khả năng FED hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, trong khi có 37% khả năng hạ 50 điểm cơ bản.

Yến Anh

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến

370x700.png