Vào ngày 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản. Hơn một thập kỷ trước, từ đợt suy thoái kinh tế lịch sử năm 2008, giới tài chính toàn cầu lại tiếp tục “toát mồ hôi” khi đón nhận một làn sóng các nhà băng sụp đổ với hệ lụy được dự báo thậm chí là lớn hơn gấp nhiều lần.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), một ngân hàng chủ chốt trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm và công nghệ, khiến các công ty và giới nhà giàu đứng ngồi không yên. Ngay lập tức khiến cho cổ phiếu của công ty mẹ SVB Financia Group giảm liên tiếp trong hai phiên trước khi tuyên bố tạm ngừng giao dịch.
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” có vẻ như là rất đúng với trường hợp của SVB khi đây là một ngân hàng xương sống trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ và đầu tư mạo hiểm tại Mỹ. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, SVB còn tài trợ cho các dự án công nghệ. Do đó, việc đóng cửa SVB không chỉ ảnh hưởng đến tiền gửi của khách hàng mà còn ảnh hưởng đến các cơ sở tín dụng và các hình thức tài trợ khác.
Hẳn các nhà đầu tư ở xứ cờ hoa vẫn chưa quên vụ sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual vào năm 2008, với 307 tỷ USD tài sản và 188 tỷ USD tiền gửi. Nếu Washington Mutual là thứ nhất thì SVB là thứ hai. Cơn ác mộng này đã quay lại sau khi khách hàng đổ xô tới SVB rút tiền do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng.
Tạm gác lại những dư chấn của động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, hẳn có rất nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi “Điều gì khiến cho thị trường tài chính Mỹ có thể rung chuyển mạnh tới vậy?” Silicon Valley Bank không phải là ngân hàng duy nhất mà Silvergate Capital cũng đã đột ngột đóng cửa. Có lẽ đúng như Chủ tịch Christopher Whalen của công ty tư vấn tài chính Whalen Global Advisors nhận định: “SVB chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rất nhiều ngân hàng nhỏ sẽ chịu một cú giáng khủng khiếp. Nhiều ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn chủ sở hữu”.
Các ngân hàng vừa và nhỏ với nguồn vốn kém đa dạng hơn có thể phải chịu những áp lực đặc biệt. Họ buộc phải bán thêm cổ phiếu và khi đó cổ phiếu sẽ bị pha loãng. Tuy không đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền gửi, các ngân hàng sẽ buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn để có được khách hàng.
Chính các ngân hàng, đặc biệt là những đối tượng nhỏ nằm ngoài tầm ngắm của Fed, lại chính là những mắt xích yếu nhất. SVB là ví dụ điển hình nhất về việc Phố Wall bị “che mắt” bởi những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ngày 12/3, hãng Bloomberg đưa tin Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đang cân nhắc việc thành lập quỹ, nhằm cho phép nhà chức trách có thể hỗ trợ thêm tiền gửi đối với những ngân hàng gặp khó khăn sau sự có chấn động này. FDIC đã đề nghị các nhân viên của ngân hàng này làm việc trong 45 ngày với mức lương bằng 1,5 so với bình thường. Đây là kế hoạch khẩn cấp để trấn an các khách hàng gửi tiền và để tránh những ngân hàng khác tiếp tục rơi vào vòng xoáy này. Vẫn còn đó những câu hỏi chưa có lời giải về cách thức vận hành của SVB trong những tháng bấp bênh gần đây. Liệu có phải SVB đã tự tạo ra một cái bẫy và quá chủ quan, tự tin đối với dòng tiền mà khách hàng gửi vào.
Chậm nhất là sáng ngày 13/3, các khách hàng có bảo hiểm tiền gửi tại SVB sẽ được rút hết số tiền của mình. SVB sẽ có một buổi sáng thất thủ để xử lý giao dịch cho một hàng dài các khách hàng đã chờ đợi từ đêm hôm trước. Tuy nhiên, FDIC chỉ đảm bảo cho khoản tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống. Đáng tiếc, khách hàng của SVB thì có nhiều tiền hơn thế. Điều đó có nghĩa là 93% số tiền cất giữ tại SVB (tính đến ngày 31/12) không được bảo hiểm. Đối với những người gửi quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD, tương lai phía trước là “khó đoán định”.
Mục tiêu của SVB trong lần mở cửa lại này là tìm được người mua lại và hoàn tất giao dịch, ngay cả khi bị yêu cầu bán đi từng phần một.Lời giải đầu tiên cho bài toán khó này là FDIC sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi.
Trước bối cảnh rút tiền ồ ạt này, giới chức các ngân hàng đã trấn an khách hàng rằng “hãy bình tĩnh”, thế nhưng khó có thể nào bình tĩnh được. Đối với các nhà đầu tư, các khách hàng thì tuần qua với họ thực sự là một cơn ác mộng.
Hoa Nguyễn