logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 01/07/2024

Chuyển động thế giới 01/07

Nhiều quốc gia Trung và Nam Âu đang đối mặt với tình trạng thời tiết bất thường gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.

Chuyển động thế giới 01/07

Cuối tuần qua, giới chức Italy đã phải ban bố cảnh báo màu cam về nhiệt độ nắng nóng ở 17 thành phố cuối tuần qua, khi mức nhiệt ghi nhận trên 40 độ C tại nhiều nơi. Tại đảo du lịch Sicilia, người dân và du khách đều cảm thấy mệt mỏi vì mức nhiệt lên tới 42 độ C, đặc biệt những người phải hoạt động ngoài trời như người dẫn tour du lịch hay những người vận chuyển đồ ăn.

Không chỉ Italy, một loạt quốc gia khu vực Địa Trung Hải đều đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt, khiến các đám cháy rừng từ Bồ Đào Nha cho đến Hy Lạp và dọc vùng duyên hải phía Bắc Algeria thuộc Bắc Phi trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, tại miền Bắc Italy, lũ lụt, bão và sạt lở đất lại đang xảy ra ở nhiều khu vực khiến nhiều ngôi làng bị cô lập. Mưa bão cũng xảy ra ở khu vực miền Nam Thụy Sĩ gây ra lở đất khiến 2 người thiệt mạng và 1 người mất tích.

Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo về hướng Đông sau khi cảnh báo về các biện pháp đáp trả cuộc tập trận chung do Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tổ chức.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết một tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được phóng từ khu vực Jangyon ở tỉnh Nam Hwanghae vào khoảng 5h05 sáng 1/7 theo giờ địa phương theo hướng Đông Bắc. Một tên lửa đạn đạo chưa xác định khác được phóng sau đó khoảng 10 phút. Tuy nhiên, JCS chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết khác.

JCS cho biết quân đội Hàn Quốc đã tăng cường hoạt động giám sát cũng như cảnh giác trước các vụ phóng tiếp theo của phía Bình Nhưỡng. Seoul cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin và các dữ liệu về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên với phía Mỹ và Nhật Bản. Vụ phóng mới nhất diễn ra 5 ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo về phía vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên vào hôm 26/6 vừa qua. Mới đây, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng đã ra thông cáo báo chí, bày tỏ quan ngại việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung ở vùng biển gần nước này từ ngày 27-29/6.

Chỉ trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Đức đã đạt 60% tổng giá trị của cả năm ngoái và tăng 30% so với cùng kỳ. Phần lớn trong số này là xuất khẩu sang Ukraine.

Theo Bộ Kinh tế Đức, trong nửa đầu năm 2024, Chính phủ nước này đã phê duyệt tổng xuất khẩu vũ khí trị giá ít nhất 7,48 tỷ euro. Căng thẳng ở Ukraine và việc tăng doanh số bán sang Saudi Arabia đã giúp kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Đức tăng mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy gần 2/3 lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm nay là đến Ukraine, đạt mức cao kỷ lục 4,88 tỷ euro. Một số khách hàng lớn khác của Đức bao gồm Ấn Độ, Saudi Arabia và Qatar.

Xuất khẩu vũ khí tăng vọt bất chấp việc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz trước đó đã cam kết sẽ hạn chế việc cung cấp vũ khí, đặc biệt là đối với các thành viên ngoài Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Chuyển động thế giới 01/07

Từ 1/7, Nga sẽ thay Hàn Quốc tiếp quản vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 7. Đại diện phái đoàn Nga thông báo sẽ tập trung nghị sự vào một số sự kiện quan trọng, như tìm giải pháp cho xung đột tại Trung Đông trong tháng Chủ tịch này.

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya khẳng định, Nga đã lên kế hoạch và dự kiến tổ chức, thảo luận về 3 chủ đề quan trọng. Đầu tiên là cuộc tranh luận mở về hợp tác đa phương nhằm xây dựng trật tự thế giới công bằng, dân chủ và bền vững hơn, dự kiến diễn ra vào ngày 16/7. Tại cuộc họp này, Nga sẽ nêu ra vấn đề về một “phương trình an ninh” toàn cầu mới. Sau đó 1 ngày sẽ diễn ra cuộc tranh luận mở về chủ đề giải quyết tình hình Trung Đông.

Đến ngày 19/7, Nga sẽ tổ chức cuộc tranh luận về hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, như Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, Cộng đồng các quốc gia độc lập và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tuy nhiên, do Mỹ đã cấm nhập cảnh hàng trăm công dân Nga, trong đó có Ngoại trưởng Lavrov, hiện chưa rõ Washington có cấp thị thực cho ông Lavrov và phái đoàn Nga hay không.

Từ 1/7, Hungary sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Tăng cường năng lực cạnh tranh của khối sẽ là mục tiêu trọng tâm của Hungary trong nhiệm kỳ tới.

Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Hungary, Janos Boka, hôm nay cho biết, trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU, Budapest muốn có một hiệp ước cạnh tranh mới của châu Âu, dể một mặt tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của châu lục, mặt khác sẽ thúc đẩy những cải cách chính sách có lợi cho các doanh nghiệp trong khối. Bên cạnh đó, Hungary cũng muốn thành lập một liên minh thị trường vốn châu Âu thực sự, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng và năng lượng, đồng thời tạo ra một chính sách công nghiệp toàn khối nhằm đạt được các mục tiêu chính như chuyển đổi xanh. Hungary đã nói rõ sẽ tập trung vào những lĩnh vực có nhu cầu thay đổi mạnh mẽ nhất như kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, khủng hoảng di cư và quan hệ quốc tế.

Hoa Nguyễn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg