Việc tiền lương thực tế tại Nhật Bản tăng trong tháng 7, giúp yên Nhật tiếp tục mạnh lên, đẩy tỷ giá USD/JPY lùi về mức đáy bảy tháng.
- Đồng Yên Nhật tăng giá khi thu nhập tiền mặt của người lao động tăng, củng cố khả năng BOJ sẽ nâng lãi suất hơn nữa.
- Quan chức BOJ Hajime Takata tuyên bố, nếu dữ liệu kinh tế và giá cả diễn biến như kỳ vọng, BOJ sẽ điều chỉnh lãi suất theo nhiều giai đoạn.
- Báo cáo NFP của Mỹ có thể ghi nhận thêm 160.000 việc làm trong tháng 8, so với mức 114.000 của tháng 7.
Yên Nhật (JPY) nối dài đà tăng giá sang phiên thứ tư liên tiếp khi tiền lương thực tế tại Nhật Bản tăng trong tháng 7, thúc đẩy suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể thực hiện một đợt tăng lãi suất khác trước khi kết thúc năm 2024. Ngoài ra, cặp USD/JPY cũng đối mặt với cơn gió ngược do đồng Đô la Mỹ (USD) yếu đi, sau những bình luận ôn hòa từ giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Thành viên Hội đồng BOJ Hajime Takata tuyên bố hôm thứ Năm rằng "nếu dữ liệu kinh tế và giá cả đúng như dự báo của chúng tôi, chúng tôi sẽ điều chỉnh lãi suất chính sách theo nhiều giai đoạn". Ông Takata cũng đề cập rằng nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi ở mức vừa phải, mặc dù có một số dấu hiệu suy yếu. Trong khi thị trường chứng khoán và ngoại hối đã trải qua biến động đáng kể, ông lưu ý rằng BOJ vẫn thấy mục tiêu lạm phát của mình trong tầm tay.
Giới đầu tư có thể sẽ chờ đợi dữ liệu thị trường lao động Mỹ được công bố vào thứ Sáu, bao gồm Bảng lương Phi nông nghiệp (NFP), để có thêm cơ sở xác định quy mô tiềm năng đợt cắt giảm lãi suất của FED trong tháng này.
Động lực thị trường hàng ngày: Yên Nhật nới rộng đà tăng do kỳ vọng về lập trường chính sách diều hâu của BOJ
- Thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch FED Chicago Austan Goolsbee cho biết, xu hướng dài hạn của thị trường lao động và dữ liệu lạm phát là phù hợp để FED nới lỏng chính sách lãi suất sớm và sau đó dần ổn định trong năm tới. Công cụ FedTracker của FXStreet, chuyên đánh giá phát biểu của giới chức FED theo thang điểm từ ôn hòa đến diều hâu (từ 0 đến 10), đánh giá tuyên bố của ông Goolsbee là trung lập với mức điểm 3,8.
- Báo cáo của ADP công bố hôm thứ Năm cho thấy, số việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ đã tăng 99.000 vị trí vào tháng 8, thấp hơn mức dự báo 145.000 và mức tăng 111.000 của tháng 7. Trong khi đó, số đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần của Mỹ đã tăng lên 227.000 trong tuần kết thúc vào ngày 30/8, thấp hơn 232.000 của tuần trước đó và cũng thấp hơn mức dự báo ban đầu là 230.000.
- Thu nhập tiền mặt của lao động Nhật Bản trong tháng 7 đạt mức tăng theo năm 3,6%, thấp hơn mức 4,5% của tháng 6 nhưng vượt mức dự báo 3,1% và là mức cao nhất kể từ tháng 1/1997.
- Chủ tịch FED San Francisco Mary Daly tuyên bố hôm thứ Tư rằng "FED cần cắt giảm lãi suất chính sách vì lạm phát đang giảm và nền kinh tế đang chậm lại". Về quy mô cắt giảm lãi suất tiềm năng vào tháng 9, bà Daly lưu ý, "Chúng tôi vẫn chưa xác định được". Công cụ FedTracker của FXStreet, chuyên đánh giá phát biểu của giới chức FED theo thang điểm từ ôn hòa đến diều hâu (từ 0 đến 10) bằng mô hình AI tùy chỉnh, đã đánh giá tuyên bố của bà Daly là trung lập với số điểm là 3,6.
- Chủ tịch FED Atlanta Raphael Bostic cho biết FED đang ở vị thế thuận lợi nhưng nói thêm rằng họ không được duy trì lập trường chính sách tiền tệ hạn chế quá lâu. Công cụ FedTracker của FXStreet, chuyên đánh giá phát biểu của các quan chức FED theo thang điểm từ ôn hòa đến diều hâu (từ 0 đến 10) bằng mô hình AI tùy chỉnh, đã đánh giá tuyên bố của ông Bostic là trung lập với số điểm là 4,6.
- Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm thứ Tư tuyên bố rằng ông "đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong nước và quốc tế với tinh thần cấp bách". Ông Hayashi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành quản lý chính sách tài khóa và kinh tế, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
- Báo cáo JOLTS cho thấy, số cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống còn 7,673 triệu vào tháng 7, thấp hơn mức 7,910 triệu của tháng 6. Kết quả này cũng thấp hơn mức kỳ vọng 8,1 triệu, và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
- Theo báo cáo công bố hôm thứ Tư của Ngân hàng Jibun, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ của Nhật Bản trong tháng 8 được điều chỉnh tăng từ mức ước tính ban đầu là 53,7 lên 54,0. Kết quả này không đổi so với tháng 7, và đánh dấu tháng mở rộng hoạt động thứ bảy liên tiếp của khu vực dịch vụ.
Phân tích kỹ thuật: USD/JPY giảm về mức 143,00, hướng tới mức đáy bảy tháng
USD/JPY giao dịch quanh mức 143,30 trong ngày thứ Sáu. Việc Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 9 ngày vẫn nằm dưới đường EMA 21 ngày trên biểu đồ hàng ngày cho thấy xu hướng giảm giá vẫn dai dẳng. Ngoài ra, Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày đang ở gần mức 30, cũng củng cố đà giảm giá của cặp tiền, nhưng đồng thời cũng báo hiệu khả năng sớm có đợt điều chỉnh tăng.
Cặp USD/JPY đang giảm về mức hỗ trợ tại mức đáy 7 tháng ở ngưỡng 141,69, được ghi nhận hôm 5/8. Một mức hỗ trợ quan trọng khác sẽ nằm tại ngưỡng 140,25 – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023.
Nếu tăng giá, cặp tiền sẽ đối mặt mức kháng cự đầu tiên tại Đường EMA 9 ngày, quanh mức 144,60, tiếp đó là đường EMA 21 ngày tại mức 146,02. Một sự đột phá lên trên các đường EMA này có thể làm suy yếu kỳ vọng giảm giá, đẩy cặp tiền về mức tâm lý 150,00.
Biểu đồ hàng ngày USD/JPY
GIÁ YÊN NHẬT HÔM NAY
Bảng bên dưới hiển thị phần trăm thay đổi của Yên Nhật (JPY) so với các loại tiền tệ chủ chốt được niêm yết hôm nay. Đồng Yên Nhật tăng mạnh nhất so với Đô la Úc.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.