logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 06/09/2024

Tin nóng 06/09: S&P 500, Dow giảm trước dữ liệu việc làm quan trọng

Đô la giảm, vàng tăng, dầu giảm, chứng khoán Mỹ biến động trái chiều... cùng nhiều tin tức quan trọng khác. Cập nhật ngay các tin nóng đầu ngày cùng Investo.info

 

TIN TIÊU ĐIỂM

* FOREX: Đô la giảm trước phép thử dữ liệu bảng lương của Mỹ

* HÀNG HÓA: Vàng tăng khi nhà đầu tư dự đoán mức cắt giảm lãi suất lớn từ FED

* NĂNG LƯỢNG: Giá dầu giữ ở mức thấp nhất 14 tháng do quan ngại nhu cầu

* CỔ PHIẾU: S&P 500, Dow giảm điểm trước dữ liệu việc làm quan trọng, Nasdaq tăng

* TRÁI PHIẾU: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khi Phố Wall chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8

* LỊCH KINH TẾ 09/06/2024

Tin nóng 06/09: S&P 500, Dow giảm trước dữ liệu việc làm quan trọng

FOREX: Đô la giảm trước phép thử dữ liệu bảng lương của Mỹ

Đồng đô la Mỹ giảm so với hầu hết các loại tiền tệ chính trong phiên giao dịch hỗn loạn hôm thứ Năm khi nhà đầu tư chuẩn bị cho báo cáo dữ liệu bảng lương của Mỹ vào thứ Sáu. Báo cáo có thể định hình lộ trình cắt giảm lãi suất từ ​​Cục Dự trữ Liên bang.

Đồng đô la đã chịu áp lực trong các phiên gần đây khi các dấu hiệu tăng trưởng giảm tốc trong nền kinh tế Mỹ làm tăng khả năng FED cắt giảm lãi suất với tốc độ cấp bách hơn.

Tháng trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã xác nhận việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lo ngại về sự suy yếu của thị trường lao động.

Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm trong tuần trước do tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp.

Báo cáo đã giúp xoa dịu nỗi lo rằng thị trường lao động đang xấu đi. Dữ liệu công bố trong phiên trước đó cho thấy tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân của Mỹ đã đạt mức thấp nhất 3 năm rưỡi vào tháng 8.

Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự kiến đã có thêm 165.000 việc làm tại Mỹ trong tháng 8, tăng so với mức 114.000 của tháng 7.

“Có cảm giác lờ mờ rằng nền kinh tế sắp suy thoái, nhưng những con số mới nhất này không cho thấy điều đó”, Adam Button, chuyên gia phân tích tiền tệ chính tại Forexlive ở Toronto, cho biết.

“Tôi nghĩ thị trường đang dao động từ 25 đến 50 điểm cơ bản trên mọi điểm dữ liệu”, Button cho biết.

Thị trường đang tính trong định giá xác suất 59% FED sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản khi họp vào ngày 17 và 18 tháng 9, với xác suất 41% cho mức cắt giảm 50 điểm cơ bản, theo công cụ FedWatch của CME. Tổng cộng, mức cắt giảm khoảng 100 điểm cơ bản đang được định giá trong năm nay.

Đồng euro tăng 0,2% so với đô la ở mức 1,1106 USD, cao nhất trong một tuần. Chỉ số đô la, thước đo sức mạnh của đồng tiền Mỹ so với sáu đồng tiền chính, giảm 0,2% ở mức 101,08.

So với đồng yên Nhật, đồng đô la giảm 0,3% xuống 143,35 yên, mức thấp nhất trong một tháng. Nhu cầu trú ẩn an toàn và kỳ vọng về việc Ngân hàng Nhật Bản sắp tăng lãi suất đã giúp nâng giá đồng tiền Nhật Bản trong các phiên gần đây.

Thị trường quyền chọn cho thấy các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho những động thái lớn có khả năng xảy ra đối với các loại tiền tệ vào thứ Sáu. Biến động ngụ ý của quyền chọn qua đêm - thước đo nhu cầu phòng hộ - đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng 3 năm 2023 đối với đồng euro và cao nhất trong một năm đối với đồng yên.

Đồng bảng Anh tăng 0,2% lên 1,31715 USD vào thứ năm. Ngân hàng Anh sẽ họp trong hai tuần nữa để thiết lập chính sách tiền tệ. Hiện tại, thị trường phái sinh cho thấy các nhà giao dịch thấy rất ít khả năng xảy ra cắt giảm lãi suất trong tháng này, nhưng khả năng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11 đang được kỳ vọng với xác suất 100%.

Đồng đô la Úc đã đảo ngược mức lỗ trước đó để giao dịch tăng 0,1% trong ngày, được hỗ trợ từ việc Ngân hàng Dự trữ Úc vẫn duy trì quan điểm diều hâu.

Trong bối cảnh nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro hơn, tiền điện tử đã giảm vào thứ Năm. Bitcoin giảm 2,6% xuống còn 56.510 USD và ether giảm khoảng 2,8% xuống còn 2.387 USD.

HÀNG HÓA: Vàng tăng khi nhà đầu tư dự đoán mức cắt giảm lãi suất lớn từ FED

Giá vàng tăng lên gần mức cao nhất một tuần vào thứ Năm do đồng đô la Mỹ yếu hơn và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thấp hơn sau khi các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động mất đà khiến nhà đầu tư kỳ vọng một mức cắt giảm lãi suất lớn từ FED trong tháng này.

Giá vàng giao ngay đã tăng 0,9% lên 2.515,93 USD/ounce tính đến 2:03 chiều theo giờ ET (1803 GMT), tăng tới 1,1% vào đầu phiên. Giá đã giảm nhẹ mức tăng sau dữ liệu ngành dịch vụ Mỹ.

Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,7% lên 2.543,10 USD.

Khu vực tư nhân của Mỹ đã tuyển dụng ít lao động nhất trong 3,5 năm vào tháng 8, có khả năng ngụ ý một sự suy thoái mạnh của thị trường lao động. Hôm thứ Tư, dữ liệu cũng cho thấy số lượng việc làm mới tại Mỹ giảm mạnh trong tháng 7.

Sau dữ liệu ADP, giá vàng đã tăng đột biến, thực sự cho thấy “thị trường lao động đang trong tình trạng tồi tệ và có rất nhiều lo ngại”, Phillip Streible, trưởng chuyên gia chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, cho biết.

“Dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới cũng không thực sự giúp ích gì trong việc vẽ nên bức tranh tươi sáng cho tình hình việc làm”.

Theo công cụ FedWatch của CME, hiện tại, các nhà giao dịch đang kỳ vọng với xác suất 59% ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) trong tháng này và xác suất 41% họ sẽ cắt giảm 50 bps.

FED cần cắt giảm lãi suất để duy trì thị trường lao động lành mạnh. Nhưng giờ đây, dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ quyết định mức cắt giảm là bao nhiêu, Thống đốc FED San Francisco Mary Daly cho biết vào thứ Tư.

Sự chú ý đang chuyển sang báo cáo dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp (NFP) sắp tới vào thứ Sáu.

“Nếu tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 bằng với mức 4,3% của tháng 7, mức cao nhất kể từ năm 2021, thì giá vàng sẽ trở lại mức cao kỷ lục do thị trường tăng cường đặt cược vào một đợt cắt giảm lãi suất lớn”, Han Tan, chuyên gia phân tích thị trường tại Exinity Group, cho biết.

Trên các thị trường khác, giá bạc giao ngay đã tăng 1,9% lên 28,82 USD, giá bạch kim tăng 2,7% lên 926,74 USD và giá palladium tăng 0,9% lên 942,36 USD.

NĂNG LƯỢNG: Giá dầu giữ ở mức thấp nhất 14 tháng do quan ngại về nhu cầu

Giá dầu giữ ở mức thấp nhất 14 tháng vào thứ Năm do lo ngại về nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc cùng với khả năng tăng nguồn cung từ Libya. Tác động này đã lấn át việc tồn kho giảm mạnh tại Mỹ và sự chậm trễ trong việc tăng sản lượng của các nhà sản xuất OPEC+.

Giá dầu Brent giao sau giảm 1 cent xuống còn 72,69 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 5 cent, tương đương 0,1%, xuống còn 69,15 USD.

Đó là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ tháng 6 năm 2023 trong ngày thứ hai liên tiếp và mức đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ tháng 12 năm 2023 ngày thứ ba liên tiếp.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các công ty năng lượng đã rút 6,9 triệu thùng dầu thô ra khỏi kho trong tuần kết thúc vào ngày 30 tháng 8.

Con số này lớn hơn nhiều so với mức giảm 1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters, nhưng phù hợp với mức giảm 7,4 triệu thùng do Viện Dầu khí Mỹ báo cáo vào thứ Tư.

Một hỗ trợ khác cho giá dầu đến từ các thảo luận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh do Nga đứng đầu, được gọi chung là OPEC+, về việc trì hoãn việc tăng sản lượng dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 10.

OPEC+ đã đồng ý trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng 10 và tháng 11, cho biết họ có thể tạm dừng hoặc đảo ngược các đợt tăng nếu cần.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ cho biết quyết định của OPEC+ có tác dụng thắt chặt nguồn cung quý IV khoảng 100.000-200.000 thùng mỗi ngày (bpd) và sẽ đủ để ngăn chặn tình trạng tích trữ dầu vật chất ngay cả khi nhu cầu từ Trung Quốc không cải thiện.

Tuy nhiên, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, ​​cho biết thị trường không mấy ấn tượng với tin tức OPEC+.

“Thị trường xăng dầu có khả năng làm giá dầu thô sụt giảm ngay cả khi tình hình hỗn loạn của OPEC+ không phụ thuộc vào (giá). Nếu bạn không cần xăng, bạn không cần dầu thô để sản xuất xăng”, Yawger cho biết.

Sau khi các công ty năng lượng bất ngờ bổ sung 0,8 triệu thùng xăng vào kho dự trữ của Mỹ vào tuần trước, giá xăng tương lai của Mỹ đã giảm xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021.

Tại Libya, một số tàu chở dầu đã được phép lấy dầu thô từ kho dự trữ của thành viên OPEC này mặc dù sản lượng vẫn bị hạn chế trong bối cảnh bế tắc chính trị về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ.

Dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ đã mang lại một số tín hiệu lạc quan về sức khỏe của nền kinh tế trong khi thị trường tìm kiếm manh mối về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.

FED đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát tăng vọt, nhưng dự kiến ​​sẽ giảm chi phí đi vay tại cuộc họp chính sách ngày 17-18 tháng 9. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Hoạt động khu vực dịch vụ của Mỹ ổn định vào tháng 8, nhưng mức tăng việc làm đã giảm tốc, phù hợp với nhận định thị trường lao động đang nới lỏng.

Trong khi đó, tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân của Mỹ đã đạt mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vào tháng 8, dữ liệu tháng trước cũng được điều chỉnh xuống thấp hơn, có khả năng ám chỉ đến một sự suy thoái mạnh của thị trường lao động.

Ngược lại, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm trong tuần trước vì tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp.

“Theo quan điểm của chúng tôi, báo cáo ‘Beige book’ cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ dưới xu hướng và rủi ro suy thoái đang gia tăng”, các nhà phân tích tại UBS cho biết trong một lưu ý, đề cập đến báo cáo FED công bố vào thứ Tư. Beige book đóng vai trò như một phép kiểm tra sức khỏe của nền kinh tế mỗi 6 tuần một lần.

CỔ PHIẾU: S&P 500, Dow giảm điểm trước dữ liệu việc làm quan trọng, Nasdaq tăng

Chỉ số S&P 500 và Dow đã đóng cửa thấp hơn trong phiên giao dịch biến động hôm thứ Năm sau khi tăng điểm trong một thời gian ngắn hạn nhờ một loạt báo cáo kinh tế mờ nhạt và nhà đầu tư để mắt đến dữ liệu việc làm quan trọng sẽ công bố vào thứ Sáu. Nasdaq kết thúc phiên giao dịch cao hơn một chút.

Thị trường đang lo lắng trước khi công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp toàn diện - có khả năng sẽ tạo tiền đề cho Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này.

Trước đó trong phiên giao dịch, các chỉ số chính của Phố Wall đã tăng khi các báo cáo giúp xoa dịu nỗi lo suy thoái trên thị trường lao động. Theo dữ liệu của Bộ Lao động, khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ đã mở rộng trong tháng 8 trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm vào tuần trước.

Tám trên 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đã mất điểm, dẫn đầu là sự sụt giảm của ngành chăm sóc sức khỏe và công nghiệp. Lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu nhóm tăng điểm, một phần nhờ cổ phiếu Tesla.

“Các thị trường đang đi trên một con tàu lượn siêu tốc dao động giữa việc rũ bỏ và chấp nhập rủi ro mỗi khi có dữ liệu vì Fed đã nói 'chúng tôi sẽ theo dõi dữ liệu'”, Wasif Latif, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư tại Sarmaya Partners ở Princeton, New Jersey cho biết.

“Thị trường đang theo dõi dữ liệu để hiểu nền kinh tế đang như thế nào trên phương diện kịch bản hạ cánh và điều đó có ý nghĩa gì đối với chính sách lãi suất của FED.”

Tháng 9 là tháng yếu trong lịch sử đối với chúng khoán Mỹ. S&P 500 đã giảm trung bình khoảng 1,2% trong tháng kể từ năm 1928. Chỉ số này đã giảm hơn 2,5% cho đến nay trong tuần này và các cổ phiếu công nghệ đã giảm khoảng 4,8%.

Hồi tháng 8, các nhà tuyển dụng khu vực tư nhân của Mỹ đã tuyển dụng ít công nhân nhất kể từ tháng 1 năm 2021 và dữ liệu của tháng trước đã được điều chỉnh xuống thấp hơn, có khả năng ngụ ý một sự suy thoái mạnh của thị trường lao động, theo Báo cáo việc làm quốc gia của ADP.

“Thị trường muốn có một số dữ liệu mềm, nhưng nó giống như một con đường hẹp vì, theo quan điểm của chúng tôi, thị trường chứng khoán đang được định giá cho một kịch bản hạ cánh mềm hoặc không hạ cánh, trong khi thị trường trái phiếu, với kỳ vọng cắt giảm lãi suất, tính trong định giá cao hơn một chút cho một cuộc suy thoái”, Latif nói thêm.

Chỉ số Dow Jones giảm 219,22 điểm, tương đương 0,54%, xuống 40.755,75. S&P 500 giảm 16,66 điểm, hay 0,30%, xuống 5.503,41. Nasdaq Composite tăng 43,37 điểm, hay 0,25%, lên 17.127,66.

Cổ phiếu Tesla tăng gần 5% sau khi hãng xe điện cho biết họ sẽ ra mắt phần mềm hỗ trợ lái xe tự lái hoàn toàn tiên tiến vào quý I năm tới tại Châu Âu và Trung Quốc, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Cổ phiếu Frontier Communications giảm 10% sau khi Verizon cho biết họ sẽ mua công ty này trong một thỏa thuận trả hoàn toàn bằng tiền mặt trị giá 20 tỷ USD. Cổ phiếu Verizon giảm 0,4%.

Cổ phiếu JetBlue Airways tăng 7% sau khi hãng hàng không này nâng dự báo doanh thu quý III.

S&P 500 đã ghi nhận 42 mức đỉnh 52 tuần mới và 9 mức đáy mới trong khi Nasdaq Composite ghi nhận 43 mức đỉnh mới và 136 mức đáy mới.

Tổng khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là khoảng 10,6 tỷ cổ phiếu, giảm nhẹ so với mức trung bình 20 ngày 10,7 tỷ cổ phiếu.

TRÁI PHIẾU: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khi Phố Wall chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm nhẹ vào thứ Năm khi Phố Wall đánh giá dữ liệu việc làm mới nhất và hướng tới báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 vào thứ Sáu.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm gần 4 điểm cơ bản xuống còn 3,731%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 2 điểm cơ bản xuống còn 3,75%.

Lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều nhau, một điểm cơ bản bằng 0,01%.

Hôm thứ Năm, ADP cho biết số lượng bảng lương tư nhân đã tăng 99.000 trong tháng 8. Đây không chỉ là mức tăng nhỏ nhất kể từ đầu năm 2021 mà còn thấp hơn nhiều so với dự báo đồng thuận 140.000 từ các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò.

Điều này có thể làm gia tăng nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ khi nhà đầu tư chuẩn bị cho việc công bố dữ liệu việc làm lớn vào thứ Sáu.

Cụ thể, các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu được theo dõi chặt chẽ về bảng lương phi nông nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương, sẽ được công bố vào sáng thứ Sáu. Báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn dự kiến ​​đã gây ra một làn sóng lo ngại về suy thoái và biến động thị trường. Những câu hỏi về khả năng Cục Dự trữ Liên bang có nên cắt giảm lãi suất sớm hơn hay không đã xuất hiện.

Dữ liệu sẽ được công bố trước cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang vào cuối tháng này, khi ngân hàng trung ương dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất. Vẫn còn không chắc chắn về quy mô của đợt cắt giảm lãi suất.

Theo dữ liệu cũng được công bố vào thứ Năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần đã giảm so với tuần trước. Điều đó trái ngược với sự yếu kém được thấy trong báo cáo của ADP.

Hôm thứ Tư, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã xóa bỏ đảo ngược đường cong lợi suất trong một thời gian ngắn. Đường cong lợi suất đảo được vốn được coi là chỉ báo suy thoái trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2022. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm vẫn gần nhau vào thứ Năm.

LỊCH KINH TẾ 06/09/2024

*Giờ Hà Nội (GMT+7)

Tin nóng 06/09: S&P 500, Dow giảm trước dữ liệu việc làm quan trọng

Nguồn: Lịch kinh tế Investing

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg