Nhà đầu tư nợ xấu David Tepper cho rằng niềm tin đối với các công cụ nợ do châu Âu phát hành đang bị lung lay.
Giới đầu tư trái phiếu và luật sư Mỹ đang chuẩn bị đệ đơn kiện chính phủ Thụy Sĩ về quyết định xóa sổ 17 tỷ USD nợ trái phiếu của Credit Suisse trong vụ sáp nhập vội vàng ngân hàng này vào UBS.
Chính phủ Thụy Sĩ đã kích động cơn phẫn nộ của các nhà đầu tư trái phiếu khi sử dụng một sắc lệnh khẩn cấp để bút toán giảm lượng lớn trái phiếu về 0, ngay cả khi họ đã dàn xếp thỏa thuận cho phép UBS trả 3,25 tỷ USD cho các cổ đông.
Trái phiếu AT1 là một loại công cụ nợ được thiết kế để bù lỗ khi các tổ chức kinh doanh gặp khó khăn nhưng thường được cho là ưu tiên hơn so với vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán.
“Nếu điều này vẫn tiếp diễn, làm sao mọi người có thể tin tưởng vào bất kỳ chứng khoán nợ nào được phát hành ở Thụy Sĩ, hay rộng hơn là ở châu Âu, nếu các chính phủ chỉ cần thay đổi luật sau khi thực tế đã xảy ra,” tỷ phú David Tepper, nhà sáng lập Appaloosa Management, cho biết. Nhà tài phiệt này cho rằng các bên phải tuân thủ theo hợp đồng.
David Tepper là một trong những nhà đầu tư thành công nhất khi đầu tư vào các công ty tài chính vốn đang gặp khó khăn. Ông nổi tiếng khi đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ đánh cược vào năm 2009 rằng các ngân hàng Mỹ sẽ không bị quốc hữu hóa trong cuộc khủng hoảng tài chính. Appaloosa Management đã mua một loạt các khoản nợ cấp cao và cấp thấp của Credit Suisse khi ngân hàng này rơi vào hỗn loạn.
Giám đốc đầu tư Mark Dowding của RBC BlueBay, công ty nắm giữ trái phiếu AT1 của Credit Suisse, cho rằng Thụy Sĩ “trông giống một nền cộng hòa chuối hơn”. Quỹ trái phiếu tài chính của ông đã giảm 12,2% trong tháng này.
Một số quỹ đã mua khoản nợ trái phiếu này để chuẩn bị nhảy vào cuộc chiến pháp lý. Goldman Sachs là một trong những ngân hàng môi giới mua bán nợ AT1 và đã đưa ra mức giá chỉ vài cent trên mỗi USD giá gốc.
Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan và Pallas Partners là một trong số các công ty luật đại diện cho các trái chủ. Quinn đã tổ chức một cuộc họp vào ngày thứ Tư với sự tham gia của hơn 750 người.
Richard East, một đối tác của Quinn, nói rằng thỏa thuận này là “một vụ sáp nhập ngụy trang dưới cái lốt nghị quyết” và dẫn chứng rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh lại đưa ra các tuyên bố rất khác với cách tiếp cận của Thụy Sĩ.
“Chắc chắn sẽ điều gì đó không ổn khi các cơ quan quản lý khác lại tỏ vẻ nhã nhặn khẳng định rằng họ sẽ tôn trọng thứ tự ưu tiên thông thường trong nghị quyết hội đồng quản trị,” ông nói thêm.
Theo các luật sư của Quinn, công ty này đang để mắt đến các vụ kiện ở nhiều quốc gia. Có khả năng cao sẽ phát sinh các vụ kiện liên quan đến hành động của cơ quan quản lý Finma về vấn đề vi phạm quyền đối với tài sản của nhà đầu tư hoặc về vấn đề ra quyết định trái quy định.
Công ty này cũng đang tìm hiểu liệu Credit Suisse có phải chịu trách nhiệm về việc quảng bá sai sự thật thông qua các tuyên bố với các nhà đầu tư hay không, kể cả trong phần trình bày trước các nhà đầu tư vào hồi tháng 3.
Pallas Partners cũng đã tổ chức một cuộc gọi với các khách hàng tiềm năng vào chiều thứ Tư. Natasha Harrison, đối tác sáng lập của công ty, cho rằng Credit Suisse đã đưa ra những thông tin sai lệch về mức an toàn tài chính gần đây vào ngày 14/3.
Trái phiếu AT1 của Credit Suisse bắt đầu lao dốc vào tuần trước sau khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng này từ chối cấp thêm vốn và những khách hàng giàu có đã rút 35 tỷ CHF tiền gửi.
Các quỹ đầu tư nợ xấu toàn cầu đã nhìn ra cơ hội và mua vào một số khoản nợ rủi ro nhất, qua đó đánh cược rằng chính phủ Thụy Sĩ sẽ không để ngân hàng cho vay lớn thứ hai tại nước này sụp đổ và thay vào đó sẽ dàn xếp thương vụ sáp nhập với đối thủ UBS.
Mặc dù các điều khoản về trái phiếu AT1 của Credit Suisse đã kèm cảnh báo rằng các cơ quan quản lý Thụy Sĩ “có thể không bắt buộc phải tuân theo bất kỳ thứ tự ưu tiên nào”, nhưng một số nhà đầu tư và nhà phân tích lập luận rằng các điều kiện bút toán giảm trái phiếu theo quy định trong hợp đồng đã không được đáp ứng.
Thông thường, trái phiếu AT1 chỉ có thể được kích hoạt nếu xảy ra “sự kiện khả thi”, theo mô tả trong bản cáo bạch là khi “các biện pháp thông thường” để cải thiện mức an toàn vốn của ngân hàng là “không đủ hoặc không khả thi” hoặc tổ chức nhận được “cam kết hỗ trợ đặc biệt không thể hủy ngang từ khu vực công” để cung cấp thêm mức vốn.
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết vào tuần trước rằng những khoản thay đổi về luật đã mang lại cho họ một “cơ sở pháp lý rõ ràng hơn” để xóa sổ nợ trái phiếu.
Pimco, Invesco, BlueBay và Legg Mason nằm trong số những tổ chức nắm giữ dài hạn trái phiếu AT1 của Credit Suisse.
Tổ chức đầu tư tín dụng Värde Partners, trụ sở Minnesota, đã đầu tư một phần vào trái phiếu AT1 vào thời điểm cuối tuần định mệnh đó, theo nguồn thạo tin.
Các quỹ đầu tư điều hành bởi Algebris Investments, Lazard và GAM cũng nằm trong số các quỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bán tháo nợ AT1 trên diện rộng.
Trái phiếu AT1 đã giảm tới 19,5% trong tháng 3, tính đến cuối ngày thứ Hai, theo chỉ số nợ trái phiếu iBoxx. Mặc dù vậy, sau đó chúng đã phục hồi được một phần.
Lazard Capital Fi, một quỹ đầu tư vào nhiều loại trái phiếu AT1 bao gồm cả trái phiếu của Credit Suisse, đã bốc hơi 9% vào ngày thứ Hai, ghi nhận mức lỗ trong tháng này là 17,3%.
Đăng Khoa - theo ft.com