Sự sụp đổ nhanh như chớp của Silicon Valley Bank (SVB) vào mùa xuân vừa qua đã phơi bày một sự thật đáng lo ngại: Một số ngân hàng Hoa Kỳ không sẵn sàng vay từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong hoàn cảnh cần phải làm như vậy. Một phân tích của Reuters cho thấy sự thật đó là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với nhóm các ngân hàng nhỏ nhất của quốc gia.
SVB nằm trong top 20 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ với tài sản trị giá hơn 210 tỷ USD vào thời điểm phá sản. Điều đáng lưu ý là SVB không có đủ mức tài sản thế chấp theo quy định và trong một năm trước khi phá sản, ngân hàng này đã không kiểm tra khả năng tiếp cận "cửa sổ chiết khấu – Discount window" mà Fed đã thiết lập cho các trường hợp khẩn cấp. Fed cho biết "sự thiếu chuẩn bị” đã góp phần vào đẩy nhanh tốc độ sụp đổ của SVB.
Lỗ hổng trên đã tích lũy và bùng nổ khi SVB chính thức phá sản đồng thời dẫn đến nhu cầu cho một khoản vay khẩn cấp khổng lồ từ Fed. Áp lực và lo ngại gia tăng ở cả Trụ sở Fed ở Washington cũng như 12 chi nhánh của Fed tại những khu vực khác của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Tư tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng chuỗi sự kiện sụp đổ ngân hàng vào đầu năm nay đã cho thấy việc sử dụng cửa sổ chiết khấu "có thể hơi rắc rối."
Ông cũng nêu câu hỏi trong cuộc họp báo như sau: "Vậy tại sao các ngân hàng không sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống mà họ sẽ phải nhận trợ giúp từ cửa sổ chiết khấu?".
Fed và các cơ quan quản lý ngân hàng khác đã khuếch trương thông điệp đó vào hôm Sáu với một bản cập nhật của bộ hướng dẫn với thông điệp sau: "Fed khuyến khích các tổ chức tín dụng hợp tác với cửa sổ chiết khấu trên cơ sở thỏa thuận bơm vốn dự phòng" và các ngân hàng nên duy trì "trạng thái sẵn sàng" triển khai thỏa thuận bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, một phân tích về dữ liệu của Fed do Reuters thực hiện cho thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đó.
Theo thông lệ, phần lớn các ngân hàng có tài sản từ 100 tỷ USD trở lên đã thường xuyên kiểm tra khả năng tiếp cận cửa sổ chiết khấu của họ. Dĩ nhiên SVB là một trường hợp đặc biệt so với các ngân hàng có quy mô tương đương. Dữ liệu của Reuter cho thấy các ngân hàng nhỏ hơn chưa và có thể chưa chuẩn bị sẵn sàng để vay vốn từ Fed.
Tháng Bảy vừa qua, Chủ tịch Fed Dallas, bà Lorie Logan cho biết: "Tôi đã rất, rất ngạc nhiên. Tôi đã tham gia vào việc thực thi chính sách tiền tệ hơn hai thập kỷ và tôi đã rất ngạc nhiên trước tình trạng căng thẳng ngân hàng gần đây gần đây và số lượng ngân hàng không chuẩn bị sẵn sàng tiếp cận với cửa sổ chiết khấu".
Bà Lorie cho rằng tất cả các ngân hàng trong khu vực Texas và trên toàn quốc cần phải thiết lập sẵn kết nối với cửa sổ chiết khấu và liên tục kiểm tra quy trình bơm vốn khẩn cấp.
Fed có hai nhiệm vụ trong tâm. Thứ nhất là thiết lập lãi suất điều hành được áp dụng trên toàn nước Mỹ. Nhiệm vụ thứ hai thậm chí còn quan trọng hơn, đó là cho vay khi khẩn cấp, không còn bất cứ tổ chức nào khác có thể cho vay.
Lượng vốn được bơm qua cửa sổ chiết khấu của Hoa Kỳ. Nguồn: Reuters
Fed được thành lập vào đầu thế kỷ 20 để ngăn chặn các chu kỳ khủng hoảng ngân hàng đã làm tê liệt nền kinh tế với tần suất đáng báo động kể từ khi nền cộng hòa ra đời. Fed có khả năng cung cấp tín dụng gần như vô hạn cho các ngân hàng trong những thời điểm khủng hoảng và nhờ vậy đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
Tất nhiên chức năng này của Fed chỉ vận hành khi một điều kiện được thỏa mãn. Các ngân hàng phải sẵn sàng yêu cầu trợ giúp vào thời điểm nguy cấp và họ phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó. Mặc dù vay tại Fed nghe có vẻ đơn giản. Nhưng thủ tục yêu cầu phải nộp giấy tờ, gửi tài sản thế chấp và lý tưởng nhất là tiến hành chạy thử thường xuyên.
Fed sẽ không tiết lộ những ngân hàng nào, hoặc thậm chí bao nhiêu ngân hàng, đã thực hiện công việc để có được trợ giúp sẵn sàng. Một quá trình đăng ký kết nối với cửa sổ chiết khấu có thể mất hàng tuần. Nhưng dữ liệu của ngân hàng trung ương cho thấy có nhiều ngân hàng đã không đẩy mạnh cửa sổ chiết khấu, để vay tiền cho khi nhu cầu phát sinh khẩn cấp hoặc để kiểm tra nó.
Nói chung, ngân hàng càng nhỏ thì càng ít có khả năng tiếp cận vào cửa sổ chiết khấu.
Từ tháng 7 năm 2010 đến tháng 6 năm 2021, gần như tất cả các ngân hàng có tài sản trên 50 tỷ USD và khoảng 70% ngân hàng có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên, đã vay ít nhất một lần từ cửa sổ chiết khấu. Giá trị vốn vay có thể là số tiền nhỏ để thử nghiệm hoặc số tiền lớn khi nhu cầu phát sinh thực sự.
Nhưng số liệu cho thấy chỉ khoảng 40% trong số khoảng 1.800 ngân hàng có tài sản từ 250 triệu đến 1 tỷ USD trong các cộng đồng trên toàn quốc kết nối với cửa sổ chiết khấu trong cùng thời gian đó.
Nghiêm trọng hơn, ở khu vực quận Logan - Texas và một phần của New Mexico và Louisiana – tỷ lệ ngân hàng nhỏ kết nối là chỉ khoảng 20%.
Cuối cùng, đối với các ngân hàng nhỏ nhất có tài sản dưới 250 triệu USD thì chưa đến 1/5 trên phạm vi toàn nước Mỹ duy trì kết nối với cửa sổ chiết khấu.
Tỷ lệ ngân hàng tại Mỹ có duy trì kết nối với cửa sổ chiết khấu của Fed.
Dữ liệu của Reuter ghi lại thông tin chi tiết về hơn 40.000 giao dịch, từ hàng nghìn khoản vay thử nghiệm trị giá 1.000 USD cho đến khoản 5 tỷ USD mà Goldman Sachs đã vay trong thời gian chính phủ bắt buộc đóng cửa vì COVID-19 vào năm 2020.
Thống kê chỉ ra rằng khoảng 3.800 ngân hàng đã vay từ cửa sổ chiết khấu trong khoảng thời gian 11 năm được nêu chi tiết trong dữ liệu của ngân hàng trung ương. Như vậy số ngân hàng hiện được phép vay từ Fed chỉ là hơn 40% trong số hơn 9.000 tổ chức tiền gửi, bao gồm các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cần lưu ý một số giới hạn của dữ liệu trên.
Thứ nhất dữ liệu không chỉ ra được các ngân hàng đã nộp giấy tờ thích hợp và thậm chí đã đăng tài sản thế chấp. Nhưng vì một lý do nào đó lại không thực hiện thử nghiệm hoặc duy trì thử nghiệm kết nối liên tục với cửa sổ chiết khấu.
Thứ hai nó không thống kê được bất kỳ ngân hàng nào mới thiết lập quyền truy cập hoặc thử nghiệm kể từ năm 2021, và đặc biệt là kể từ khi SVB sụp đổ vào tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân là vì Fed công bố các giao dịch cửa sổ chiết khấu hai năm sau khi giao dịch phát sinh.
Mặc dù vậy, nhà kinh tế Huberto Ennis của Richmond Fed cho biết: “khả năng cao là một tỷ lệ đáng kể các ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng tiếp cận cửa sổ chiết khấu, ít nhất là cho đến gần đây."
Reuters đã liên hệ với 10 ngân hàng lớn nhất không có hồ sơ công khai về khoản vay từ cửa sổ chiết khấu. Hầu hết trong số họ chỉ ra trong hồ sơ công khai rằng họ đã cầm cố tài sản thế chấp tại Fed. Một số nói với Reuters rằng họ đã kiểm tra quyền truy cập của mình mà không chỉ định ngày. Một ngân hàng cho biết cuộc thử nghiệm kết nối cuối cùng với cửa sổ chiết khấu diễn ra trước năm 2010.
Hiệp hội Liên minh Tín dụng Quốc gia (NCUA) yêu cầu các thành viên có tài sản từ 250 triệu USD trở lên phải thiết lập sẵn sàng kết nối với cửa sổ chiết khấu hoặc quyền tiếp cận thanh khoản khẩn cấp khác. Nhưng chỉ chỉ 1.100 trong số 4.700 thành viên của nó đáp ứng được yêu cầu đó. Nhưng khoảng 1.366 thành viên đã đăng ký sử dụng cửa sổ chiết khấu tính đến tháng 12.
Các quy định pháp lý không bắt buộc ngân hàng phải tuân theo bất kỳ yêu cầu nào như vậy và Fed đã từ chối cung công khai danh tính các ngân hàng đã kết nối với cửa sổ chiết khấu. Nhưng Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết vào tháng 5 vừa rồi rằng "một số lượng" ngân hàng đã không đăng ký.
Dữ liệu cho thấy VeraBank, một ngân hàng trị giá 4,5 tỷ USD ở Henderson, Texas, đã thực hiện thử nghiệm trong nhiều năm: cứ vào tháng 7, ngân hàng này lại vay 100.000 USD từ Fed và trả lại vào ngày hôm sau.
Giám đốc điều hành Brad Tidwell nói: “Tôi nghĩ các ngân hàng nên luôn có quyền truy cập. Chúng ta không bao giờ biết được thời điểm rủi ro xảy ra”. "Nếu ngân hàng không kiểm tra nó thường xuyên, tôi không biết làm thế nào các ngân hàng có thể tự đảm bảo rằng cơ chế vay khẩn cấp sẽ ở đó nếu bạn cần."
Trong số 33 ngân hàng lớn nhất với tài sản hơn 100 tỷ USD, chỉ số ít kiểm tra thường xuyên kết nối với cửa sổ chiết khấu. Chỉ hơn một nửa kết nối cửa sổ chiết khấu hàng quý hoặc hàng năm trong suốt 11 năm dữ liệu được kiểm tra. Các giao dịch thường với số tiền từ 1 triệu USD trở xuống cho thấy chúng là những đợt thử nghiệm. Những ngân hàng còn lại khác thực hiện các bài kiểm tra ít thường xuyên hơn và bảy ngân hàng chỉ vay một lần hoặc không vay lần nào.
SVB chỉ đi vay một lần duy nhất với giá trị vay 200 triệu USD trong một ngày vào tháng 8 năm 2018.
Xuyên suốt lịch sử hoạt động, Fed thường hạn chế các ngân hàng sử dụng sổ chiết khấu. Thông thường Fed sẽ yêu cầu các ngân hàng sử dụng hết các nguồn tài trợ khác trước, hoặc tính lãi suất cao hơn thị trường trong trường hợp gần nhất.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Fed đã đảo ngược cách tiếp cận. Fed giảm lãi suất phạt đó và tham gia cùng với các cơ quan quản lý ngân hàng khác khuyến khích các ngân hàng vay vốn trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn tình trạng mất trật tự thị trường và tín dụng. Các ngân hàng lớn nhất cũng tăng cường cho vay theo để hỗ trợ nỗ lực của Fed.
Sau khi SVB sụp đổ vào tháng 3 vừa qua đã gây ra một đợt hỗn loạn lớn trên thị trường. Fed đã tạo ra một hành lang mới chưa từng có trước đây. Thứ nhất thời hạn của gói vay khẩn cấp được kéo dài một năm. Bên cạnh đó các khoản vay bằng tài sản thế chấp không bị áp dụng “chiết khấu” mà được cho vay với giá trị bằng mệnh giá.
Và bây giờ Fed và các cơ quan quản lý khác đang chính thức khuyến khích các ngân hàng đăng ký và thử nghiệm trước kết nối với cửa sổ chiết khấu. Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee nói với Reuters rằng đây là một "cú hích lớn để cố gắng chuẩn bị tất cả sẵn sàng, cho tất cả mọi ngân hàng mà chúng tôi có thể với tới."
Một hội thảo trực tuyến với chủ đề "Giải đáp thắc mắc với Fed" gần đây dành cho các giám đốc điều hành ngân hàng đã phổ biến hướng dẫn chi tiết về đăng ký sử dụng giải pháp cho vay khẩn cấp của Fed. Bên cạnh đó, các thành viên cũng đưa ra các đảm bảo rằng việc thiết lập và thử nghiệm quyền truy cập sẽ được các giám sát viên coi là kế hoạch thận trọng thay vì là dấu hiệu cảnh báo lo ngại về tính thanh khoản.
Ennis của Richmond Fed cho biết không phải tất cả các ngân hàng nhỏ đều thực sự cần kết nối với cửa sổ chiết khấu. Họ có thể giữ một lượng lớn tiền mặt trong tay hoặc có các thỏa thuận hỗ trợ khẩn cấp với một ngân hàng lớn hơn. Hầu hết các ngân hàng đều là thành viên của Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang tại địa phương (Federal Home Loan Bank) của họ. Những nhóm này đôi khi được gọi là người cho vay cuối cùng thứ hai của quốc gia, nơi họ có thể huy động thanh khoản khi gặp khó khăn.
Nhưng nghiên cứu của ông cho thấy rằng các ngân hàng có sổ sách rủi ro hơn, ít thanh khoản hơn thì nên tìm đến cửa sổ chiết khấu trong thời kỳ căng thẳng của thị trường tài chính.
Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết các ngân hàng nhỏ nên tiếp cận cửa sổ chiết khấu như một phương án dự phòng.
“Chúng tôi muốn nhắc nhở các ngân hàng rằng có thể sẽ đến lúc Ngân hàng cho vay mua nhà khu vực không thể đáp ứng nhu cầu của họ,” ông nói với Reuters vào tháng Năm. "Việc các liệu thời điểm họ cần tới hỗ trợ khẩn cấp có diễn ra hay không vẫn là vấn đề đang được thảo luận. Tuy nhiên lịch sử cho thấy các ngân hàng luôn nghĩ rằng họ ổn cho đến khi sự không ổn xảy ra."
Hoàng Dương – Theo Reuters