Thời gian chứng minh, những ông lớn ngành ngân hàng tại Mỹ đã không phạm phải hai sai lầm lớn của Silicon Valley Bank.
Vào tháng 3, ngành ngân hàng nước Mỹ đã chứng kiến những biến động lớn làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng khoảng diện rộng. Silicon Valley Bank của SVB Financial Group (SIVB.Q) thông báo mất khả năng thanh toán, đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng khác của nước này có phải đối mặt với rủi ro thanh khoản tương tự hay không.
Tuy nhiên, với báo cáo quý từ các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện đã công bố, có thể nói rằng vụ sụp đổ của SVB sẽ không lan rộng ra toàn ngành.
Để hiểu rõ nguyên do đằng sau vụ sụp đổ của SVB, hãy bắt đầu với cách thức vận hành của các ngân hàng. Phần lớn tiền gửi của khách hàng không nằm trong két an toàn của ngân hàng, mà được đưa vào thị trường vốn/tín dụng, dưới hình thức cho các khách hàng khác vay thu lãi, hoặc đầu tư vào các tài sản có lãi như trái phiếu. Vào cuối ngày, một ngân hàng chỉ cần đảm bảo có đủ tiền mặt (thanh khoản) đáp ứng mức rút tiền trung bình của khách hàng (sau này Fed đã ban hành quy đình về lượng tiền mặt tối thiểu các ngân hàng phải nắm giữ).
Và Silicon Valley Bank đã mắc sai lầm ở đó. Ngân hàng này mua quá nhiều tài sản nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) có lợi suất cao với thời gian đáo hạn dài, có thể lên tới 30 năm. Tỷ lệ nắm giữ tài sản dài hạn quá cao đã khiến SVB không có đủ trái phiếu và công cụ nợ ngắn hạn, dễ thanh lý (AFS) để bán khi cần tiền trả cho khách hàng trong làn sóng rút tiền gửi hàng loạt. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi giá các tài sản tạo thu nhập cố định như trái phiếu quá nhạy cảm với lãi suất tăng. Cần lưu ý nhớ rằng, giá trị trái phiếu giảm khi lãi suất tăng, điều đang diễn ra với nền kinh tế Mỹ. Tác động hai chiều này đã giáng một đòn chí tử lên cán cân tài sản của SVB.
Biểu đồ dưới đây sẽ nói rõ hơn về điều đó. Tổng tài sản cơ sở (total asset base) của SVB đã mất giá trị từ lâu, nhưng đặc biệt mất giá trị từ cuối năm 2022 đến tháng 3 năm nay. Chỉ tiêu AFS của SVB trị giá khoảng 26,1 tỷ USD vào tháng 12, nhưng được bán với giá chỉ 21 tỷ USD vào tháng 3. Tuy nhiên, con số đó vẫn không đủ để đáp ứng tất cả thanh khoản mà SVB cần vào thời điểm đó.
Nhà đầu tư có thể không bao giờ nhận được báo cáo quý cuối cùng cho bảng cân đối kế toán của Silicon Valley Bank, sau khi được First Citizens tiếp quản. Tuy nhiên, nếu có, hẳn là số liệu sẽ rất xấu.
Vụ sụp đổ của SVB dĩ nhiên đã gây chấn động trong toàn bộ lĩnh vực ngân hàng. Nếu Silicon Valley Bank mất khả năng thanh toán, các ngân hàng khác có thể cũng sẽ gặp rắc rối tương tự. Nhà đầu tư đã không thể nói chắc những cái tên còn lại của ngành thiếu thanh khoản như thế nào, cho đến khi các ngân hàng công bố bảng cân đối kế toán của quý I.
Hóa ra, hầu hết các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đều ổn.
Lấy Citigroup (C) làm ví dụ. Mặc dù tổng tài sản cơ sở (total asset base) của ngân hàng này đã đi ngang kể từ cuối năm 2021, nhưng không bị thu hẹp như SVB. Và, mặc dù giá trị chứng khoán thanh khoản cao (AFS) của Citi đã giảm một chút kể từ cuối năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn so với giữa năm 2022. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất về Citi là gần như một nửa tài sản của ngân hàng này có thanh khoản cao, có thể bán dễ nhưng không gây ra thua lỗ đáng kể. Để so sánh, chưa đến 1/4 danh mục đầu tư nợ và tài sản tạo thu nhập cố định của Silicon Valley Bank có thể thanh lý nhanh.
Wells Fargo (WFC) cũng đang có phong độ tốt, dù cơ cấu tài sản không đẹp bằng Citigroup. Hiện nhóm tài sản AFS chiếm hơn 1/4 tổng tài sản cơ sở của Wells Fargo. Tuy nhiên, con số tổng đã tăng giá trị so với quý trước, tất cả là nhờ giá trị tài sản AFS gia tăng. Dù không thể nói chắc điều gì dựa trên những dữ liệu đã công bố, nhưng dường như Wells Fargo đang chủ động chuyển đổi tài sản nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) sang tài sản sẵn sàng để bán (AFS). Cũng có thể là một vài công cụ trong nhóm tài sản AFS đã tăng giá trị. Xét cho cùng, Fed đã có phần tạm ngưng lộ trình tăng lãi suất trong quý trước.
Dù so sánh ở đây có phần khập khiễng, khi JPMorgan cung cấp các dịch vụ định hướng đầu tư, tương đối nhiều hơn so với hầu hết các ngân hàng lớn khác. Tuy nhiên, điều kiện về mặt thanh khoản vẫn cần được đáp ứng, công ty cần có cơ cấu tài sản phù hợp để thanh toán cho nhu cầu rút tiền trung bình của khách hàng. Và JPMorgan thỏa mãn điều kiện này. Gần 1/3 tổng tài sản cơ sở của hãng có thể thanh khoản ngay, và nhóm tài sản này cũng không mất nhiều giá trị trong quý trước.
Không chỉ có JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo, số liệu quý I của Bank of America được công bố vào thứ Ba dường như cũng khá lành mạnh. Tương tự đối với Morgan Stanley (MS). Giá trị tài sản cơ sở của Morgan Stanley thực tế đã tăng từ 312 tỷ USD lên 321 tỷ USD trong quý trước, phần lớn là chứng khoán sẵn sàng để bán có tính thanh khoản cao (AFS) và phần tăng giá trị đều đến từ các công cụ AFS.
Xét tổng quan, năm trong số những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào tương tự những thách thức thanh khoản mà Silicon Valley Bank gặp phải trước khi sụp đổ.
Dĩ nhiên, điều này chỉ là tạm thời, không gì là mãi mãi và chúng ta chẳng thể nói trước điều gì.
Thế nhưng, khi đánh giá mức độ rủi ro ở đây, nhà đầu tư có thể nhẹ bớt nỗi lo về viễn cảnh các ngân hàng khác phải đối mặt với cùng một loại khủng hoảng thanh khoản mà Silicon Valley Bank đã trải qua. Sai lầm của SVB không mang tính hệ thống, và nó là hệ lụy của nhiều tác động đa chiều từ nền kinh tế hiện tại.
Nếu nỗi sợ hãi này vẫn đang còn ngăn cản bạn bắt đáy những cổ phiếu ngân hàng khác, đừng ngần ngại nữa, những rủi ro đeo bám ngành ngân hàng trong suốt tháng qua đã gần như được cởi bỏ.
Vân Anh-Theo fool