logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 25/08/2023

Hành trình 33 năm của ARM Holdings - Công ty bán dẫn hàng đầu thế giới

Trải qua hơn ba thập kỷ, ARM Holdings đã ghi dấu ấn sâu đậm trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Hành trình 33 năm từ một công ty nhỏ ở Cambridge, Anh Quốc thành một trong những tên tuổi hàng đầu về công nghệ bán dẫn. Hãy cùng Investo.info khám phá quá trình phát triển và thành công của ARM Holdings.

1990 - ARM được thành lập

Năm 1990, ARM đã phát hành thông cáo báo chí đầu tiên, thông báo về mục tiêu của hãng trong việc tạo ra một kiến trúc vi xử lý mở, có thể sử dụng cho bất kỳ công ty bán dẫn nào trên toàn cầu. Điều này đã đánh dấu bước đầu tiên trong hành trình của ARM để trở thành một trong những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Họ đã giao hơn 130.000 con chip dựa trên kiến trúc ARM cho khách hàng trong giai đoạn đầu.

1993 - ARM giới thiệu ARM7

Năm 1993, ARM đã giới thiệu dòng vi xử lý ARM7 - đặc biệt có khả năng giải nén các chỉ dẫn 16-bit theo thời gian thực, tối ưu hóa hiệu năng. ARM7 đã được sử dụng trong các sản phẩm nhúng. Một phiên bản khác của nó, ARM7-TDMI, được sử dụng để làm chip chiếc điện thoại Nokia 8110 nổi tiếng, góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường điện thoại di động. Đến cuối năm 2014, đã có hơn 30 tỷ con chip ARM7 được giao trên toàn thế giới.

1998 - ARM lên sàn ở London và New York

17/4/1998, ARM Holdings lần đầu tiên niêm yết cổ phiếu của họ trên sàn chứng khoán London với mã cổ phiếu là "ARM" và "ARMH" trên sàn NASDAQ ở New York. Giá trị thị trường của ARM khoảng 264 triệu bảng Anh vào thời điểm đó, và sau 1,5 năm, họ được cấp chứng chỉ FTSE 100. Đây là chứng chỉ dành cho 100 công ty liệt kê trên sàn London với giá trị thị trường cao nhất. Hiện nay, giá trị của ARM đã tăng lên 15 tỷ bảng Anh, thể hiện sự phát triển ấn tượng của họ trong ngành công nghiệp bán dẫn.

2002 - 1 tỷ chip dùng công nghệ ARM được giao

Trong cả năm 2002, ARM đã giao hơn 1 tỷ con chip trên toàn thế giới. Đây là một con số rất đáng nể, nhất là khi công ty "giao" được nhiều chip nhất lại thật sự chẳng làm ra bất kì một sản phẩm vật lý nào cả. Ngày nay, ARM có thể đạt tới con số 1 tỷ chip chỉ trong 1 tháng.

2006 - ARM mua lại Mali

23/6/2006, ARM đã mua lại công ty Falanx Microsystems AS, có dòng GPU mang tên Mali, chuyên dùng cho các hãng sản xuất SoC. Việc ARM mua lại Falanx đã tạo ra cả một bộ phận mới chuyên về multimedia bên trong ARM., và ngày nay, kiến trúc GPU Mali đã trở thành một trong những lựa chọn phổ biến nhất trên thế giới. Mali đã được tích hợp trong hàng trăm triệu thiết bị di động cao cấp.

2008 - 10 tỷ con chip đã được giao

Tính đến năm 2008, ARM đã giao hơn 10 tỷ con chip trên toàn thế giới. Một con số rất ấn tượng, vượt qua dân số thế giới, tức là một người dân sẽ sở hữu hơn 1 con chip ARM trong tay.

2009 - ARM ra mắt Cortex-M0

Khi ARM giới thiệu Cortex-M0, một vi xử lý 32-bit nhỏ gọn tiết kiệm điện cho các thiết bị nhúng, nó ngay lập tức thu hút sự quan tâm của 15 công ty khác đăng ký giấy phép sử dụng chỉ trong vòng 9 tháng. Điều này đã đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng khi các công ty sản xuất chip bắt đầu bỏ công nghệ chip nhúng 8-bit lỗi thời để hướng đến một giải pháp mạnh mẽ hơn, nhỏ gọn hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn. Cortex-M0 cũng thiết lập một kỷ lục với tốc độ đăng ký quyền sử dụng nhanh nhất trong lịch sử của ARM tính đến năm 2009.

2011 - ARMv8 và big.LITTLE

Năm 2011, ARM chuyển sang vi xử lý 64-bit với ARMv8, tạo điều kiện cho sự phát triển của các thiết bị di động mạnh mẽ hơn. Đồng thời, họ giới thiệu công nghệ big.LITTLE, giúp cải thiện hiệu năng và tiết kiệm năng lượng trên các thiết bị di động.

2015 - ARM cùng với  Cisco Systems, Dell, Intel, Microsoft, và Princeton University thành lập OpenFog

Cùng nhau thành lập OpenFog Consortium. Mục tiêu là thúc đẩy và đẩy nhanh việc áp dụng điện toán OpenFog. Công nghệ điện toán sương mù phân phối các tài nguyên và dịch vụ tính toán, giao tiếp, điều khiển và lưu trữ gần hơn với các thiết bị và hệ thống tại hoặc gần người dùng. Mười lăm tỷ chip do ARM thiết kế đã xuất xưởng và khoảng một nửa trong số đó là trong các thiết bị di động.

2016 - ARM được SoftBank mua lại

SoftBank đã khiến giới công nghệ ngạc nhiên khi mua lại nhà thiết kế chip ARM Holdings của Anh với giá 32 tỷ USD vào tháng 7/2016. Đây được xem là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của một công ty công nghệ châu Âu.

Masayoshi Son, Giám đốc điều hành và người sáng lập của Softbank, đã nói rằng việc mua lại ARM là "đặt cược lớn cho tương lai" của ông. Điều này được lý giải bởi ARM có tiềm năng phát triển khả quan trong thị trường công nghệ, xe hơi, chip bán dẫn...

2018 - Treasure Data được mua lại với giá 600 triệu USD

ARM mua lại Treasure Data với mục đích phát triển "internet of things". (Treasure Data có trụ sở tại California là nhà cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu, phân tích dữ liệu cho các mục đích như tiếp thị hoặc xử lý dòng dữ liệu từ việc ra mắt sản phẩm mới. Các sản phẩm của nó được cho là được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, giải trí, IoT và bán lẻ.) Việc mua lại này là sự khao khát rất lớn của SoftBank trong việc đầu tư vào các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, xe không người lái, IoT, robot và chia sẻ chuyến đi.

2023 - ARM IPO trên sàn Nasdaq

ARM Holdings đã công bố kế hoạch tổ chức IPO trên sàn Nasdaq vào tháng 9 sắp tới, với mục tiêu mang lại cho đơn vị vốn hóa thị trường ước tính hơn 60 tỷ USD. Là một công ty lớn, có tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu, thương vụ IPO của ARM có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ và kích thích các công ty khác ra mắt công chúng. Tuy nhiên, chi tiết về giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu trong hồ sơ IPO vẫn chưa được tiết lộ.

Với mục tiêu huy động lên đến 10 tỷ USD, IPO của Arm có tiềm năng trở thành sự kiện lớn nhất tại Mỹ kể từ khi nhà sản xuất xe điện Rivian Automotive Inc. huy động được 13.7 tỷ USD vào tháng 11/2021. Đây cũng sẽ là đợt IPO lớn thứ ba trong lịch sử niêm yết của giới công nghệ, chỉ sau Alibaba vào năm 2014 và Meta Platforms vào năm 2012.

Những tên tuổi lớn như Amazon, Samsung Electronics và Apple đóng vai trò quan trọng đối với Arm, khi họ là những khách hàng quan trọng nhất của công ty. 

Việc có quy mô lớn và uy tín khiến Arm được coi là có ít rủi ro hơn nhiều ứng viên đang chờ thời IPO khác. Thương vụ này vẫn đang được nhà đầu tư theo dõi kỹ lưỡng như một phép thử đối với thị trường IPO của Mỹ sau 18 tháng “khô hạn”.

33 năm - một hành trình dài của ARM Holding không chỉ là một câu chuyện thành công về kinh doanh, ARM còn là một ví dụ về sức mạnh của sự đổi mới và tầm nhìn đột phá. Arm sẽ tổ chức roadshow IPO khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại vào sau kỳ nghỉ Lễ Lao động 2/9. 

Bạn có muốn biết thêm về thương vụ IPO ARM đang được "săn đón" nhất năm 2023 không? Nếu có, hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thêm các chi tiết nóng hổi về thương vụ này. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin mới nhất và đầy đủ nhất về thương vụ IPO ARM để bạn có thể hiểu rõ hơn về nó.

Toàn cảnh thương vụ IPO ARM chấn động ngành đầu tư công nghệ thế giới

 

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

TheBrokers.vn_Banner_363×680.png