logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 13/06/2023

Chỉ số Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư

Trong thị trường chứng khoán Ấn Độ, chỉ số Nifty 50 đóng vai trò quan trọng. Đây là một chỉ số cổ phiếu có trọng số cao, bao gồm 50 công ty hàng đầu của nền kinh tế Ấn Độ. Đồng thời được xem là chuẩn mực để đo lường, đánh giá thị trường chứng khoán tại quốc gia này. Hãy cùng tìm hiểu thêm về Nifty 50, đặc điểm, thành phần và cách để đầu tư vào chỉ số tài chính này nhé!

Chỉ số Nifty 50 là gì?

Nifty 50 là chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ (National Stock Exchange of India - NSE), đặt tại Mumbai. Chỉ số đại diện cho 50 công ty có tăng trưởng thu nhập ổn định, P/E cao và được ưa chuộng nhất những thập niên 60, 70 tại Ấn Độ. 

Nifty 50 được thành lập vào năm 1996 với giá trị cơ sở là 1.000 điểm. Chỉ số có thành phần là các công ty thuộc nhiều ngành khác nhau, đại diện cho các ngành công nghiệp quan trọng như tài chính, năng lượng, công nghệ, tiện ích,... Do đó đảm bảo sự đa dạng và thường được sử dụng để đo lường, theo dõi xu hướng, biến động của thị trường chứng khoán Ấn Độ.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Chỉ số Nifty 50 được dùng để đánh giá hiệu suất cổ phiếu đánh tin cậy và tính thanh khoản cao nhất thị trường chứng khoán Ấn Độ

Chỉ số Nifty 50 được tính như thế nào?

Chỉ số Nifty 50 được tính bằng cách sử dụng phương pháp trọng số dựa trên vốn hóa thị trường tự do thả nổi của 50 công ty thành viên. Điều này giúp chỉ số có thể phản ánh được tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu thuộc chỉ số so với giá trị tại thời điểm gốc (03/11/1995).

Danh sách 50 công ty được chọn dựa trên các tiêu chí do sàn chứng khoán NSE đề ra. Mỗi công ty trong danh sách sẽ được gán một trọng số, phản ánh vốn hóa thị trường của công ty đó so với tổng vốn hóa của tất cả các công ty trong chỉ số. Các công ty có vốn hóa lớn hơn sẽ có trọng số cao hơn trong chỉ số.

Các công thức để tính chỉ số Nifty cụ thể như sau:

Vốn hóa thị trường = Số cổ phiếu đang lưu hành x Giá hiện tại

Vốn hóa thị trường tự do thả nổi = Vốn hóa thị trường x Hệ số trọng lượng có thể điều tra IWF

Giá trị chỉ số Nifty 50 = (Giá trị thị trường hiện tại/Vốn thị trường cơ sở) x 1000

Trong đó:

  • Giá trị thị trường hiện tại là vốn hóa thị trường của 50 công ty đã được gắn trọng số.
  • Vốn thị trường cơ sở là tổng vốn hóa thị trường được tính bằng phương pháp bình quân gia quyền của 50 công ty vào thời kỳ gốc.

Tổ chức quản lý sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ (NSE) thường công bố giá trị chỉ số Nifty 50 trong thời gian thực nhằm cung cấp thông tin về hiệu suất thị trường cho các nhà đầu tư và người quan tâm.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Tính giá trị chỉ số Nifty 50 thông qua vốn hóa thị trường tự do thả nổi có trọng số của 50 công ty thành viên

Đặc điểm của chỉ số Nifty 50

  • Bao gồm 50 công ty hàng đầu và được lựa chọn từ các ngành công nghiệp quan trọng, đại diện cho một phần lớn của nền kinh tế Ấn Độ. 
  • Các công ty trong chỉ số được gán trọng số dựa trên vốn hóa thị trường. Các công ty có vốn hóa lớn hơn sẽ có đóng góp nhiều hơn vào chỉ số. Danh sách các công ty thành viên được xem xét và cập nhật định kỳ để phản ánh đúng sự thay đổi trong thị trường và ngành công nghiệp.
  • Chỉ số thường có tính thanh khoản cao vì bao gồm các công ty lớn và phổ biến trên thị trường chứng khoán Ấn Độ. Vì vậy thường thu hút sự quan tâm và giao dịch từ các nhà đầu tư trên toàn cầu.
  • Nhà đầu tư có thể sử dụng để đánh giá và theo dõi hiệu suất của thị trường Ấn Độ, cung cấp cái nhìn tổng quan về biến động của tình hình chứng khoán quốc gia.

Có thể đầu tư vào chỉ số Nifty 50 như thế nào?

Nhà đầu tư có thể giao dịch với chỉ số Nifty 50 thông qua nhiều phương thức tiếp cận khác nhau. Đó có thể là đầu tư riêng lẻ vào các công ty thuộc chỉ số hoặc sử dụng quỹ ETF, các công cụ phái sinh. Mỗi phương pháp đều sẽ tồn tại những ưu điểm và nhược điểm riêng:

  • Nếu đầu tư vào các công ty riêng lẻ, nhà đầu tư có thể chọn các công ty thành phần "tốt nhất" của chỉ số, đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng nhà đầu tư đã có đủ thông tin và hiểu rõ về các công ty để tránh rủi ro không mong muốn.
  • Nếu chọn đầu tư vào quỹ ETF thì sẽ được đầu tư vào chỉ số thông qua công ty quản lý quỹ. Song cần xem xét các khoản phí quản lý và giao dịch liên quan vì có thể ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lợi.
  • Nếu sử dụng các công cụ phái sinh, nhà đầu tư có thể tận dụng đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận lên nhiều lần. Với phương thức này, nhà đầu tư cần nắm rõ kiến thức và kỹ năng nắm bắt chuyển biến của thị trường. Đồng thời tránh sử dụng đòn bẩy quá cao dẫn đến nguy cơ thua lỗ nếu chỉ số biến động ngược với dự đoán.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Có nhiều phương thức giao dịch chỉ số Nifty 50 dành cho nhà đầu tư

Các thành phần được chọn của chỉ số Nifty 50

Chỉ số Nifty 50 được tính toán dựa trên 50 công ty có vốn hóa thị trường lớn và thanh khoản cao tại Sở giao dịch chứng khoán Ấn Độ. Các công ty thành phần được lựa chọn dựa trên tiêu chí về vốn hóa thị trường, thanh khoản và đóng góp vào nền kinh tế của Ấn Độ.

Các công ty trong danh sách không được giữ nguyên mãi mãi mà sẽ được thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Những công ty có hiệu suất liên tục giảm sút sẽ bị xóa bỏ. Thay vào đó là những công ty mới có tính thanh khoản, vốn hóa thị trường, tần suất giao dịch và lịch sử niêm yết đáp ứng tiêu chí của Nifty 50. 

Dưới đây là một số công ty thành phần thường xuyên có mặt trong chỉ số Nifty 50:

  • Reliance Industries Ltd (RIL): Được thành lập bởi Dhirubhai Ambani vào năm 1973, có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ. Công ty có hơn 300 công ty con, 230.000 nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, Dầu hóa chất là phân khúc quan trọng nhất của RIL, chiếm gần 70% thu nhập. Ngành bán lẻ cũng có mạng lưới rộng khắp với khoảng 63.000 cửa hàng. Trong lĩnh vực công nghệ, RIL sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn trong Jio Platforms - nền tảng viễn thông phổ biến tại Ấn Độ.
  • HDFC Bank Ltd: Là ngân hàng thương mại được thành lập vào năm 1994 và có trụ sở chính tại Mumbai, Ấn Độ. HDFC Bank cung cấp đa dạng sản phẩm và dịch vụ tài chính như thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, mua nhà, ô tô, vay vốn kinh doanh và đầu tư. Với sự phát triển nhanh chóng và quy mô rộng khắp, HDFC Bank trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Ấn Độ và thuộc top đầu về vốn hóa thị trường.
  • Infosys Ltd: Là một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1981, có trụ sở chính tại Bangalore, Ấn Độ. Với mô hình kinh doanh toàn cầu, Infosys trở thành một tập đoàn quốc tế với chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Từ số vốn 250 USD, sau 40 năm phát triển, Infosys chạm mốc doanh thu 100 tỷ USD. Hiện, tập đoàn đang có khoảng 345 nghìn nhân viên, giá trị thị trường khoảng 61,5 tỷ USD.
  • Tata Consultancy Services (TCS): Được thành lập vào năm 1968 và có trụ sở chính tại Mumbai, thuộc Tập đoàn Tata. TCS chuyên về các dịch vụ công nghệ thông tin và tư vấn kinh doanh. Công ty cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin, phục vụ khách hàng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, ngân hàng,... Đây cũng là công ty CNTT đầu tiên tại Ấn Độ ghi nhận vốn hóa 100 tỷ USD vào năm 2008. Hiện TSC đang có hơn 300 nghìn kỹ sư, mang về 167 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Tata Consultancy Services là công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ, lọt top 100 công ty lớn nhất toàn cầu

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá của chỉ số Nifty 50

  • Tình hình kinh tế Ấn Độ và thế giới

Chỉ số Nifty 50 bao gồm cả công ty hoạt động trong nước và tập đoàn quốc tế. Do đó chịu ảnh hưởng bởi cả kinh tế Ấn độ và toàn cầu. Khi kinh tế Ấn Độ hay thế giới tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong các ngành quan trọng như công nghệ thông tin, tài chính, tiêu dùng, giá trị của chỉ số có xu hướng tăng. Nhưng nếu gặp khó khăn như tăng trưởng chậm, suy thoái hoặc vấn đề về chính sách tài chính, giá trị của chỉ số có thể giảm.

Ví dụ như trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, chỉ số Nifty 50 bị ảnh hưởng và sụt giảm mạnh. Vào tháng 12/2007, chỉ số Nifty 50 đạt mức đỉnh của năm là 5.765,45 điểm. Nhưng khi khủng hoảng bùng nổ, chỉ số này đã liên tục giảm. Đến đỉnh điểm của khủng hoảng là tháng 09/2008, chỉ số này đã giảm xuống còn 4.558 điểm. Tháng 02/2009, con số này chỉ còn 2.872,35 điểm. Cho thấy khủng hoảng toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến Nifty 50, tạo ra sự sụt giảm giá trị lớn trong thời gian ngắn.

Sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã phục hồi và chỉ số Nifty 50 cũng có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm tiếp theo.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Giá trị của Nifty 50 chịu ảnh hưởng lớn khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra

  • Lạm phát và tác động của tỷ giá hối đoái

Tình hình lạm phát có thể ảnh hưởng đến giá của chỉ số Nifty 50. Khi lạm phát tăng cao, giá trị của đồng rupee Ấn Độ giảm. Một số công ty sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi chi phí gia tăng cho khách hàng. Còn với những công ty có khả năng định giá tốt thì việc chuyển đổi này sẽ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị của các công ty trong chỉ số Nifty 50, đặc biệt là các công ty có hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Khi tỷ giá hối đoái giảm xuống, các công ty xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Vì các sản phẩm của công ty sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm quốc tế nhờ giá rẻ. Tuy nhiên lại khiến các công ty nhập khẩu gặp khó khăn vì giảm khả năng sinh lời do giá đồng nội tệ giảm.

Như vậy, lạm phát và tỷ giá hối đoái sẽ tác động đến các công ty thành phần và làm biến động giá của chỉ số Nifty 50. 

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Tỷ giá hối đoái của đồng Rupee với ngoại tệ giảm có thể có lợi cho công ty xuất khẩu và ảnh hưởng tích cực đến Nifty 50

  • Kết quả tài chính của các công ty

Một trong những yếu tố quan trọng khi đánh giá tiềm năng của công ty về lâu về dài chính là kết quả tài chính. Khi công ty có doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền tự do tăng trưởng, điều này dấu hiệu tích cực trong giá cổ phiếu, có thể tăng trưởng trong dài hạn. Khi công ty ghi nhận lợi nhuận thấp hoặc lỗ, điều này có thể làm giảm giá cổ phiếu và ảnh hưởng tiêu cực đến giá chỉ số.

Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý đến kết quả tài chính của các công ty thành viên trong Nifty 50. Nhất là những yếu tố có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến chỉ số như giá cổ phiếu, lợi nhuận,...

  • Dòng vốn nước ngoài

Sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, trong trường hợp này là Ấn Độ, có thể thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán. Khi có sự gia tăng về dòng vốn nước ngoài, cầu mua cổ phiếu tăng, đẩy giá cổ phiếu và giá chỉ số Nifty 50 lên.

Sự gia tăng dòng vốn nước ngoài này còn có thể tạo ra tín hiệu tích cực và tăng độ tin cậy của thị trường chứng khoán. Từ đó gia tăng sự quan tâm của nhà đầu tư và tạo đà tăng cho giá cổ phiếu, cũng như chỉ số Nifty 50.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Thị trường đang phát triển của Ấn Độ có thể thu hút dòng vốn ngoại đổ vào, làm tăng giá trị của công ty, kéo theo Nifty 50 tăng

Cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50

  • Hợp đồng chênh lệch CFD

Đầu tư vào chỉ số Nifty 50 bằng hợp đồng chênh lệch (CFD) là một phương pháp giao dịch phái sinh không yêu cầu nhà đầu tư sở hữu trực tiếp các cổ phiếu thành phần của chỉ số. Đây là một hợp đồng giữa nhà đầu tư và nhà môi giới, lợi nhuận được tính trên sự chênh lệch giá chỉ số Nifty 50 giữa thời điểm mở và đóng hợp đồng.

Nhà đầu tư cần tìm một nhà môi giới uy tín, có hỗ trợ giao dịch chỉ số Nifty 50 để mở tài khoản CFD. Sau đó đăng ký mở tài khoản giao dịch với nhà môi giới và nạp tiền vào tài khoản. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư thì cần phân tích, theo dõi biểu đồ và thông tin liên quan đến chỉ số Nifty 50. 

Qua nền tảng giao dịch của nhà môi giới, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua (long) hoặc bán (short) CFD chỉ số Nifty 50. Đồng thời luôn đặt một mức dừng lỗ (stop loss) nhằm giới hạn rủi ro và xác định mục tiêu lợi nhuận để đóng vị thế đúng lúc.

Nhà đầu tư cũng có thể tận dụng đòn bẩy trong giao dịch CFD để thu về lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên cần cân nhắc đến phí giao dịch và tỷ lệ đòn bẩy hợp lý để tránh rủi ro thua lỗ, cháy tài khoản.

  • Quỹ ETF

Quỹ ETF (Exchange-Traded Fund) là công cụ đầu tư thuận tiện để tiếp cận với chỉ số Nifty 50 và các công ty lớn nhất của Ấn Độ. Một trong những quỹ ETF quan trọng nhất có liên kết với chỉ số là iShares Ấn Độ 50 ETF (INDY), được phát hành bởi BlackRock.

iShares Ấn Độ 50 ETF (INDY) được thiết kế để theo dõi hiệu suất của chỉ số Nifty 50. Tổng tài sản ròng của INDY tính đến ngày 31/05/2023 là 587,23 triệu USD. Tổng lợi nhuận hàng ngày (YTD) là 2,86%. Tổng tiền lãi hàng ngày trong 1 năm là 4,51%. Tỷ lệ chi phí ròng mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu và duy trì quỹ ETF là 0,89%/năm.

Nifty 50 là gì? Đặc điểm, thành phần và cách đầu tư vào chỉ số Nifty 50 Đầu tư vào chỉ số Nifty 50 thông qua quỹ iShares Ấn Độ 50 ETF (INDY)

Kết luận

Chỉ số Nifty 50 bao gồm 50 công ty có giá trị vốn hóa hàng đầu và đại diện cho nền kinh tế Ấn Độ. Vì vậy được xem như thước đo quan trọng để theo dõi tình hình kinh tế và đầu tư trong khu vực này. Với sự phát triển của chứng khoán Ấn Độ và tiềm năng tăng trưởng của các công ty thành viên, Nifty 50 sẽ là lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên cần nghiên cứu và hiểu rõ về thị trường, cũng như kết hợp các công cụ, phương pháp đầu tư để đưa ra quyết định thông minh.

Huỳnh Hà

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến