Trong phiên 16/9, giá vàng thế giới tiếp tục tăng sau khi lập mức cao kỷ lục, nhờ sự suy yếu của đồng USD và triển vọng Mỹ hạ lãi suất. Giá dầu cũng đi lên giữa những lo ngại về ảnh hưởng của bão Francine đối với sản lượng dầu tại Vịnh Mexico.
Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.580,24 USD/ounce, cách không xa mức cao kỷ lục 2.589,59 USD/ounce đã đạt được trước đó. Giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đứng ở mức 2.607,80 USD/ounce.
Trong phiên, chỉ số đồng USD giảm 0,4%, khiến kim loại quý này trở nên hấp dẫn hơn với các nhà giao dịch nắm giữ đồng tiền khác.
Quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến công bố ngày 18/9 theo giờ Mỹ là nhân tố chủ chốt chi phối thị trường trong tuần này.
Chiến lược gia Phillip Streible, tại công ty môi giới hàng hóa Blue Line Futures, nhận định thị trường đang dự đoán FED sẽ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp từ ngày 17-18/9 và nếu FED chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản, giá vàng kỳ hạn có thể giảm. Theo công cụ CME FEDWatch, các nhà giao dịch dự đoán có 61% cơ hội FED sẽ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer của KCM Trade cho biết, với diễn biến hiện nay, giá vàng có thể sẽ còn tăng tiếp. Nếu đồng USD tiếp tục giảm, giá vàng có thể đạt 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2.700 USD/ounce trong ngắn hạn và 2.900 USD/ounce vào năm 2025.
Bên cạnh đó, chiến lược gia Peter A. Grant, tổ chức giao dịch kim loại Zaner Metals, cho rằng vụ nổ súng mới đây nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tạo ra sự lo ngại nhất định về tình hình bầu cử ở Mỹ và tạo thuận lợi cho đà tăng của giá vàng.
Chốt phiên 16/9, giá dầu Brent giao tháng 11/2024 tăng 1,14 USD (1,59%) lên 72,75 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,44 USD (2,1%) lên 70,09 USD/thùng.
Các nhà giao dịch vẫn lo ngại về những ảnh hưởng của bão Francine đối với hoạt động sản xuất. Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ (BSEE) ước tính bão Francine đã ảnh hưởng đến hơn 12% sản lượng dầu thô và 16% sản lượng khí đốt tự nhiên tại Vịnh Mexico.
Thị trường nhìn chung vẫn thận trọng trước quyết định về lãi suất của FED trong tuần này. Theo CME FEDWatch, các nhà giao dịch dự kiến FED sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Lãi suất thấp hơn thường làm giảm chi phí vay, qua đó có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu dầu.
Chiến lược gia về thị trường dầu mỏ Clay Seigle cho rằng, việc FED cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản có thể làm gia tăng mối lo ngại của các nhà giao dịch về tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu.
Số liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc công bố cuối tuần trước đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà giao dịch. Chiến lược gia Yeap Jun Rong của công ty dịch vụ tài chính IG lưu ý triển vọng tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới làm gia tăng những nghi ngờ về nhu cầu dầu.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 8 đã chậm lại xuống mức thấp nhất trong 5 tháng trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục suy yếu. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Sản lượng lọc dầu của nước này đã giảm tháng thứ 5 do nhu cầu nhiên liệu yếu và biên lợi nhuận xuất khẩu hạn chế sản lượng.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 1% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của tháng 8 lần lượt là 78,88 USD/thùng và 75,43 USD/thùng, sau khi giá giảm vào đầu tháng 9 một phần do lo ngại về nhu cầu.
Yến Anh