Giá vàng giảm trong phiên 1/8 khi đồng USD mạnh lên. Giá dầu đi xuống khi nguồn cung toàn cầu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi lo ngại có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn ở Trung Đông.
Vào lúc 1 giờ 03 phút ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,4% xuống 2.438,32 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 18/7. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% và đóng phiên ở mức 2.480,8 USD/ounce.
Đồng USD tăng 0,3% sau khi giảm trong phiên liền trước, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục gây xáo trộn thị trường tiền tệ.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bỏ phiếu nhất trí duy trì lãi suất ở mức cao nhất 23 năm trong phạm vi 5,25% - 5,50% sau cuộc họp mới đây.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra "sớm nhất có thể" tại cuộc họp tiếp theo của Fed vào tháng 9 nếu nền kinh tế Mỹ đi theo lộ trình dự kiến. Vàng thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp.
Thị trường hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ công bố ngày 2/8 để có thêm tín hiệu về lộ trình chính sách của Fed.
Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu vật chất ở châu Á vẫn yếu. Các chuyên gia của ngân hàng Citi dự đoán nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ vẫn cao trong năm 2024-2025, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã không mua vàng trong tháng 5 và tháng 6.
Chốt phiên 1/8, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,32 USD (1,6%), xuống 79,52 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,6 USD (2,1%), xuống 76,31 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch liền trước, giá cả hai loại dầu chủ chốt này đã tăng khoảng 4% khi lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.
Tuy nhiên, ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại công ty BOK Financial, cho biết thị trường đang dần nhận ra rằng chưa có sự gián đoạn nguồn cung nào diễn ra trên thực tế, nên đang chuyển trọng tâm từ các vấn đề địa chính trị sang nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Một cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (tức OPEC+) đã giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Như đã thống nhất vào tháng 6, OPEC+ yêu cầu một số thành viên phải hạ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong giai đoạn từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025. OPEC+ cũng đồng ý gia hạn các mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu mỗi ngày trước đó đến cuối năm 2025.
Trong khi đó, theo nhà phân tích Priyanka Sachdeva của Phillip Nova, các nhà đầu tư không tin tưởng vào nhu cầu của Trung Quốc và lo ngại này sẽ hạn chế mức tăng của giá dầu.
Kết quả một cuộc khảo sát được công bố ngày 1/8 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đã thu hẹp lần đầu tiên trong 9 tháng qua, do đơn đặt hàng mới giảm. Trước đó, số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua trong tháng 7.
Số liệu mới đây từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ đã đẩy lượng dầu thô dự trữ của nước này giảm 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/7 xuống còn 433 triệu thùng.
Ngoài ra, ngày 1/8, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục 16 năm. Tại Mỹ, số liệu mới công bố làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang giảm tốc nhanh hơn dự kiến trong khi Fed vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí đi vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu.
Yến Anh