Kim loại quý ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp sau khi các số liệu lạm phát cao tại Mỹ được công bố. Ngược lại, “vàng đen” ghi nhận thêm một tuần tăng giá dưới tác động từ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, căng thẳng tại Trung Đông và sự không chắc chắn trong triển vọng nhu cầu dầu thô.
Khép lại phiên cuối tuần trước (16/2), giá vàng kỳ hạn tăng 0,5% lên 2024,1 USD/ounce, nhưng đi xuống khi tính chung cả tuần. Đây cũng là tuần giảm giá thứ hai liên tiếp của giá vàng.
Trước đó, giá vàng giảm trong 3 phiên liên tiếp đầu tuần, khi báo cáo lạm phát của Mỹ mạnh hơn dự kiến đã làm giảm triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất. Sau đó, giá vàng đã tăng trở lại trong phiên ngày 15/2, sau khi số liệu kinh tế yếu đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm xuống.
Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng 1/2024. Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 8.000 đơn xuống 212.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa).
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên trong tuần trước, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Số liệu cho thấy cả giá sản xuất và giá tiêu dùng của Mỹ đều tăng mạnh hơn dự đoán trong tháng 1/2024. Dù vàng được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lãi này.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,3% trong tháng 1/2024, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 12/2023. Tính trong 12 tháng đến hết tháng 1/2024, chỉ số PPI tăng 0,9% sau khi tăng 1% trong tháng 12/2023.
Sau khi loại bỏ giá dịch vụ thương mại, thực phẩm và năng lượng, chỉ số PPI tăng 0,6% trong tháng Một, mức tăng lớn nhất trong một năm qua. So với cùng kỳ năm 2023, chỉ số PPI cốt lõi này tăng 2,6% trong tháng trước.
Trước đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cũng tăng nhiều hơn dự đoán trong tháng Một, khiến các thị trường tài chính giảm dự đoán rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Sáu. Chỉ số CPI trong tháng 1/2024 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, tuy thấp hơn mức tăng 3,4% trong tháng 12/2023, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,9% theo dự báo của MarketWatch.
CPI lõi đã tăng 3,9%, tương đương mức tăng của tháng 12/2023, bất chấp kỳ vọng chỉ số này giảm hơn nữa. Điều này cho thấy con đường giảm lạm phát vẫn còn nhiều chông gai.
Chỉ số CPI đã giảm từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 và đang tiến tới mức mục tiêu 2% của Fed là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế khi lạm phát hạ nhiệt.
Chuyên gia phân tích thị trường Everett Millman của công ty kinh doanh kim loại quý Gainesville Coins nhận định, do Fed không có khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng Ba, nên vàng có thể sẽ khó tăng mạnh ở trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Ông dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm xuống mức 1.960 USD/ounce.
Khép lại phiên 16/2, giá dầu WTI giao tháng Ba tăng 1,16 USD (1,5%), lên 79,19 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 6/11/2023. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tư tăng 61 xu Mỹ (0,7%), lên 83,47 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 26/1.
Tính chung cả tuần trước, giá dầu WTI và dầu Brent tăng lần lượt 3,1% và 1,6%, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá 2 loại dầu chủ chốt biến động trái chiều, trong đó giá dầu WTI ghi nhận mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/1, giữa lúc thị trường lo ngại về kế hoạch lãi suất của Fed và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Sau đó, giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/2, do căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang ở Trung Đông và Đông Âu. Tuy nhiên, đà tăng này bị hạn chế phần nào do các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của Fed.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 14/2, giá dầu thế giới giảm 1 USD/thùng khi lượng dầu dự trữ tại Mỹ tăng cao đẩy giá đi xuống. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 12 triệu thùng lên 439,5 triệu thùng trong tuần trước nữa, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích về mức tăng 2,6 triệu thùng giữa bối cảnh hoạt động lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Sang phiên giao dịch 15/2, giá dầu thế giới lại tăng hơn 1% sau khi số liệu bán lẻ của Mỹ gây ra tình trạng bán tháo đồng USD.
Nền kinh tế Mỹ vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ 6 tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm 2023 rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.
Chuyên gia phân tích thị trường Fawad Razaqzada của công ty môi giới tài chính City Index và Forex.com cho biết, giá dầu biến động liên tục trong tuần trước, một phần vì sức mạnh của đồng USD đã kìm hãm đà tăng của dầu.
Đồng bạc xanh đang giằng co với các động lực thúc đẩy giá dầu như tình hình ở Trung Đông, sự can thiệp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những hy vọng rằng tình hình kinh tế ở Trung Quốc sẽ cải thiện trong những quý tới. Dù vậy, ông Razaqzada cho rằng các yếu tố thúc đẩy giá dầu vẫn lấn át vì không có nhiều tác động tiêu cực đối với giá “vàng đen”.
Giá dầu WTI khép phiên 16/2 ở trên mức mà vị chuyên gia này xem là ngưỡng kháng cự khoảng 78 USD/thùng. Diễn biến này có thể đưa giá dầu tiếp tục tăng mạnh hướng đến mức 80 USD/thùng.
Yến Anh