logo
Banner-JuraTrade-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 13/09/2024

Giá vàng lên mức cao kỷ lục, dầu tăng gần 3%

Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao kỷ lục trong phiên 12/9, trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới. Giá dầu đi lên khi các nhà sản xuất đang đánh giá thiệt hại đối với sản lượng tại Vịnh Mexico của Mỹ sau khi bão Francine tàn phá các khu vực sản xuất dầu ngoài khơi.

Giá vàng tăng hơn 1,5% trước triển vọng FED hạ lãi suất

Vào lúc 1 giờ 10 phút ngày 13/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 2.554,05 USD/ounce, giá vàng kỳ hạn tăng 1,5% lên 2.580,60 USD/ounce.

Giá vàng lên mức cao kỷ lục, dầu tăng gần 3%

Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 2.000 đơn lên 230.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa). Bên cạnh đó, giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn một chút so với dự đoán trong tháng Tám do giá dịch vụ tăng, nhưng số liệu vẫn cho thấy xu hướng lạm phát giảm dần.

Ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành của công ty Allegiance Gold, đánh giá rằng các số liệu trên đang tạo điều kiện để FED hạ lãi suất, vì thế kim loại quý màu vàng đang trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.

Theo công cụ FEDWatch của CME, thị trường hiện đang dự đoán khả năng FED cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 17-18/9 là 73% và khả năng giảm 0,5 điểm phần trăm là 27%.

Giá dầu đi lên do tác động của bão Francine

Vào lúc 0 giờ 19 phút ngày 13/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,91 USD (2,8%), lên 69,22 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,70 USD (2,4%), lên 72,31 USD/thùng.

Giá vàng lên mức cao kỷ lục, dầu tăng gần 3%

Các nhà phân tích của UBS ước tính bão Francine sẽ khiến sản lượng dầu ở Vịnh Mexico giảm khoảng 1,5 triệu thùng trong tháng này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng bão Francine có thể chỉ tác động trong ngắn hạn, vì nó giảm cường độ sau khi đổ bộ vào Louisiana vào tối ngày 11/9.

Các cảng xuất khẩu dầu khí từ phía Nam đến trung tâm Texas đã mở cửa trở lại vào ngày 12/9 và các nhà máy lọc dầu cũng đang tăng cường hoạt động.

Chuyên gia phân tích Alex Hodes của StoneX cho rằng, điều này có thể khiến thị trường dầu lại hướng sự chú ý đến tình trạng nhu cầu yếu trên toàn cầu. Những lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu yếu, đặc biệt là từ nước nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc, đã đè nặng lên giá “vàng đen” trong những tháng gần đây. 

Tuần này, giá dầu Brent đã có thời điểm đóng cửa ở gần mức thấp nhất 3 năm, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, tức nhóm OPEC+, lần thứ hai liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu hàng năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa giảm hơn 7% trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 900.000 thùng/ngày, với lý do nhu cầu thấp ở Trung Quốc và tăng trưởng yếu ở các khu vực khác.

Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, cũng đang cho thấy dấu hiệu nhu cầu yếu. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA), lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng lên trong tuần trước, khi nhập khẩu dầu thô tăng, xuất khẩu giảm và nhu cầu nhiên liệu đi xuống.

Giới phân tích cho biết giá xăng tại Mỹ đang hướng tới mức thấp nhất trong ba năm do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào. Lượng xăng tiêu thụ của Mỹ chiếm gần 9% nhu cầu dầu toàn cầu.

Yến Anh

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

banner-investo.info_.jpg

Xem Nhiều