Trong phiên 9/9, giá vàng biến động nhẹ khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ để có thêm manh mối về quy mô cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Giá dầu tăng do lo ngại một cơn bão dự kiến đổ bộ vào bang Louisiana vào ngày 11/9 sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và lọc dầu của Mỹ.
Khoảng 0 giờ 54 phút sáng ngày 10/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 2.499,79 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ nhích 0,3% lên 2.532,70 USD/ounce.
Phó chủ tịch kiêm nhà chiến lược kim loại cao cấp Peter A. Grant tại Zaner Metals cho biết vàng có thể sẽ được hỗ trợ khá tốt, có thể hơi biến động trong phạm vi đã thiết lập. Ông Grant dự đoán vàng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới. Vàng đã chạm mức cao kỷ lục là 2.531,60 USD/ounce trong phiên 20/8.
Theo công cụ CME FEDWatch, hiện các nhà giao dịch dự đoán khả năng FED cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17-18/9 là 73% và khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản là 27%. Thị trường đang cân nhắc rằng FED có khả năng sẽ thực hiện việc cắt giảm lãi suất ít hơn 25 điểm cơ bản.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không có lãi suất như vàng.
Tuần trước, báo cáo cho thấy việc làm tại Mỹ đã tăng trưởng ít hơn dự kiến trong tháng 8/2024, song việc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% cho thấy thị trường lao động không sụt giảm đến mức cần thiết để thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.
Các nhà đầu tư đang theo dõi dữ liệu giá tiêu dùng tháng 8/2024 của Mỹ, công bố ngày 11/9 và chỉ số giá sản xuất, công bố ngày 12/9.
Theo nhiều nhà phân tích, nếu số liệu lạm phát thấp hơn nhiều so với dự kiến và làm tăng hy vọng về một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, ngay cả khi FED chỉ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, vàng cũng sẽ không mất giá vì FED chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất.
Chốt phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 78 xu (1,1%), lên 71,84 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,04 USD (1,5%), lên 68,71 USD/thùng.
Trước đó phiên 6/9, giá dầu Brent và dầu diesel Mỹ đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dầu WTI đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023 và giá xăng Mỹ đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Tại Mỹ, các nhà sản xuất dầu khí dọc theo bờ biển Vùng Vịnh đã bắt đầu sơ tán nhân viên và hạn chế hoạt động khoan để chuẩn bị khi bão nhiệt đới Francine di chuyển qua Vịnh Mexico. Francine được dự báo sẽ mạnh lên thành một cơn bão trong ngày 10/9 trước khi đổ bộ vào bờ biển Louisiana.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vùng Vịnh chiếm khoảng 50% công suất lọc dầu của cả nước.
Nhà phân tích John Evans tại PVM đánh giá, giá dầu đang có dấu hiệu phục hồi nhỏ nhờ những cảnh báo về bão có thể ảnh hưởng đến bờ biển Vùng Vịnh Mỹ. Tuy nhiên, cuộc thảo luận lớn hơn vẫn tập trung vào việc nhu cầu dầu mỏ sẽ đến từ đâu và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, tức OPEC+, có thể làm gì cho thị trường dầu.
OPEC+ đã đồng ý hoãn tăng sản lượng theo kế hoạch 180.000 thùng/ngày trong tháng 10/2024 thêm 2 tháng để ứng phó với tình trạng giá dầu giảm mạnh.
Các nhà phân tích cho biết, sự lạc quan của nhà đầu tư về một kịch bản hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ, trong đó lạm phát được kiềm chế mà không xảy ra suy thoái hoặc thất nghiệp tăng mạnh, cũng đã giúp hỗ trợ giá dầu. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ công bố một báo cáo lạm phát quan trọng vào cuối tuần này.
Các nhà hoạch định chính sách của FED đã đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng khởi động một loạt đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9.
Tuy nhiên, Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent trong quý IV/2024 từ 80 USD/thùng xuống còn 75 USD/thùng, đồng thời lưu ý giá dầu có thể sẽ giữ nguyên ở mức đó nếu nhu cầu dầu không suy yếu.
Các nhà giao dịch hàng hóa toàn cầu Gunvor và Trafigura dự đoán giá dầu có thể giao dịch trong khoảng từ 60 đến 70 USD/thùng do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và nguồn cung toàn cầu dư thừa kéo dài.
Yến Anh