logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 21/02/2020

Trung Quốc Trước Nguy Cơ Tăng Trưởng Lao Dốc, Nợ Xấu Phình To Vì Virus Corona

Giới phân tích cảnh báo hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ đối mặt với áp lực cực lớn từ dịch Covid-19. Nợ xấu sẽ tăng vọt nếu các nhà băng phải cho vay ồ ạt để giải cứu nền kinh tế.

Theo Tân Hoa xã, ngày 20/2 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm từ 4,15% xuống còn 4,05% và lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm từ 4,80% xuống còn 4,75%.

Đây là đợt cắt giảm lãi suất cơ bản đầu tiên của Trung Quốc kể từ tháng 10/2019. Giới phân tích quốc tế cũng đã dự báo trước động thái này trong bối cảnh Trung Quốc đang vật vã với hậu quả của dịch virus corona (Covid-19), hàng loạt hoạt động kinh tế tê liệt vì những biện pháp ngăn chặn dịch lan rộng.

CNBC dẫn lời nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhận định việc hạ lãi suất cơ bản 0,1% có thể giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phần nào chịu đựng được những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, tác động của biện pháp này là không lớn.

Nhà kinh tế Bo Zhuang thuộc TS Lombard cho rằng nền kinh tế Trung Quốc cần những biện pháp kích thích "quyết liệt" hơn để hồi phục sau những chấn thương do dịch virus corona gây ra.

Sức ép dữ dội với hệ thống ngân hàng

Theo South China Morning Post, các nhà phân tích cảnh báo nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà băng cho các ngành bị virus corona tàn phá vay vốn ồ ạt, nợ xấu sẽ tăng vọt, đe dọa hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nước này.

Trước khi dịch virus corona bùng phát, hệ thống tài chính của Trung Quốc đã có nhiều bất ổn. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tính đến quý I/2019, tổng nợ của các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ ở Trung Quốc tăng vọt lên đến 303% GDP nước này, tương đương 40.000 tỷ USD.

Giới chuyên gia quốc tế dự đoán dịch virus corona sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 3% hoặc thấp hơn trong quý I/2020. Tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Trung Quốc có thể bốc hơi 1-2%.

Một cuộc kiểm tra do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện gần đây cho thấy 9 trên tổng số 30 ngân hàng trong nước sẽ không đạt được tỷ lệ an toàn vốn (tỷ lệ vốn trên tài sản rủi ro) nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm xuống 5,3%. Nếu tỷ lệ tăng trưởng GDP sụt xuống mức 4,15%, sẽ có tới 17 ngân hàng không thể đạt tỷ lệ an toàn vốn.

Theo các nhà phân tích, nếu dịch virus corona kéo dài, Trung Quốc sẽ phải làm quen với "hiện thực mới". Đó là tăng trưởng GDP chỉ đạt tối đa 5%. Nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ phải tạm ngừng chiến dịch giảm nợ của hệ thống tài chính và tập trung kích thích nền kinh tế.

“Dịch bệnh có thể khiến các doanh nghiệp và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng nặng nề hơn các hộ gia đình. Do đó, chính phủ Trung Quốc sẽ nương tay hơn đối với những khoản nợ của các chính quyền địa phương”, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Amy Yuan Zhuang thuộc Nordea Markets bình luận.

“Ví dụ, chính phủ sẽ cho phép các địa phương vay nhiều hơn với lãi suất thấp hơn. Hậu quả là khối nợ sẽ càng phình to trong những năm tới. Dù vậy, điều đó còn phụ thuộc vào mức độ của các biện pháp kích thích tăng trưởng”, chuyên gia này nói thêm.

Tháng trước, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ nhóm tổ chức và cá nhân tham gia vào chiến dịch chống dịch virus corona, ví dụ như gia hạn các khoản vay.

Nợ xấu sẽ tăng vọt?

Tính đến cuối quý IV/2019, số dư nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đã tăng lên đến 2.410 tỷ NDT (344,2 tỷ USD), cao hơn 46,3 tỷ NDT (6,6 tỷ USD) so với quý trước, theo thống kê của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc.

Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại là 1,86%, tương đương quý III/2019. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ "nương tay" với các khoản nợ xấu bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc nợ xấu sẽ tăng lên. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực của mình, vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết", ông Phạm Nhất Phi, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, khẳng định cuối tuần trước.

"Trong 2 năm qua, chúng tôi đã tăng cường quản trị rủi ro tài chính. Và các khoản nợ xấu là một trong những vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt. Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu vẫn tương đối thấp”, ông Phạm quả quyết.

Tuy nhiên, dịch virus corona sẽ là bài thử khó khăn đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp vào hoạt động của 3 ngân hàng địa phương, làm dấy lên câu hỏi về sự ổn định của hệ thống ngân hàng ở đất nước 1,4 tỷ dân.

Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor (S&P) ước tính tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng lên 6% nếu dịch virus corona tiếp tục kéo dài. S&P nhận định Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể hỗ trợ hệ thống ngân hàng thông qua biện pháp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.Ngân hàng Baoshang bị chính quyền trung ương tiếp quản, trong khi ngân hàng Jinzhou và Hengfeng được nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân bảo lãnh một phần.

Chuyên gia Banny Lam thuộc CEB International Investment cho rằng các ngân hàng địa phương dễ bị tổn thương hơn ngân hàng thương mại lớn. Đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào hệ thống tài chính để thúc đẩy cho vay và giảm chi phí các khoản vay.

Giới phân tích cho rằng với tác động của dịch virus corona, các công ty Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. "Chúng tôi dự đoán nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ kéo dài dai dẳng trong năm 2020", Moody's cảnh báo hồi tuần trước.

Theo Vietstock

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

370x700.png