logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 06/03/2023

Triển vọng thị trường tiền tệ (6–10/3): quyết định lãi suất & NFP

Sắp tới sẽ có ba ngân hàng trung ương lớn ra tuyên bố cộng với sự kiện công bố dữ liệu thị trường lao động mới nhất của nền kinh tế Mỹ.

Và bây giờ là những yếu tố cốt lõi có tiềm năng thúc đẩy thị trường trong tuần này:

Triển vọng thị trường tiền tệ (6–10/3): quyết định lãi suất & NFP

Các sự kiện kinh tế trọng điểm:

Quyết định chính sách của RBA (ngày 07/03, 3:30 sáng theo giờ GMT) – Liệu có phải đà tăng trưởng và lạm phát tại Úc đã chậm lại? Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất lần thứ mười liên tiếp. Đợt này sẽ là 25 điểm cơ bản, lên mức cao nhất trong thập kỷ qua là 3,6% vào ngày thứ Ba.

Trong bản tuyên bố tháng 2, RBA đã lưu ý rằng phương án tăng lãi suất cao hơn nữa “sẽ là cần thiết trong những tháng tới”. Nếu chủ đề tương tự xuất hiện trong tuyên bố tháng 3, thì thị trường có thể sẽ phản ứng theo kịch bản tăng lãi suất ở các đợt tiếp theo vào tháng 4 và tháng 5.

Ông Jerome Powell báo cáo tại Washington DC (ngày 07/03, 3:00 chiều theo giờ GMT) - Giờ đây, khi thị trường đã tin vào câu chuyện lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn, các nhà quan sát sẽ có cơ hội xem xét báo cáo chính sách tiền tệ nửa năm một lần của ông Powell. Trong báo cáo này rất có thể sẽ chứa đựng những dấu hiệu thậm chí còn cứng rắn hơn.

Mặc dù sự kiện này có thể sẽ thu hút nhiều sự chú ý, nhưng Chủ tịch Fed sẽ khó có khả năng cam kết thực hiện theo một đường lối chính sách nhất định, đặc biệt là trước khi công bố dữ liệu lạm phát và lao động của Hoa Kỳ.

Tuyên bố chính sách của BOC (ngày 08/03, 3:00 chiều theo giờ GMT) – Tại cuộc họp tháng 1, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã đưa ra dự kiến sẽ “giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại trong khi đánh giá tác động khi tăng dồn lãi suất”. Kể từ đó, tỷ lệ lạm phát của Canada không đạt kỳ vọng trong khi GDP có dấu hiệu chững lại.

Đây là lý do tại sao các nhà quan sát thị trường cho rằng BOC sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức 4,5% trong tuần này sau khi tăng với tốc độ kỷ lục 425 điểm cơ bản trong 10 tháng qua.

Bản cập nhật chính sách của BOJ (ngày 10/03, phiên châu Á) – Giới phân tích cho rằng tuyên bố chính sách mới nhất của Thống đốc Kuroda sẽ chứa những thông tin quá sốc. Các chính sách cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), kể cả về lãi suất và kiểm soát đường cong lợi suất, đều dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng trước khi bổ nhiệm tân Thống đốc và Phó Thống đốc.

Các bản tin liên quan đến NFP (ngày 10/03, 1:30 chiều theo giờ GMT) – Thị trường lao động Mỹ dự kiến sẽ bình ổn sau khi có thêm nửa triệu việc làm vào tháng Giêng. Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) dự kiến sẽ đạt trên mốc 200.000 trong khi tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập trung bình hàng giờ duy trì ở các mức tương ứng là 3,4% và 0,3%.

Xu hướng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu liên tục duy trì ở mức thấp trong khi các chỉ số việc làm doanh nghiệp bất ngờ tăng. Điều này đang khiến một số nhà phân tích dự đoán dữ liệu lao động của nền kinh tế Hoa Kỳ trong tuần này sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Mặt khác, dễ thấy các dữ liệu điều chỉnh theo mùa vào tháng trước đã được sửa đổi theo hướng giảm và các dữ liệu về việc làm toàn thời gian cũng không chuyển biến nhiều.

Các chỉ báo tín hiệu sớm của tuần này có thể giúp nhà đầu tư thu hẹp phạm vi ước tính về NFP. Báo cáo ADP cho thấy số lượng việc làm tăng thêm 195 nghìn trong khi cơ hội việc làm theo thống kê JOLTS giảm từ 11,01 triệu xuống 10,61 triệu vào hôm thứ Tư. Mức cắt giảm việc làm Challenger và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu theo báo cáo hôm thứ Năm cũng gợi ý số liệu NFP có thể tiềm ẩn những bất ngờ.

Nếu NFP tăng mạnh, điều này sẽ giúp Fed có nhiều căn cứ hơn để tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn so với dự đoán chung.

Mô hình kỹ thuật trong tuần: AUD/USD

Triển vọng thị trường tiền tệ (6–10/3): quyết định lãi suất & NFP

Do RBA và Chủ tịch Fed Jerome Powell đang là tâm điểm chú ý trong khi Hoa Kỳ sắp công bố dữ liệu thị trường lao động, nên xu hướng dài hạn của AUD/USD là tâm điểm cần lưu ý.

Cặp tiền này đang giằng co tạo đáy mới bên dưới ngưỡng nhạy cảm 0,6700. Tín hiệu này cho thấy rằng lực cầu đã đủ mạnh để chặn đứng xu hướng giảm của AUD/USD.

Quan trọng hơn, đường SMA 100 có vẻ sắp cắt lên trên đường SMA 200 trên khung thời gian hàng ngày. Dễ thấy trong bốn lần giao cắt gần đây nhất giữa các đường SMA, xu hướng giá đã có những thay đổi lớn.

Liệu lúc này AUD/USD có đang đảo chiều hay không?

Các tin tức mới trong tuần này có thể sẽ kích thích hoặc cản trở đà tăng giá của AUD/USD.

Nếu thị trường tập trung ưu tiên rủi ro và xem nhẹ các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed, thì AUD/USD có thể sẽ bật lên từ mức giá hiện tại và kiểm định lại các mức giá nhạy cảm trước đó như 0,6850 hoặc 0,6900.

Nhưng nếu thị trường lao động Mỹ vẫn khỏe hoặc thậm chí Fed dự kiến triển khai nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa thì hai câu chuyện này sẽ dẫn dắt xu hướng trong tuần. Như vậy AUD/USD có thể phá thủng mức hỗ trợ 0,6700 và giảm xuống mức hỗ trợ cũ như 0,6600 hoặc 0,6550.

Đăng Khoa-Theo babypips

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

370x700.png