Tăng trưởng kinh tế Mỹ có xu hướng suy giảm trong nửa đầu năm nay do tác động của lạm phát và chính sách duy trì lãi suất cao kéo dài của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Chi tiêu cá nhân - động lực chính của nền kinh tế Mỹ - giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 1,5% trong trong quý đầu năm nay. Sự sụt giảm cũng được thể hiện rõ trong số lượng đơn đặt hàng và vận chuyển một số thiết bị kinh doanh, trong khi thâm hụt thương mại lớn nhất trong hai năm, thị trường việc làm yếu kém và việc mua nhà sụt giảm.
Nhà kinh tế trưởng Bill Adams tại ngân hàng Comerica đánh giá nền kinh tế Mỹ đang “hoạt động ở tốc độ thấp trong nửa đầu năm 2024”, dù chi tiêu cá nhân đã phần nào phục hồi trong tháng 5.
Báo cáo chỉ số kinh tế của chính phủ Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng lên 100,6 tỷ USD trong tháng 5, mức lớn nhất trong hai năm, khi xuất khẩu giảm. Ngoài ra, các số liệu cũng thể hiện rõ sự gia tăng hàng tồn kho của các nhà bán buôn và bán lẻ.
Theo nhận định, những dấu hiệu về căng thẳng tài chính, nhu cầu lao động khiêm tốn, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và những thách thức từ đồng USD mạnh lên có thể sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm.
Giá Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng vào ngày 5/7 và hướng đến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong một năm, do lo ngại về việc liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có tiếp tục là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ hay không cũng như khả năng gia tăng nguồn cung tiền điện tử.
Trong phiên 5/7, giá Bitcoin giảm 5%, xuống 55.366 USD/BTC, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2 và giảm 10% tính trong cả tuần. Đồng Ether giảm 8%, xuống 2.891 USD/ether, mức thấp nhất trong một tháng rưỡi.
Bitcoin đã có một khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay, sau khi các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin được ra mắt tại Mỹ, đẩy giá tăng lên mức kỷ lục 73.803,25 USD/BTC vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, Bitcoin đã giảm hơn 21% kể từ đó.
Các nhà đầu tư lo lắng về khả năng ông Biden bị thay thế bởi một người ít ủng hộ tiền điện tử hơn để làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, sau màn trình diễn thiếu thuyết phục của ông trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra các báo cáo cho biết Mt. Gox, sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới trước khi phá sản vào năm 2014, đang hoàn trả lại tiền cho các chủ nợ. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại rằng Bitcoin có khả năng phải đối mặt với áp lực giảm giá hơn nữa nếu những chủ nợ đó bán tháo các token.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng cần thêm thời gian để khẳng định lạm phát đang quay về mức mục tiêu 2% và các số liệu kinh tế tích cực cho thấy hạ lãi suất không phải là yêu cầu cấp bách.
ECB đã hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6/2024 sau khi tăng mạnh chưa từng có, nhưng cho rằng triển vọng cho lần cắt giảm thứ hai rất không chắc chắn.
Bà Lagarde cho rằng sẽ cần thời gian để ECB có đủ dữ liệu trước khi chắc chắn rằng nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu đã được đẩy lùi. Thị trường việc làm mạnh có nghĩa ECB có thể cần thời gian để có thông tin mới.
ECB bị mắc kẹt giữa việc không chắc chắn về lạm phát và tăng trưởng yếu. Bà Lagarde cảnh báo Eurozone vẫn có nguy cơ suy thoái, dù tăng trưởng tăng tốc nhẹ trong quý trước, khi nhiều số liệu cho thấy triển vọng tăng trưởng vẫn không chắc chắn.
Cơ hội việc làm tại Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 5 bất chấp tác động của môi trường lãi suất cao hơn. Số lượng vị trí tuyển dụng đã tăng lên 8,1 triệu vị trí so với mức 7,9 triệu vị trí trong tháng 4, ghi dấu lần đầu tiên dưới mốc 8 triệu kể từ tháng 2/2021. Số lượng lao động mất việc làm tăng từ mức 1,54 triệu người trong tháng 4 lên 1,65 triệu trong tháng 5.
Nền kinh tế và thị trường việc làm Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể trước chiến dịch tăng lãi suất của FED nhằm kiềm chế lạm phát. FED đã tăng lãi suất cơ bản 11 lần trong năm 2022 và 2023, nâng tỷ lệ này lên mức cao nhất trong 23 năm.
Bất chấp những dự đoán về một cuộc suy thoái, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và các doanh nghiệp vẫn thúc đẩy hoạt động tuyển dụng. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc. Số cơ hội việc làm giảm đều đặn kể từ khi đạt đỉnh 12,2 triệu vào tháng 3/2022.
Theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6/2024 giảm xuống còn 48,5, thấp hơn mức dự báo 49,1 và cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực này. Đây là tháng thứ 19 trong 20 tháng qua chỉ số PMI ở dưới mức 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Sự yếu kém trong hoạt động sản xuất vào cuối quý II được phản ảnh trong hầu hết các lĩnh vực. Các lĩnh vực đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm máy móc, thiết bị vận tải, thiết bị điện tử và sản phẩm kim loại chế tạo.
Điểm sáng duy nhất là một số lĩnh vực sản xuất như hóa chất và sản phẩm kim loại chính ghi nhận tăng trưởng.
Trong cuộc bầu cử tại Anh, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak dự kiến sẽ nhận được kết quả khác với dự kiến. Nhà phân tích Joshua Mahony của công ty môi giới Scope Markets nhận định các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán Anh đang lạc quan về sự thay đổi tiềm năng sau cuộc bầu cử ở nước này.
Không chỉ Anh, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý vào cuộc bầu cử tại Pháp. Đồng euro đã nhận được lực đẩy từ thông tin hơn 200 ứng cử viên theo đường lối trung dung và cánh tả đã rút khỏi cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn chót đăng ký ngày 2/7.
Giới đầu tư cũng sẽ theo dõi sát biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của ECB, để tìm kiếm thêm thông tin về quan điểm của giới hoạch định chính sách. Mặc dù ECB đã hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019 trong cuộc họp tháng 6, nhưng lộ trình chính sách tiền tệ trong thời gian tới hiện vẫn chưa rõ ràng.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ tiếp tục chậm lại với tốc độ ổn định trong tháng 6/2024, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%, giúp tăng kỳ vọng FED có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 206.000 việc làm trong tháng 6, trong khi số liệu của tháng 5 được điều chỉnh giảm mạnh với mức tăng trưởng 218.000 việc làm, thay vì 272.000 như báo cáo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1% trong tháng 6, từ mức 4,0% của tháng 5.
Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động tăng 0,3%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 6/2024, tiền lương đã tăng 3,9%, mức tăng thấp nhất nhất kể từ tháng 6/2021, sau khi tăng 4,1% trong tháng 5.
Những số liệu mới nhất nhấn mạnh sự hạ nhiệt dần dần trên thị trường lao động Mỹ, thúc đẩy niềm tin vào triển vọng lạm phát và giúp FED tiến gần hơn đến việc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.