Giữa bối cảnh nguy cơ leo thang căng thẳng tại Trung Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa thông báo triển khai một tàu ngầm tên lửa dẫn đường tới khu vực. Trong khi đó, Hamas không tham gia vòng đàm phán mới cũng là thông tin đáng chú ý trong tuần này.
Theo thông báo đăng tải trên mạng xã hội, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ trưởng Austin đã ra lệnh cho nhóm tàu tấn công Abraham Lincoln tăng tốc triển khai tại Trung Đông. Đây là động thái hiếm hoi khi quân đội Mỹ thông báo về kế hoạch triển khai tàu ngầm.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Georgia đã hiện diện ở Địa Trung Hải từ tháng 7, giữa lúc khu vực Trung Đông đang đối mặt với nguy cơ xảy ra xung đột giữa Iran và với Israel, sau vụ các thủ lĩnh cấp cao của Hamas và Hezbollah bị sát hại thời gian gần đây. Quân đội Mỹ cũng cho biết sẽ triển khai thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến Hải quân đến Trung Đông.
Trong một thông báo, Hamas đã kêu gọi các bên hòa giải thúc đẩy một kế hoạch triển khai những điều khoản đã được lực lượng này nhất trí trong vòng đàm phán hôm 2/7, thay vì theo đuổi đàm phán hoặc đưa ra những đề xuất mới.
Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết sẽ cử đoàn tham gia cuộc đàm phán vào ngày 15/8 tới để hoàn tất các chi tiết về việc thực hiện thỏa thuận khung liên quan đến ngừng bắn và trao đổi con tin.
Đáng chú ý, phát biểu với báo giới khi đang vận động tranh cử tại bang Arizona, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã kêu gọi một thỏa thuận trao trả tù binh và ngừng bắn sau vụ tấn công một của Israel nhằm vào một trường học ở Gaza khiến gần 100 dân thường thiệt mạng.
Tuyên bốt trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Israel hôm 10/8 đã lại không kích một trường học được dùng làm nơi tạm trú của hàng nghìn người dân sơ tán tại Gaza, khiến hơn 100 người dân Palestine thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Văn phòng Tổng thống Iran thông báo Tổng thống nước này Masoud Pezeshkian và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có cuộc điện đàm để trao đổi quan điểm về việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm 2015.
Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Iran nhấn mạnh đến sự tồn tại của lòng tin và bảo vệ lợi ích song phương là cơ sở cho thỏa thuận mới. Theo đó, nếu hai bên thực hiện các cam kết và giúp xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, thì ngoài việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, các vấn đề song phương khác đều có thể được thảo luận.
Về phần mình, Chủ tịch EC bày tỏ mong muốn nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân cũng như hy vọng hai bên sẽ bắt đầu tương tác hiệu quả dựa trên việc bảo vệ lợi ích chung và xóa bỏ những trở ngại trong mở rộng hợp tác song phương. Ông Charles Michel cũng bày tỏ quan tâm của các nước EU trong cải thiện quan hệ với Iran.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có những diễn biến mới nhất về tình hình tại Dải Gaza.
Tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới Disney vừa công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ lên tới 5 tỷ USD (tương đương gần 4,5 tỷ euro), để phát triển sản xuất phim và chương trình truyền hình tại khu vực EMEA bao gồm châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Chủ tịch của Disney châu Âu cho biết, một phần lớn số tiền đầu tư sẽ được dành cho Vương quốc Anh, nơi đã trở thành một trung tâm sản xuất phim lớn của thế giới. Mục tiêu của khoản đầu tư này là hỗ trợ các công ty sản xuất phim, nền tảng Disney+, National Geographic và các chương trình truyền hình khác.
Tòa án Quận Nam Seoul, Hàn Quốc đã ra lệnh giam giữ ông Kim Beom-soo – nhà sáng lập Kakao Corp - với cáo buộc vi phạm luật thị trường vốn, khoảng 2 tuần sau khi ông bị bắt giữ với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu của SM.
Theo các công tố viên, trong cuộc đấu thầu mua lại SM hồi tháng 2 năm ngoái, ông Kim Bơm Xu và các lãnh đạo tập đoàn Kakao đã tham gia thao túng giá cổ phiếu trong 4 ngày, đẩy giá cổ phiếu SM tăng mạnh. Điều này đã khiến Hybe (Hai), một công ty tham gia đấu thầu cạnh tranh với Kakao, bỏ cuộc. Đến tháng 3/2023, Kakao và Kakao Entertainment trở thành cổ đông kiểm soát tại SM Entertainment. Hiện ông Kim Beom-soo vẫn bác bỏ các cáo buộc nói trên.
Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thông báo nêu rõ các kết luận trong phán quyết sơ bộ của EU về xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc thiếu cơ sở thực tế và pháp lý, đồng thời vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, qua đó gây phương hại đến tiến trình hợp tác toàn cầu về sản xuất và sử dụng xe điện nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hồi tháng 7, EU đã áp đặt thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế lên tới 38%.
Hoa Nguyễn