Đồng dollar Canada đã bỏ lỡ tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư đầu ngày hôm nay.
May mắn thay, cả Mỹ và Canada đều có các dữ liệu được công bố trong phiên sắp tới. Liệu điều đó có dẫn tới một đợt điều chỉnh đối với đồng tiền hàng hóa này?
Sau đây là những tin tức đã tác động đáng kể đến thị trường trong phiên giao dịch vừa qua:
Bảng lương tư nhân ADP của Mỹ trong tháng 9 ghi nhận 89 nghìn việc làm mới (so với mức dự báo 160 nghìn, và mức 180 nghìn trong tháng 8).
Chỉ số PMI dịch vụ Mỹ S&P Global tăng từ 50,5 trong tháng 8 lên 50,1 trong tháng 9.
Chỉ số PMI dịch vụ Mỹ ISM giảm từ 54,5 xuống 53,6 trong T9; chỉ số tuyển dụng giảm từ 54,7 xuống 53,4; chỉ số giá duy trì ở 58,9.
Số đơn đặt hàng nhà máy Mỹ tháng 8 tăng 1,2% so với tháng trước (so với mức dự báo tăng 0,3% và mức giảm 2,1% trong tháng 7).
Chỉ số giá hàng hóa thế giới ANZ đạt mức tăng theo tháng là 1,3% trong tháng 9, sau khi giảm trong 3 tháng trước đó.
Thặng dư thương mại tháng 8 Australia tăng từ 7,32 tỷ AUD lên 9,64 tỷ AUD do xuất khẩu (+4,0%) vượt xa nhập khẩu (-0,4%).
Thặng dư thương mại Đức trong tháng 8 tăng từ 16,0 tỷ EUR lên 16,6 tỷ EUR, nhưng cả xuất khẩu (-1,2%) và nhập khẩu (-0,4%) đều suy yếu so với tháng 7.
PMI xây dựng của Anh giảm từ 50,8 xuống 45,0 trong tháng 9, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
Sản lượng công nghiệp Pháp giảm 0,3% (so với dự báo giảm 0,4% và mức tăng 0,5% trong tháng trước).
Chấp nhận rủi ro là xu hướng chung trong các phiên giao dịch châu Á và đầu phiên giao dịch London khi các nhà giao dịch bắt kịp sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ và sức mạnh của đồng USD.
Tuy nhiên, đồng dollar Canada đã bỏ lỡ chuyến tàu chấp nhận rủi ro do giá dầu thô giảm mạnh đã hạn chế sức mạnh của đồng tiền có liên quan mật thiết đến dầu mỏ.
CAD giảm khi bắt đầu phiên châu Á và sau đó chứng kiến một làn sóng bán mới lúc gần mở cửa phiên London.
Cho đến nay, CAD đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất so với AUD, NZD và JPY và đang chứng kiến mức giảm ít nhất trong ngày so với GBP, CHF và USD.
Báo cáo việc làm Challenger (11:30 GMT)
Cán cân thương mại Mỹ (12:30 GMT)
Chỉ số PMI IVEY Canada (14:00 GMT)
Thu nhập tiền mặt trung bình của Nhật Bản (23:30 GMT)
Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản (23:30 GMT)
Không giống như các tài sản “rủi ro” khác, đồng dollar Canada ngày hôm nay đã nới rộng đà giảm so với đồng dollar Mỹ.
USD/CAD đã tìm thấy mức hỗ trợ gần mức 1,3725 và đã đạt mức cao hàng tuần mới gần hơn với mức R1 (1,3790) của Điểm xoay.
Nếu muốn bắt kịp xu hướng tăng của USD/CAD, bạn có thể muốn nhắm đến vùng quan tâm 1,3750 ngay phía trên đường Điểm xoay (1,3740). Cả phe giá lên và giá xuống của USD/CAD đều cho rằng khu vực này là rất quan trọng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và cán cân thương mại của Mỹ, cũng như báo cáo IVEY PMI của Canada có thể mang lại sự biến động mà cặp tiền này cần để kéo lùi hoặc đạt mức cao hơn nữa.
Dữ liệu từ Mỹ dự kiến sẽ có ghi nhận mức tăng nhẹ trong khi chỉ số IVEY PMI của Canada có thể giảm đáng kể.
Nếu các yếu tố cơ bản được kiểm chứng và chúng ta thấy sự quay trở lại của tâm lý ủng hộ USD, hạn chế rủi ro thì USD/CAD có thể tăng cao hơn mà không có đợt giảm giá ngắn hạn nào đáng kể. Nó có thể tiến tới mức R2 (1,3830) ngay cả khi hôm nay đã tăng rất nhiều!
Nhưng nếu các nhà giao dịch trong phiên Mỹ có tâm lý chấp nhận rủi ro nhiều hơn, và hạn chế nắm giữ USD, cặp tiền có thể quay trở lại khu vực Điểm Xoay hoặc thậm chí các mức SMA 100 và 200 trước khi phe bò nhập cuộc trở lại.
Bạn nghĩ sao? Liệu USD/CAD có chứng kiến sự thoái lui đáng kể hay không? Hay nó sẽ đạt được những đỉnh cao mới mà không cần nhìn lại phía sau?
Investo - Trang tin tức chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam.
Thanh Hiệp-Theo babypips