logo
Top-trang-Danh-sach-san-desktop-840x154-px.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 04/05/2024

Nhìn lại Tuần 18: IMF cảnh báo về rủi ro đối với các thị trường mới nổi

  • FAO: Giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 2 liên tiếp
  • Eurozone đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,3% trong quý I/2024
  • EU có thể áp thuế lên tới 55% đối với xe điện Trung Quốc
  • Bất ổn ở Biển Đỏ khiến doanh thu của Kênh đào Suez giảm 50%
  • Indonesia kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 70 tỷ USD
  • Nhu cầu thép toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng 3-4% trong năm 2024
  • Giá pin trên thế giới có thể giảm 40% vào năm 2030
  • Mỹ “bật đèn xanh” thương vụ 60 tỷ USD của Exxon Mobil
  • Sony và Apollo đề nghị mua Paramount với giá 26 tỷ USD
  • Nhiều tờ báo Mỹ kiện OpenAI và Microsoft vi phạm bản quyền

Nhìn lại Tuần 18: IMF cảnh báo về rủi ro đối với các thị trường mới nổi

Các thị trường mới nổi cần sẵn sàng cho tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách "diều hâu" trong thời gian dài hơn.

Lãi suất chuẩn tại hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đã tăng vọt trong những năm gần đây, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương nỗ lực kiềm chế lạm phát giai đoạn hậu đại dịch. Các ngân hàng này đang tìm cách hạ lãi suất trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế giảm nhiệt.

Môi trường lãi suất cao của Mỹ thường là tin xấu đối với các thị trường mới nổi, vì lãi suất cao khiến các khoản nợ - thường được định giá bằng đồng USD - trở nên đắt đỏ hơn. Điều này cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu vốn khi các nhà đầu tư lựa chọn những kênh mang lại lợi nhuận tốt hơn ở Mỹ và có thể khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn nhiều.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng ở những quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn từ môi trường lãi suất cao của Mỹ, trong đó có các nền kinh tế mới nổi, vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Trong khi đó, IMF không quá lo lắng về tác động của tỷ giá hối đoái đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), bởi sự chênh lệch tương đương 50 điểm cơ bản giữa lãi suất của FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể dẫn đến sự dịch chuyển rất nhỏ, từ 0,1-0,2% trong tỷ giá hối đoái.

Tâm điểm thị trường: Đồng yen giảm giá làm thay đổi sở thích du lịch của người Nhật

Theo công ty du lịch giá rẻ H.I.S., người dân Nhật Bản lựa chọn những chuyến đi nước ngoài ngắn ngày hơn, rẻ hơn và gần hơn trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng năm nay để tiết kiệm chi phí giữa lúc đồng yen suy yếu xuống mức thấp nhất trong 34 năm và lạm phát cao hơn ở nước ngoài.

Chi phí trung bình cho một chuyến du lịch nước ngoài đã giảm 1,5% so với Tuần lễ Vàng năm 2023, xuống còn 204.900 yen (khoảng 1.300 USD), trong khi số ngày du lịch trung bình giảm 1 ngày, xuống còn trung bình 6 ngày. Những kỳ nghỉ tiết kiệm chi phí tới các điểm đến lân cận ở châu Á đã trở nên phổ biến, trong đó Seoul (Hàn Quốc) là điểm đến du lịch phổ biến nhất.

Nhìn lại Tuần 18: IMF cảnh báo về rủi ro đối với các thị trường mới nổi

Tuy nhiên, số lượng đặt chỗ những chuyến du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ này của người dân Nhật đã tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái do đây là kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng đầu tiên không bị ảnh hưởng những hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19. Người dân có thể được nghỉ tới 10 ngày trong dịp này năm nay (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5) nếu họ chọn nghỉ phép vào 3 ngày không phải ngày lễ.

Theo H.I.S., mặc dù dỡ bỏ những hạn chế đi lại do dịch bệnh song lượng đặt chỗ du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng năm nay vẫn thấp hơn tới 46,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số tin tức thị trường quan trọng trong tuần

Những cái tên cuối cùng trong số các công ty công nghệ giá trị vốn hóa siêu lớn lần lượt công bố báo cáo trong tuần này, bao gồm Amazon vào ngày 30/4 và Apple vào ngày 1/5.

Cổ phiếu Apple đã giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay và nhà sản xuất iPhone dự kiến sẽ ghi nhận thu nhập quý đầu tiên sụt giảm sau khi doanh số bán điện thoại thông minh của hãng tại Trung Quốc giảm 19%. Hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của Amazon cũng là tâm điểm chú ý trong khi các nhà đầu tư theo dõi xem “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến nhận định gì về chi tiêu của người tiêu dùng.

Các báo cáo khả quan từ Microsoft và Alphabet vào ngày 25/4 đã giúp S&P 500 ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2023. Tuy nhiên, một số đối thủ của họ như Tesla và Meta Platforms lại có kết quả không thực sự khả quan.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng hai tháng liên tiếp trong tháng 4 và 3/2024. Điều này mang đến một tín hiệu tích cực cho các nhà chức trách, vốn đang chật vật với nỗ lực vực dậy nền kinh tế khổng lồ khi nhu cầu nội địa yếu và thị trường bất động sản sụt giảm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 50,4. Con số này cao hơn một chút so với mức 50 - ngưỡng ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm. Mặc dù giảm so với tháng 3, nhưng chỉ số PMI tháng 4 đã vượt mức dự báo 50,3 của các nhà phân tích Bloomberg.

Nhìn lại Tuần 18: IMF cảnh báo về rủi ro đối với các thị trường mới nổi

Đầu tháng 3/2024, Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024. Các quan chức nước này cũng đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu hạ tầng và phục hồi hoạt động kinh tế, trong đó có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, một con số mà nhiều nhà kinh tế cho rằng là quá cao mặc dù đây đã là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế này kể từ những năm 1990 và không tính những năm đại dịch.

Ngày 1/5, sau cuộc họp chính sách thường kỳ, FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50% và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất.

Trong tuyên bố chính sách mới nhất, FED vẫn giữ nguyên các yếu tố chính trong đánh giá kinh tế và hướng dẫn chính sách. Mặc dù đánh giá tình hình lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, song các quan chức FED cho rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ phù hợp khi nhận thấy lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%.

Các tuyên bố mới của FED tiếp tục khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn về thời điểm cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất. Lãi suất chính sách của Mỹ đã được giữ ở mức 5,25% - 5,50% kể từ tháng 7/2023. Thời điểm cắt giảm lãi suất ban đầu được dự đoán ngay từ tháng 3/2024, nhưng đã bị đẩy lùi khi số liệu lạm phát gần đây cho thấy tiến trình hướng tới mục tiêu 2% đang bị đình trệ. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 3 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên bản cuộc họp tháng 3/2024 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa công bố cho thấy các nhà hoạch định chính sách của BoJ thận trọng không tiết lộ đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm báo hiệu sự bắt đầu của chu kỳ thắt chặt tiền tệ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng dẫn chính sách phù hợp.

Nhìn lại Tuần 18: IMF cảnh báo về rủi ro đối với các thị trường mới nổi

Tại cuộc họp tháng 3, các quan chức BoJ bày tỏ sự tin tưởng rằng mục tiêu lạm phát 2% có thể đạt được, một số ý kiến chỉ ra nguy cơ lạm phát tăng và nhu cầu ứng phó linh hoạt bằng cách có thể tăng thêm lãi suất.

Bất chấp sự thay đổi lớn về chính sách, BoJ báo hiệu rằng cơ quan này không vội tăng lãi suất thêm nữa do lạm phát cơ bản, loại trừ các yếu tố xảy ra một lần, vẫn ở mức dưới 2%. Lập trường đó, trái ngược hẳn với các ngân hàng trung ương lớn khác, đã làm suy yếu đồng yen so với đồng USD và đồng euro.

Ngày 3/5, Viện quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ đã công bố số liệu khảo sát cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 4 đã ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2022, do hoạt động kinh doanh chững lại và số lượng đơn đặt hàng tăng trưởng chậm hơn.

Chỉ số dịch vụ bất ngờ giảm xuống 49,4% trong tháng 4, xuống dưới mốc 50 điểm phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp, chấm dứt chuỗi 15 tháng tăng trưởng liên tiếp của lĩnh vực này. Trong tháng 3/2024, chỉ số này vẫn là là 51,4%.

Các nhà phân tích thường kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển do ngành dịch vụ chiếm khoảng 66% nền kinh tế Mỹ. Theo ISM, chỉ số hoạt động kinh doanh giảm 6,5 điểm phần trăm, xuống còn 50,9% trong tháng 4, trong khi chỉ số đơn đặt hàng mới giảm 2,2 điểm phần trăm, xuống còn 52,2%. Trong khi đó, chỉ số việc làm cũng giảm lần thứ tư trong 5 tháng qua.

Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

370x700.png