“Mọi người đang bắt đầu cảm thấy sợ hãi”, Andrew Brenner của National Alliance cho biết. “Tình trạng này sẽ không kéo dài lâu, nhưng họ đang bắt đầu sợ về khả năng xảy ra suy thoái. Fed đã quay ngoắt 180 độ sang hướng ‘bồ câu’ rõ rệt. Điều này khiến thị trường mất cảnh giác”.
Không chỉ ở Mỹ, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng rơi vào tình cảnh tương tự, đáng chú ý lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm giảm xuống -0.03%.
Cùng lúc đó, thị trường hợp đồng tương lai cũng sôi động không kém, trong đó các trader cho rằng có ít nhất một đợt hạ lãi suất bớt 25 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 2 đợt hạ lãi suất vào năm 2020. Đây là một sự thay đổi quá lớn so với thời điểm cuối năm 2018 – thời điểm thị trường vẫn còn dự báo Fed sẽ còn nâng lãi suất (tại thời điểm đó, Fed dự báo nâng lãi suất 3 đợt).
Trong ngày thứ Sáu (25/03), thị trường hoảng hồn khi đường cong lợi suất bị đảo ngược – một tín hiệu báo trước về suy thoái đáng tin cậy. Hiện tượng này xảy ra khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn vượt mặt lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Cụ thể hơn, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng (2.44%) vượt mặt lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (2.38%). Được biết, lợi suất trái phiếu dịch chuyển ngược với giá trái phiếu.
Thêm một tín hiệu khác thể hiện sự tức giận, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 2.4%, gần với mức lãi suất chuẩn của Fed. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm ở mức 2.24%, thấp hơn mức đó rất nhiều.
“Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang đảo ngược so với lãi suất chuẩn của Fed hiện tại. Điều này truyền tải kỳ vọng lãi suất sẽ đi xuống trong tương lai – một yếu tố thường đi kèm với rủi ro suy thoái lớn”, Jon Hill, Chiến lược gia trái phiếu Mỹ tại BMO, cho hay. “Một trong những điều lý thú nhất là thị trường cổ phiếu vẫn ‘bình chân như vại’. Fed đang cố gắng kéo dài chu kỳ hiện tại càng lâu càng tốt. Liệu nó sẽ đủ hay không là một câu hỏi khó trả lời”.
Tuy nhiên, Hill cho hay ông tin rằng một số động thái trên thị trường ngày thứ Hai (25/03) nghiêng nhiều hơn về tín hiệu kỹ thuật và bán non (short squeezes) hơn là nỗi lo sợ về suy thoái. Fed đã thay đổi lập trường trong ngày thứ Tư (20/03) khi họ bỗng trở nên “bồ câu” rõ rệt và phát đi tín hiệu không nâng lãi suất trong năm nay.
Charles Evans, Chủ tịch Fed khu vực Chicago, cũng đồng tình với lập trường này trong ngày thứ Hai (25/03) khi cho rằng Fed có thể giữ nguyên chính sách hoặc thậm chí nới lỏng chính sách tiền tệ.
Sau cuộc họp Fed trong ngày thứ Tư (20/03), thị trường cho rằng có ít nhất 1 đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay, theo Hill.
“Đề cập tới khả năng suy thoái, các chuyên gia kinh tế của chúng tôi cảm thấy khá lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ có thể chưa suy thoái, ít nhất là trong năm nay. Thị trường không chỉ tập trung vào các yếu tố cơ bản của Mỹ mà còn nhiều yếu tố khác như những gì đang diễn ra ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”, Mark Cabana, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ tại Bank of America Merrill Lynch, cho hay.
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất không nhất thiết có nghĩa là suy thoái đang đến mà chỉ có khả năng xảy ra thôi. Trong quá khứ, thị trường chứng khoán vẫn có thành quả tốt sau khi xảy ra hiện tượng này.
“Khi bắt đầu xuất hiện tín hiệu suy thoái và xác suất xảy ra suy thoái gia tăng, tôi kỳ vọng các thành phần tham gia thị trường sẽ trở nên cẩn trọng hơn và có khả năng hiện thực hóa lời tiên đoán về suy thoái”, Cabana cho hay.
Theo Vietstock