Vào sáng ngày thứ Năm, công ty công nghệ sinh học Moderna thông báo rằng Tiến sĩ Tal Zaks sẽ từ chức giám đốc y tế vào cuối tháng 9.
Với kinh nghiệm làm việc tại Moderna (MRNA) trong sáu năm, Tiến sĩ Tal Zaks là một trong những nhân vật hàng đầu của công ty này trong quá trình phát triển công nghệ mRNA và phát triển và thương mại hóa vaccine Covid-19 trong 13 tháng qua.
Ông là một người có niềm tin sâu sắc vào công ty chủ quản của mình, ngay cả khi các nhà phê bình đặt dấu hỏi về mức định giá cao ngất ngưởng của Moderna trong thời kỳ tiền Covid. “Về mặt khoa học, không đời nào công nghệ này [mRNA] sẽ chỉ cho ra một loại thuốc hoặc một loại vaccine,” ông Zaks phát biểu vào mùa hè năm 2019, khi Moderna vẫn còn là một cái tên xa lạ chứ chưa hề nổi tiếng như ngày nay. “Nghe vô lý lắm. Nếu công nghệ [mRNA] đó có thể áp dụng để phát triển vaccine thì nó có thể tạo ra nhiều loại vaccine chứ không chỉ một. Đó là điều khiến tất cả chúng tôi, những thành viên tại đây thực sự phấn khích.”
Moderna hiện có giá trị gấp hơn 10 lần so với thời điểm ông Zaks đưa ra những lời nhận xét đó. Số tiền mà vị chuyên gia này thu được khi bán cổ phiếu Moderna đều đặn theo lệnh hẹn giờ đã thu hút sự chú ý của giới báo chí vào cuối năm 2020. Vào ngày thứ Năm, CEO Stéphane Bancel đã cảm ơn Tiến sĩ Tal Zaks rằng: “Công sức đóng góp của ông Tal đã vượt ra ngoài Moderna và lan ra toàn xã hội”.
Khi được hỏi lý do rời đi và dự định tương của Tiến sĩ Tal Zaks, Moderna cho biết họ không còn gì để bổ sung ngoài tuyên bố đã nêu.
Tin tức về sự ra đi của vị chuyên gia này được ghi nhận giữa lúc rộ lên nhiều tin mới từ Moderna. Chẳng hạn, vào cuối ngày thứ Năm hãng dược này thông báo rằng họ đã có đủ liều để sẵn sàng để thử nghiệm vaccine phiên bản mới vốn được thiết kế để chống lại biến thể Nam Phi.
“Tôi xem đây như là một chính sách bảo hiểm,” ông Zaks phát biểu vào hôm thứ Tư. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, có lẽ chúng tôi cần nó.”
Và vào sáng thứ Năm, Moderna báo cáo đạt doanh thu là 570,7 triệu USD trong quý 3 năm 2020, bao gồm cả doanh số bán sản phẩm là 199,9 triệu USD, vượt trội hơn kỳ vọng của Phố Wall. Theo FactSet, các nhà phân tích trước đó dự báo doanh thu là 279,4 triệu USD. Moderna báo lỗ trên mỗi cổ phiếu là 0,69 USD trong quý 3, tệ hơn so với mức 0,34 USD mỗi cổ phiếu theo ước tính thống nhất của FactSet.
Moderna cũng cho biết hiện họ dự định sản xuất ít nhất 700 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay, cao hơn so với ước tính trước đó là 600 triệu liều. Ngoài ra, hãng dược này còn dự kiến có thể sản xuất tới 1,4 tỷ liều vào năm 2022.
Giới đầu tư có phản ứng tốt với lượng tin tức dồn dập này, giúp cổ phiếu MRNA tăng 3,1% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa. Cổ phiếu này đã tăng 32,8% từ đầu năm đến nay và 408,85% trong 12 tháng qua.
“Tôi tin rằng năm 2021 sẽ là một năm bước ngoặt đối với Moderna,” ông Bancel cho biết trong đợt báo cáo tài chính hàng quý. “Trước đây chúng tôi tin rằng công nghệ mRNA sẽ giúp giành được giấy phép sử dụng dược phẩm và chúng tôi bị giới hạn trong tham vọng của mình bởi nhu cầu huy động vốn thường xuyên và phải giữ đủ tiền mặt cho vài năm để quản lý rủi ro tài chính. Giờ đây, chúng tôi biết rằng vaccine mRNA có thể đạt hiệu quả cao và được cấp phép sử dụng, và công ty của chúng tôi có thể tạo ra được dòng tiền”.
Ông Bancel cho biết Moderna đã thành lập các công ty con tại 8 quốc gia vào năm 2020 và sẽ mở thêm 3 công ty nữa vào năm 2021.
Ông nói: “Chúng tôi dự định đẩy nhanh và nâng cao đáng kể các khoản đầu tư vào mảng khoa học và phát triển các loại dược phẩm ứng cử viên của mình nhanh hơn.”
Moderna báo cáo đạt tổng doanh thu là 803 triệu USD trong năm 2020, tăng từ 60 triệu USD vào năm 2019. Chi phí nghiên cứu và phát triển là 1,37 tỷ USD trong năm 2020. Công ty này báo lỗ ròng 272 triệu USD trong quý 4 năm 2020 và 747 triệu USD trong toàn năm 2020.
Đăng Khoa - Theo Barrons