logo
Top-trang-Danh-sach-san-desktop-840x154-px.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 02/08/2024

FED liệu có thực hiện được mục tiêu “hạ cánh mềm”?

Khi viễn cảnh FED cắt giảm lãi suất đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, các nhà đầu tư giờ đây phải đối mặt với một bài toán nan giải: xác định xem liệu ngân hàng trung ương có thể nới lỏng tốc độ phù hợp để đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” mà họ đã đặt ra hay không.

Đúng như dự đoán của thị trường, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 7. Tuy nhiên, phát biểu tại họp báo sau cuộc họp ngày 31 tháng 7, chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, các quan chức của ngân hàng trung ương ngày càng trở nên tự tin về khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 9, nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy FED đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, tín hiệu này vẫn chưa đủ rõ ràng. Một số chuyên gia phân tích gần đây đã đặt câu hỏi: liệu FED có đang giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian quá dài hay không. Bởi nếu câu trả lời là có, nó có thể làm giảm cơ hội “hạ cánh mềm” của nền kinh tế.

Trong khi đó, một số người khác lại có ý kiến trái ngược. Theo quan điểm của họ, việc nới lỏng chính sách tiền tệ khi nền kinh tế tương đối mạnh có thể khiến lạm phát quay trở lại. Điều này sẽ hạn chế mức độ cắt giảm lãi suất cuối cùng của FED.

“Có lý do để cho rằng kịch bản hạ cánh mềm vẫn còn khả thi, nhưng vẫn sẽ có rủi ro theo cả hai chiều,” giám đốc bộ phận trái phiếu và giao dịch George Catrambone tại DWS cho biết. “Kịch bản hạ cánh mềm sẽ không thành hiện thực nếu phải chờ đợi quá lâu.”

Dữ liệu hợp đồng lãi suất tương lai tại thời điểm cuối ngày 31 tháng 7 cho thấy, các nhà đầu tư định giá 87% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm, vốn biến động ngược chiều với lạm phát và phản ánh kỳ vọng về lãi suất, đã giảm khoảng 8 điểm phần trăm xuống 4,278%, mức thấp nhất trong gần sáu tháng. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm gần 4 điểm phần trăm xuống 4,1%.

FED liệu có thực hiện được mục tiêu “hạ cánh mềm”?

Quá muộn?

Hầu hết các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm cả dữ liệu việc làm, đều cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn kiên cường, bất chấp việc lãi suất đang duy trì ở mức nhất trong hơn hai thập kỷ suốt cả năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, buộc các nhà hoạch định chính sách gần đây phải tập trung nhiều hơn tới việc hạn chế đà tăng này.

“Chúng ta đang thấy sự suy yếu ở các dữ liệu đơn lẻ,” Peter Baden, giám đốc đầu tư tại Genoa Asset Management cho biết. “Câu hỏi đặt ra lúc này là: liệu sự suy yếu ở các dữ liệu đơn lẻ có trở thành sự suy yếu toàn diện hay không.”

Các nhà đầu tư sẽ có được bức tranh kinh tế tổng thể vào thứ Sáu, ngày 2/8, khi báo cáo dữ liệu việc làm được công bố. Cuối tháng này, hội nghị chuyên đề Jackson Hole của FED sẽ mang đến cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội để điều chỉnh các quyết định của họ.

Nếu các dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư có chung nỗi lo về nguy cơ xảy ra suy thoái.

“Các tác động sẽ có độ trễ, bởi khi FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng, một số yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế có thể mới bắt đầu xuất hiện,” Jack McIntyre, giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management cho biết. “Ngay cả khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, thì cũng không đủ để thay đổi tiến trình của nền kinh tế vào năm 2025”.

Thật vậy, một số người tin rằng kinh tế Mỹ đã bắt đầu duy yếu. Cựu thống FED New York Bill Dudley gần đây đã kêu gọi cần cắt giảm lãi suất ngay lập tức. Ông đã trích dẫn quy tắc Sahm, trong đó nói rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng báo hiệu suy thoái sắp xảy ra.

FED liệu có thực hiện được mục tiêu “hạ cánh mềm”?

Chu kỳ cắt giảm không đủ mạnh?

Theo giám đốc điều hành bộ phận chiến lược tín dụng Hans Mikkelsen tại TD Securities, nhiều người đang lo ngại rằng, việc cắt giảm lãi suất xuống các mức thấp hơn có thể khiến lạm phát quay trở lại, điều từng khiến thị trường lo ngại vào đầu năm nay. Trong trường hợp này, FED khó có thể cắt giảm lãi suất tới 75 điểm cơ bản trong năm 2024 nhưng những gì thị trường đang kỳ vọng.

“Ông Powell nhấn mạnh rằng dữ liệu lạm phát của năm ngoái cũng cho thấy sự tích cực, nhưng rồi lạm phát đã quay trở lại,” Hans Mikkelsen cho biết.

Trong khi đó, chiến lược gia Jack Janasiewicz tại Natixis Investment Managers cho biết, một chu kỳ cắt giảm lãi suất không đủ mạnh ​​có thể cản trở sự dịch chuyển của dòng vốn vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng như các tài sản được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất, vốn đang diễn ra từ đầu tháng 7 tới nay.

Hơn nữa, mức tăng ấn tượng của thị trường chứng khoản Mỹ trong năm nay có thể đang phản ánh một thực tế là các nhà đầu tư đã định giá việc nới lỏng chính sách của FED. Do đó, tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu trong tương lai sẽ bị hạn chế.

Theo dữ liệu của CFRA, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 16,1% giữa lần tăng lãi suất cuối cùng của chu kỳ trước và lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của chu kỳ mới. Và chỉ số này chỉ tăng 4,8% trong 12 tháng sau khi cắt giảm lãi suất. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 16%.

Đỗ Hiền-Theo reuters

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

370x700.png