Dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến đã đủ để khiến các cổ phiếu công nghệ đang bị vùi dập tăng vọt – ngay cả những cổ phiếu kinh doanh PC vốn đang trải qua thời kỳ suy yếu tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây.
Cổ phiếu của các ông lớn công nghệ Apple (AAPL), Microsoft (MSFT) và Intel (INTC) đều tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm thứ Năm, lần lượt đóng cửa với các mức tăng 8,90%, 8,23% và 8,14%.
Đó là những động thái bất thường đối với các công ty có quy mô lớn cỡ này. Nhưng thứ Năm đã không phải là một ngày bình thường. Về cơ bản, sau một năm với quá nhiều bất ngờ tiêu cực từ Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng, ngoại trừ một số ngoại lệ, chỉ số CPI công bố hôm thứ Năm đã thấp hơn dự kiến, làm dấy lên hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ tạm dừng các đợt tăng lãi suất tích cực.
Ba ông lớn công nghệ này đều ít nhiều có tiếp xúc với lĩnh vực PC, vốn là một trong những lĩnh vực công nghệ đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ môi trường kinh tế vĩ mô. Trong khi chi tiêu của các doanh nghiệp cho đám mây và máy chủ vẫn tiếp tục được duy trì, triển vọng về việc lãi suất tăng nhiều hơn hoặc khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế đã dẫn đến lo ngại rằng một tin tức tiêu cực khác sẽ xuất hiện. Vì vậy, báo cáo hôm thứ Năm là đặc biệt tích cực. Lạm phát càng giảm sớm thì Fed càng có thể sớm ngừng tăng lãi suất và tăng khả năng tránh được một cuộc suy thoái.
Apple và Microsoft là hai ông lớn đứng đằng sau hai hệ điều hành chính cho hầu như tất cả PC đang hoạt động trên thế giới, còn mảng kinh doanh lớn nhất của Intel là bộ vi xử lý PC. Do đó, cả ba cổ phiếu này đã bị bán tháo mạnh trong năm nay bất chấp cả quy mô và con hào kinh tế của các công ty, mức độ cạnh tranh tương đối hạn chế họ phải đối mặt.
Đáng chú ý, công ty nghiên cứu công nghệ Gartner dự đoán số lượng lô hàng PC trong Q3 đã giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái – mức giảm lớn nhất kể từ khi họ bắt đầu theo dõi các lô hàng PC vào những năm 1990.
Vậy tại sao chỉ số CPI hôm thứ Năm lại quan trọng đến như vậy trong mối quan hệ với doanh số PC? Việc tăng lãi suất nhanh chóng có xu hướng ảnh hưởng nặng nề nhất đến các mặt hàng nhạy cảm với lãi suất, thường là các mặt hàng có giá trị lớn như nhà ở, ô tô, thiết bị điện tử gia dụng và các khoản đầu tư cố định cho doanh nghiệp, bao gồm trung tâm dữ liệu và máy tính doanh nghiệp.
Thêm vào đó, thực tế rất nhiều người tiêu dùng đã mua máy tính mới trong khung thời gian 2020-2021, và do đó có thể đang trì hoãn việc mua máy tính mới. Vì vậy, việc lãi suất thay đổi nhanh chóng có thể ảnh hưởng rất lớn đến doanh số máy tính cá nhân. Chỉ khi tạm dừng tăng lãi suất có thể mang lại cho các mặt hàng giá trị lớn một cú hích để thoát khỏi tình hình suy thoái nghiêm trọng hiện tại.
Apple đã chống chọi tốt hơn nhiều so với các công ty khác, “chỉ” giảm 23,6% trên thị trường chứng khoán trong năm nay, trái ngược với mức giảm 32,8% của Microsoft và 44,5% của Intel.
Hiệu suất từ đầu năm đến nay của cổ phiếu Apple, Microsoft và Intel. Dữ liệu theo Ycharts
Điều bất ngờ nhất là Apple đã làm tốt hơn Microsoft, xét đến suy nghĩ thông thường là chi tiêu cho thiết bị điện tử của người tiêu dùng nhìn chung phải yếu hơn so với chi tiêu của doanh nghiệp. Mảng Điện toán cá nhân hơn của Microsoft, hướng đến PC, trò chơi điện tử và quảng cáo kỹ thuật số Bing hướng tới người tiêu dùng, chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong hoạt động kinh doanh của ông lớn phần mềm. Ngược lại, Apple chủ yếu là một công ty hướng tới người tiêu dùng. Vì vậy, thật kỳ lạ khi Apple có hiệu suất tốt hơn Microsoft trong năm nay. Hiệu suất vượt trội này đã cho thấy thương hiệu của Apple mạnh đến mức nào và iPhone là một mặt hàng thiết yếu đến đâu.
Intel đã thực sự chịu cú sốc mạnh từ sự suy yếu của thị trường PC trong năm nay, bởi đây cũng chính là cỗ máy in tiền của công ty. CEO mới của Intel, Pat Gelsinger, có kế hoạch đầy tham vọng bắt kịp xưởng đúc chip bên thứ ba lớn nhất thế giới TSMC về mặt kỹ thuật bằng cách đạt được năm lần chuyển đổi nút quy trình trong bốn năm, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái xưởng đúc khổng lồ để phục vụ các nhà thiết kế chip bên thứ ba.
Đây là việc cực kỳ khó thực hiện và rất tốn kém. Đó là lý do tại sao doanh số PC sụt giảm mạnh có hại cho Intel trong năm nay; chính đợt sụt giảm này đã tước đi lượng tiền mặt cần thiết để công ty thực hiện các kế hoạch đầu tư của mình. Cũng chính vì thế, cổ phiếu Intel đã giảm xuống mức P/E chỉ còn một con số trong năm nay.
Với sụt giảm các cổ phiếu này đang phải chịu đựng và xét đến việc thị trường là một cơ chế nhìn vào tương lai, không có gì ngạc nhiên khi ba cổ phiếu này tăng cao hơn trước viễn cảnh lạm phát hạ nhiệt.
Với cơ chế tác động chậm trễ của các chính sách kinh tế của Fed, nhà đầu tư nên biết rằng mặc dù lạm phát đang giảm tốc, đó là bởi vì nền kinh tế cũng đang giảm tốc. Trong những tháng tới, Fed sẽ cố gắng giữ lãi suất đủ cao để hạ nhiệt lạm phát nhiều hơn nữa mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Bất chấp tăng trưởng hôm thứ Năm, tình huống hiện tại vẫn đang rất phức tạp.
Suy thoái kinh tế sẽ là tin xấu đối với mọi cổ phiếu. Nhưng trong ba cổ phiếu này, Intel là cái tên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì công ty đang hoạt động trong mảng kinh doanh phần cứng thâm dụng nhiều vốn.
Mặt khác, báo cáo CPI đầy hứa hẹn hôm thứ Năm có thể cho phép Fed giảm tốc độ hoặc thậm chí ngừng tăng lãi suất. Đó sẽ là một điều tốt cho tất cả cổ phiếu nhạy cảm với tình hình kinh tế, miễn là nền kinh tế không bị suy thoái quá tồi tệ.
Như thường lệ, Apple và Microsoft vẫn có vẻ là những cổ phiếu cốt lõi vững chắc để nắm giữ trong dài hạn, ngay cả với sụt giảm trong năm nay. Với Intel, quyết định đầu tư thực sự phụ thuộc vào niềm tin của bạn vào tầm nhìn và khả năng thực thi của CEO Pat Gelsinger. Nếu quá trình cải tổ mang lại kết quả, Intel sẽ có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong ba cái tên này. Tuy nhiên, nếu tất cả những khoản chi tiêu đó không mang lại lợi nhuận vững chắc, hoặc Intel không bắt kịp TSMC về mặt công nghệ, thì đó có thể là một vấn đề ngay cả khi cổ phiếu Intel đang có vẻ rẻ vào lúc này.
Huân Hà - theo fool