logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 30/04/2021

BCTC Của Tesla (TSLA) Hé Lộ Một Số Rủi Ro Mới

Báo cáo thu nhập của Tesla (TSLA) đã để lại cho các nhà đầu tư và chuyên gia tài chính nhiều điều để ngẫm nghĩ. 

BCTC Của Tesla (TSLA) Hé Lộ Một Số Rủi Ro Mới BCTC Của Tesla (TSLA) Hé Lộ Một Số Rủi Ro Mới

Công ty tiên phong trong lĩnh vực ô tô điện Tesla (TSLA) đã trình mẫu khai báo 10-Q lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) vào thứ ba, ngày 27 tháng 4. Báo cáo này có nhiều thông tin để ngẫm nghĩ hơn so với báo cáo thu nhập công ty công bố một ngày trước đó với các chi tiết về Bitcoin, dịch vụ bảo hành và rủi ro kinh doanh.

Rủi ro kinh doanh của Tesla (TSLA)

Tesla đã thêm một dòng mới vào tuyên bố rủi ro liên quan đến các sản phẩm và tính năng của mình. “[C]húng tôi đang phát triển các công nghệ hỗ trợ người lái và tự hành dựa vào các cảm biến hình ảnh thị giác, không đòi hỏi thêm các cảm biến dự phòng khác như các công nghệ khác đang được phát triển. Không có gì đảm bảo những thay đổi bổ sung trong các thiết bị cụ thể mà chúng tôi triển khai trên xe của mình trong tương lai sẽ không dẫn đến các sai biệt về chức năng so với các thiết kế ban đầu hoặc sẽ hoạt động như mong đợi trong khung thời gian mà chúng tôi dự đoán, hoặc sẽ hoàn toàn không hoạt động.”

Tất cả các công ty đều liệt kê nhiều rủi ro. Nhưng dòng văn bản công ty mới thêm vào về tính năng tự hành hoàn toàn, hay còn gọi là FSD, mới là điều đáng chú ý. Giá trị cổ phiếu Tesla (TSLA) liên quan rất nhiều đến tính năng xe tự hành. Ví dụ, chuyên gia Adam Jonas của Morgan Stanley đánh giá hoạt động kinh doanh “vận tải” và “dịch vụ mạng” của Tesla đóng góp khoảng 330 USD cho mỗi cổ phiếu của công ty.

Dịch vụ đăng ký trả phí định kỳ

Đối với chuyên gia này, hai danh mục được kể đến bao gồm các sản phẩm như robotaxi cũng như việc bán phần mềm xe tự hành. Các giải pháp xe tự hành tinh vi nhất của Tesla, FSD, được bán dưới dạng các bản nâng cấp phần mềm. Tesla cũng có kế hoạch thử nghiệm dịch vụ đăng ký trả phí định kỳ đối với FSD.

Tất nhiên, Tesla (TSLA) có thể đã bổ sung tuyên bố này vì các tính năng FSD tốt hơn đang được thử nghiệm và tung ra thị trường. CEO Elon Musk nói rằng công nghệ đang được phát triển. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một bước thụt lùi của công ty do công nghệ không phát triển đủ nhanh và công ty phải tìm cách né tránh các quy định pháp lý. Tesla đã không trả lời yêu cầu bình luận về lý do bổ sung dòng văn bản này trong tuyên bố rủi ro.

Vấn đề bảo hành sản phẩm

Tất cả các công ty sản xuất ô tô đều công nhận và chi trả cho các yêu cầu bảo hành khi bán một chiếc ô tô. Tuy nhiên, tiền mặt sẽ chỉ rời khỏi tài khoản của công ty một khoảng thời gian nào đó sau khi các yêu cầu được đưa ra. Sự không nhất quán giữa chi phí bảo hành trong báo cáo thu nhập và dòng tiền của Tesla là một trong những điều gây tranh cãi giữa hai phe lạc quan và bi quan đối với công ty xe điện.

Tesla (TSLA) đã ghi nhận khoản chi phí bảo hành 183 triệu USD, tương đương khoảng 2.1% doanh thu từ việc bán ô tô trong Q1/2021. Năm ngoái, khoản chi phí này chiếm khoảng 2.4% doanh thu từ việc bán ô tô. Nếu Tesla (TSLA) duy trì chi phí bảo hành ở cùng một tỷ lệ so với doanh thu, chi phí bảo hành năm 2021 sẽ cao hơn khoảng 30 triệu USD so với năm 2020.

Đây không phải là vấn đề lớn. Số tiền mặt công ty chi cho bảo hành đang thấp hơn mức chi phí mà nhà đầu tư mong đợi tìm thấy ở một công ty đang phát triển, đặc biệt là khi Tesla (TSLA) có rất nhiều xe mới được đưa vào sử dụng.

Rắc rối về thu chi của công ty

Điều rắc rối là chúng ta không thể cộng và trừ các khoản chi phí khác nhau để tính con số thu nhập thực của công ty. Những ai bi quan về cổ phiếu có thể sẽ cộng thêm chi phí bảo hành để điều chỉnh lợi nhuận giảm xuống. Nhưng những ai lạc quan về cổ phiếu cũng có thể trừ đi chi phí R&D để tăng thêm lợi nhuận.

Chi tiêu cho R&D của Tesla đã tăng hơn 300 triệu USD mỗi năm và tỷ lệ phần trăm của chi phí R&D trên doanh thu cũng đã tăng lên. Đó là một bước nhảy vọt bất ngờ trong chi tiêu để phát triển. Tuy nhiên, sự mập mờ này là một rủi ro các nhà đầu tư phải tính đến khi phân tích chỉ số hoạt động cơ bản của công ty xe điện tiên phòng này.

Tesla (TSLA) với khoản đầu tư Bitcoin

Khoản đầu tư Bitcoin của Tesla hiện có giá trị 2.5 tỷ USD. Ban đầu,  công ty đã mua 1.5 tỷ USD Bitcoin và sau đó đã bán một phần vị thế của mình với giá trị khoảng 250 triệu USD để thu về 101 triệu USD trong quý vừa rồi.

Tuy nhiên, lợi nhuận ghi nhận được từ việc vị thế đầu tư có giá trị cao hơn đã không được công bố trong báo cáo thu nhập. Khi một công ty sở hữu một số tài sản tài chính nhất định như cổ phiếu, công ty đó phải ghi nhận trong mỗi quý lãi và lỗ của vị thế đầu tư. Nhưng vẫn chưa có quy định này đối với các loại tiền điện tử. Báo cáo 10-Q của Tesla (TSLA) lưu ý rằng “tài sản kỹ thuật số được xem là tài sản vô hình tồn tại vô thời hạn theo các quy tắc kế toán hiện hành….

Nếu giá trị hợp lý của chúng giảm xuống dưới giá trị sổ sách vào bất kỳ thời điểm nào sau khi mua lại, chúng tôi sẽ phải ghi nhận các khoản phí tổn thất. Tuy nhiên, chúng tôi có thể không ghi nhận bất kỳ sửa đổi nào nếu giá trị của tài sản tăng cho đến khi chúng tôi bán các tài sản này."

Tóm lại

Như mô tả ở trên, khoản đầu tư vào Bitcoin có thể dẫn đến thua lỗ ngay lập tức nhưng lãi có thể sẽ không được ghi nhận cho đến khi vị thế được bán. Quy trình kế toán cho Bitcoin là một rủi ro khác các nhà đầu tư cần phải chuẩn bị đối mặt trong tương lai.

Huân Hà - theo barrons

>> Xem thêm: Lý Do Phố Wall Tin Rằng Tesla (TSLA) Sẽ Lao Dốc

 
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

TheBrokers.vn_Banner_363×680.png