logo
Top-trang-Danh-sach-san-desktop-840x154-px.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 01/09/2021

Apple & Google: Thế Thống Trị Thanh Toán Ứng Dụng Bị Lung Lay

[Investo.info] - Theo một điều luật tại Hàn Quốc, Apple và Google sẽ bị buộc phải cho phép mở thêm các hệ thống thanh toán khác trên cửa hàng ứng dụng (app store) của họ, qua đó tạo áp lực thách thức thế thống trị của hai gã khổng lồ công nghệ này trong mảng mua bán ứng dụng và tạo nên rủi ro ảnh hướng đến nguồn thu phí hoa hồng béo bở.

Quốc hội Hàn thông qua dự luật kìm hãm Apple và Google

Trên bản tin chứng khoán hôm nay của tờ Wall Street Journal, Quốc hội Hàn Quốc vào hôm thứ Ba đã thông qua dự luật đầu tiên trên thế giới nhằm ngăn chặn quyền kiểm soát “tối thượng” của hai tập đoàn Apple và Google đối với quá trình treo bán các ứng dụng lưu trữ trên nền tảng bán sản phẩm kỹ thuật số của hai hãng này. Dự luật này sẽ trở thành luật chính thức khi được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đặt bút phê duyệt. Đảng Dân chủ Đồng hành của vị lãnh đạo này vốn luôn đặt tiêu chí thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Apple (AAPL) giảm 0,84% xuống còn 151,83 USD trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, trong khi cổ phiếu loại A của Alphabet, tập đoàn mẹ của Google (GOOGL) gần như đi ngang khi chốt phiên ở mức 2.893,95 USD.

Điều luật này sẽ góp phần cải tiến Đạo luật Kinh doanh Viễn thông của Hàn Quốc nhằm ngăn ngừa các đại tập đoàn chuyên vận hành chợ ứng dụng như Apple hay Google trong việc ép buộc người dùng phải sử dụng hệ thống mua hàng tích hợp trong ứng dụng của họ. Giới chức Hàn Quốc cũng sẽ áp đặt các điều khoản nhằm ngăn chặn động thái trả đũa các nhà sản xuất ứng dụng, chẳng hạn như trì hoãn tiến trình phê duyệt ứng dụng hoặc xóa ứng dụng. Nếu có công ty nào không tuân thủ theo luật pháp thì sẽ bị phạt tới 3% doanh thu tại Hàn Quốc.

Bối cảnh bị kìm hãm sự phát triển chung của Big Tech

Động thái này của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý trên toàn thế giới gia tăng áp lực lên Big Tech, và cụ thể là lên vị thế thống trị của Apple trên App Store và Google trên Play store.

Tại Mỹ, giới chức nước này cũng đã áp đặt các biện pháp tương tự trong tháng 8. Có ba vị thượng nghị sĩ đã đệ trình một dự luật buộc Apple và Google phải cho phép người dùng cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh và cho phép các nhà phát triển được tùy chọn hệ thống thanh toán mà họ thích. Đạo luật Thị trường về Ứng dụng Mở cũng sẽ ngăn cản các tập đoàn sở hữu cửa hàng ứng dụng đặt lợi thế ưu tiên phần mềm của chính họ trong các kết quả tìm kiếm.

Nhà phân tích Paul Gallant của Cowen trước đó đã nhận định rằng dự luật này có 60% khả năng được thông qua, cao hơn những dự luật khác vốn cũng nhắm đến mục đích ép các công ty công nghệ lớn phải thay đổi. Dự luật này có nhiều khả năng thành công hơn vì đây là dự luật đệ trình từ lưỡng đảng và sẽ không bị các tập đoàn như Facebook (FB) hoặc Amazon (AMZN) ra sức phản đối.

Hướng đi riêng của chính quyền Hoa Kỳ

Không giống với Quốc hội Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã đi theo hướng riêng để kiềm chế các doanh nghiệp lớn, bao gồm cả các công ty công nghệ lớn. Kế hoạch của họ tập trung vào việc yêu cầu các cơ quan liên bang như Ủy ban Thương mại Liên bang phải tích cực thực thi các biện pháp chống độc quyền và tạo lập các quy định tốt hơn để xử lý những vấn đề như thu thập và giám sát dữ liệu. Các quan chức quản lý cho biết những nỗ lực này là nhằm đưa khối ngành công nghệ trở thành một ngành công nghiệp mạnh mẽ hơn.

Cũng tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, cả Apple và Google đều là đối tượng chính trong các vụ kiện đình đám do Epic Games - nhà phát triển trò chơi điện tử Fortnite, đâm đơn kiện về vụ “cấm cửa” ứng dụng của họ trên cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động vì phát sinh vấn đề liên quan đến quy trình thanh toán.

Vụ kiện liên quan đến Epic Games

Cả Google và Apple đều xóa Fortnite khỏi các nền tảng của mình, từ đó làm dấy lên các vụ kiện. Táo khuyết và Google đều kiếm được nguồn doanh thu béo bở từ việc thu phí hoa hồng lên đến 30% đối với các khoản giao dịch mà người dùng mua hàng trên cửa hàng ứng dụng và thanh toán ngay trong ứng dụng. Thế thống trị đó đã giúp các nền tảng công nghệ này gặt hái lợi nhuận cực lớn.

Ứng dụng Play Store của Google nằm trong phân khúc “các dịch vụ khác” của tập đoàn này, được kỳ vọng sẽ mang về doanh thu 27,4 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, App Store của Apple được xếp vào phân khúc dịch vụ, dự kiến sẽ mang lại doanh thu 67,8 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán quốc tế, Apple và Google cũng đang bị các cơ quan quản lý ở Anh cũng như Liên minh châu Âu soi mói rất gắt gao đối với vị thế thống trị của họ trong mảng thanh toán.

Động thái từ Google

Bản thân các doanh nghiệp này dường như cũng không hài lòng với những thay đổi về luật ở Hàn Quốc. Hai công ty hàng đầu đã cố gắng thuyết phục các quan chức tại Mỹ rằng điều luật đó sẽ vi phạm thỏa thuận thương mại. Theo tin chứng khoán từ tờ New York Times.

“Google Play cung cấp nhiều giá trị hơn cả việc xử lý thanh toán và phí dịch vụ mà chúng tôi thu từ khách hàng. Điều này giúp giữ cho nền tảng Android được miễn phí. Và qua đó cung cấp cho các nhà phát triển đầy đủ công cụ và nền tảng toàn cầu để tiếp cận hàng tỷ người tiêu dùng trên khắp thế giới.” - Người phát ngôn của Google cho biết. “Mô hình kinh doanh đầu tư an toàn như vậy sẽ giúp hạ thấp giá thiết bị cho người tiêu dùng. Và cho phép cả các nền tảng cũng như các nhà phát triển gặt hái được thành công về mặt tài chính”.

“Chúng tôi sẽ tìm cách để tuân thủ theo điều luật này trong khi vẫn duy trì một mô hình kinh doanh sao cho đủ sức đảm bảo chất lượng cao cho hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng. Đồng thời chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin nhiều hơn trong tuần tới.”  - Người phát ngôn của Google cho biết thêm.

Phát ngôn của người đại diện Apple

Trong khi đó, theo người phát ngôn của Apple, “Đạo luật Kinh doanh Viễn thông của Hàn Quốc sẽ khiến những người dùng mua sản phẩm kỹ thuật số từ các nguồn khác có nguy cơ bị lừa đảo, từ đó phá vỡ các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của họ, gây khó khăn trong việc quản lý quá trình mua hàng và các tính năng như “Ask to Buy” (“Hỏi mua”) và “Parental Controls” (“Quyền kiểm soát từ phụ huynh”) cũng sẽ trở nên kém hiệu quả hơn”.

“Chúng tôi tin rằng lòng tin của người dùng đối với việc mua hàng trên App Store sẽ suy giảm vì điều luật này, từ đó khiến 482.000 nhà phát triển đã đăng ký ở Hàn Quốc có ít cơ hội hơn, trong khi từ trước đến nay họ đã kiếm được hơn 8,55 nghìn tỷ KRW (tương đương 7,4 tỷ USD) thông qua Apple.” - Đại diện Táo khuyết bổ sung thêm.

Đăng Khoa - theo Barron's

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

370x700.png