logo
Top-trang-Danh-sach-san-desktop-840x154-px.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 31/05/2024

Áp lực lạm phát vẫn đang là bài toán khó với FED

Hy vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay đang dần phai nhạt. Hàng loạt bình luận của các quan chức FED gần đây đều nhấn mạnh ý định sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát.

Áp lực lạm phát vẫn đang là bài toán khó với FED

Lý do chính khiến FED chần chừ cắt giảm lãi suất là áp lực lạm phát hiện tại phần lớn bị chi phối bởi các yếu tố kéo dài từ đại dịch, từ chi phí thuê nhà, bảo hiểm ô tô đến chi phí y tế. Mặc dù các quan chức FED cho biết cơ quan này kỳ vọng lạm phát của các lĩnh vực đó cuối cùng sẽ hạ nhiệt, nhưng đồng thời, họ cũng ra tín hiệu rằng sẽ sẵn sàng chờ đợi cho đến khi cần thiết.

Tuy nhiên, việc các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng giữ lãi suất chủ chốt ở mức cao nhất trong hai thập kỷ - do đó khiến chi phí thế chấp, cho vay mua ô tô và các hình thức vay tiêu dùng khác ở mức cao - cũng ẩn chứa những rủi ro riêng.

Nhiệm vụ của FED là đạt được sự cân bằng giữa việc giữ lãi suất đủ cao để kiểm soát lạm phát nhưng không quá cao đến mức ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Trong khi hầu hết các thước đo cho thấy tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm vẫn tương đối lành mạnh thì một số chỉ số của nền kinh tế bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu suy yếu. FED giữ lãi suất cơ bản ở mức cao càng lâu thì nguy cơ xảy ra suy thoái càng lớn.

Bài toán lạm phát

Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất chuẩn thêm 5 điểm phần trăm từ tháng 3 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023 - mức tăng nhanh nhất trong bốn thập kỷ - để cố gắng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Theo thước đo ưa thích của FED là dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), lạm phát đã giảm từ 7,1% vào tháng 6 năm 2022 xuống còn 2,7% vào tháng 3 năm 2024.

Tuy nhiên, một thước đo lạm phát khác là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy lạm phát đã tăng trở lại trong ba tháng đầu năm 2024, phá vỡ đà giảm ổn định của năm ngoái.

Thị trường hiện đang chờ đợi dữ liệu PCE tháng 4 của Mỹ, theo kế hoạch sẽ được công bố vào ngày 31/5 (giờ địa phương). Các chuyên gia phân tích kỳ vọng lạm phát tháng 4 sẽ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu CPI được công bố vào giữa tháng 5 vừa qua cho thấy tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ đã giảm nhẹ trong tháng Tư. Nhưng với việc lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu của FED, các nhà giao dịch Phố Wall hiện dự đoán FED sẽ chỉ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, và dự kiến nó sẽ diễn ra vào tháng 11. Nhưng triển vọng này cũng đang ngày càng trở nên không chắc chắn, khi các nhà đầu tư đã hạ thấp xác suất cắt giảm lãi suất trong tháng 11 từ mức 77% của tuần trước xuống còn 63% trong tuần này.

Áp lực lạm phát vẫn đang là bài toán khó với FED

Tuần trước, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs đã đẩy lùi thời điểm FED tiến hành cắt giảm lãi suất sang tháng 9, thay vì vào tháng 7 như dự báo trước đó, đồng thời dự đoán sẽ chỉ có 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Oxford Economics đã đưa ra nhận định tương tự vào tháng trước. Trong khi đó, Bank of America dự đoán FED sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay, vào tháng 12.

“Chúng tôi sẽ cần thu thập thêm dữ liệu trong những tháng tới để có bức tranh rõ ràng hơn về triển vọng lạm phát,” Loretta Mester, chủ tịch FED Cleveland, cho biết hồi đầu tháng 5. “Hiện tại, tôi tin là chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu 2% so với những gì tôi nghĩ trước đây.”

Một số dữ liệu vĩ mô khác dường như cho thấy kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu. Theo FED New York, ngày càng nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, bị trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng. Tỷ lệ nợ quá hạn thẻ tín dụng từ 90 ngày trở lên đã lên tới 10,7% trong quý 1 năm 2024, mức cao nhất trong 14 năm.

Hoạt động tuyển dụng cũng đang chậm lại, khi số lượng đăng tuyển việc làm mới của các doanh nghiệp đang giảm xuống.

Và nhiều công ty khác, bao gồm Target, McDonalds và Burger King, đang tập trung vào việc giảm giá hoặc tung ra các chương trình khuyến mại để cố gắng thu hút người tiêu dùng hiện đang gặp khó khăn về tài chính.

“Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang mất dần động lực và nhu cầu tuyển dụng đang giảm dần,” Julia Coronado, cựu chuyên gia kinh tế của FED và là chủ tịch của MacroPolicy Perspectives, cho biết. “Nền kinh tế có thể sẽ bước vào giai đoạn suy thoái nhẹ.”

Nhưng Coronado và các chuyên gia kinh tế khác cũng coi những diễn biến gần đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế chỉ đơn giản là đang trong giai đoạn ổn định trở lại sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Các công ty vẫn đang tuyển dụng, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với đầu năm. Và dữ liệu cho thấy số lượng người Mỹ đi du lịch dịp cuối tuần kỷ niệm Ngày Độc lập vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục mới - một dấu hiệu cho thấy nhiều người tiêu dùng vẫn tự tin vào khả năng tài chính của mình.

Áp lực lạm phát vẫn đang là bài toán khó với FED

Lý do lạm phát vẫn ở mức cao

Nhìn chung, lý do chính khiến lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn mức mục tiêu của FED là do những biến động, vốn xuất hiện từ thời Covid-19, hiện vẫn đang khiến giá cả trong một số lĩnh vực tăng cao, ngay cả khi phần lớn nền kinh tế đã vượt qua đại dịch.

Ví dụ, chi phí thuê nhà đã tăng vọt cách đây hai năm, khi nhiều người Mỹ tìm kiếm thêm không gian sống trong thời kỳ đại dịch. Chi phí thuê nhà hiện đang chậm lại. Dữ liệu cho thấy trong tháng 4, chi phí thuê nhà đã tăng 5,4% trên cơ sở hàng năm, giảm so với mức 8,8% của cùng kỳ năm trước. Nhưng nó vẫn tăng nhanh hơn so với mức trước đại dịch.

Chi phí bảo hiểm ô tô tăng gần 23% so với một năm ngoái - một con số lớn phản ánh mức tăng giá của cả xe mới và xe đã qua sử dụng trong thời kỳ đại dịch. Các công ty bảo hiểm hiện phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán chi phí sửa xe cũ, hỏng. Kết quả là họ đã tăng phí bảo hiểm, và chính người tiêu dùng là những người phải gánh chịu chi phí đó.

Đỗ Hiền-Theo apnews

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

370x700.png