Đây đúng là lúc để trở thành một nhà đầu tư. Nhiều năm sau, “Quay ngược về năm 2020…” sẽ là câu cửa miệng mỗi khi chúng ta kể về những câu chuyện của mình, và chúng ta sẽ ngay lập tức nhớ đến mọi thứ khi đó biến động ra sao trước sự hoành hành của đại dịch vi rút corona 2019 (COVID-19).
Thế nhưng, giữa bối cảnh hỗn loạn đó, và trước hiệu suất vượt trội đáng kinh ngạc của những cổ phiếu gắn liền với xu hướng làm việc tại nhà, các nhà đầu tư sẽ tỉnh táo để không bỏ qua các cổ phiếu cổ tức.
Thành thật mà nói, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu cổ tức không thể sánh kịp nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao. Chúng ta cũng không nên kỳ vọng chúng có thể làm được điều đó bởi những công ty trả cổ tức là những doanh nghiệp đã được kiểm chứng qua thời gian, có khả năng đều đặn tạo ra dòng tiền và thu nhập. Dẫu rằng cổ phiếu trả cổ tức có thể thường khiến bạn buồn chán, nhưng bạn sẽ tìm thấy cái hay và kiếm được tiền từ hầu hết những doanh nghiệp buồn chán này.
Đó là điều khiến cho hai cổ phiếu cổ tức tỷ suất cao (ít nhất 4% mỗi năm) sau đây trở nên hấp dẫn. Nếu bạn cho hai cổ phiếu mang lại thu nhập cao này thời gian một thập kỷ, chắc chắn chúng sẽ nhân đôi số tiền bạn bỏ ra nhờ cổ tức và sự tăng giá cổ phiếu.
Dẫu biết đã qua rồi thời hoàng kim của AT&T (NYSE:T) nhưng đầu tư vào gã khổng lồ ngành viễn thông tiếp tục là một trong những cách an toàn nhất để nhanh chóng kiếm lời đối với những nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập và có xu hướng thận trọng trong đầu tư. Với mức tỷ suất 6,9%; AT&T là một cổ phiếu thuộc nhóm “Dividend Aristocrat” với thành tích 36 năm liên tiếp tăng mức chi trả cổ tức. AT&T có thể nhân đôi số tiền của bạn thông qua tái đầu tư trong thời gian khoảng 10,4 năm. Điều này có nghĩa chỉ cần giá cổ phiếu của AT&T tăng một chút, số tiền bạn bỏ ra sẽ tăng lên gấp đôi trong thập kỷ tới.
Chất xúc tác đối với AT&T là việc hãng sẽ triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng không dây đầu tiên trong khoảng một thập kỷ. Rõ ràng là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng không dây lên 5G không hề rẻ, cũng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Nhưng đó là một nước đi khá thú vị đối với gã khổng lồ viễn thông này bởi lẽ nó mở màn cho một chu kỳ nâng cấp công nghệ kéo dài nhiều năm, kéo theo đó là mức độ sử dụng dữ liệu gia tăng đáng kể. Trên thực tế, dữ liệu là động lực thúc đẩy lợi nhuận đối với phân khúc mạng không dây của AT&T, do đó, sự gia tăng mức độ sử dụng dữ liệu sẽ là cú hích đối với sự tăng trưởng tự thân của hãng trong vài ba năm tới.
Và cũng đừng bỏ qua năng lực truyền phát trực tuyến của AT&T. Dù không hẳn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực truyền phát trực tuyến như Disney, AT&T gần đây đã tung ra HBO Max với hơn 10.000 giờ nội dung chất lượng cao. Các sản phẩm khác trong hệ sinh thái truyền phát của hãng có khả năng bù đắp hoàn toàn những tổn thất do xu hướng cắt cáp gây ra đối với công ty con DIRECTV.
Thêm vào đó, vào đầu năm nay, AT&T đã tạm ngưng chương trình mua lại cổ phiếu để ứng phó với những bất ổn do COVID-19 gây ra cũng như để đảm bảo duy trì cổ tức. Quả thực, AT&T khó lòng cắt giảm cổ tức (tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến khoảng 65% trong năm 2020), đặc biệt là khi AT&T tiếp tục thanh lý các tài sản không thiết yếu và giảm nợ vay, nhưng các cổ đông vẫn đang kiếm được một phần đáng kể từ tổng thu nhập của hãng.
Một cổ phiếu cổ tức tỷ suất cao khác sẽ mang đến cho các nhà đầu tư một cơ hội tuyệt vời để nhân đôi số tiền của họ trong thập kỷ tới là gã khổng lồ ngành thuốc lá Philip Morris International (NYSE:PM). Hiện nay, với mức tỷ suất ấn tượng 6,6%, Philip Morris có thể nhân đôi giá trị đầu tư ban đầu của một nhà đầu tư trong vòng chưa tới 11 năm thông qua tái đầu tư. Tương tự như AT&T, chỉ cần giá cổ phiếu tăng thêm một chút trong một thập kỷ tới, số tiền của nhà đầu tư sẽ tăng lên gấp đôi.
Một mặt, Philip Morris vẫn hoạt động trong phân khúc thuốc lá truyền thống. Không thể phủ nhận rằng hoạt động marketing các sản phẩm thuốc lá truyền thống ngày càng đối mặt với nhiều thử thách ở các thị trường phát triển, theo ghi nhận của chúng tôi đây là nguyên do chính khiến khối lượng giao hàng của hầu hết các công ty thuốc lá giảm xuống. Tuy thế, Philip Morris vẫn được hưởng lợi ít nhiều nhờ thị trường đa dạng về mặt địa lý, hãng này có mặt tại hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới. Nếu một số thị trường phát triển đang gặp khó khăn, có rất nhiều thị trường mới nổi khác, nơi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng muốn thưởng thức các xa xỉ phẩm như thuốc lá. Thêm vào đó, việc các thị trường phát triển gặp khó không tổn hại gì đến những công ty thuốc lá có quyền định giá mạnh mẽ do đặc điểm gây nghiện của nicotine.
Mặt khác, Philip Morris International sở hữu phân khúc sản phẩm giảm rủi ro (RRP) đang tăng trưởng nhanh chóng, trong đó nổi bật là hệ thống thuốc lá không cháy IQOS. Về doanh thu thuần, doanh thu từ phân khúc RRP của gã khổng lồ thuốc lá này tăng từ 0,2% vào năm 2015 lên gần 22% trong quý đầu năm 2020, trong đó IQOS đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng này. Các đơn vị thuốc không khói (HTU) dành cho thiết bị IQOS chiếm gần 10% số lượng hàng giao trong Q1/2020, trong đó khối lượng HTU được giao trên toàn thế giới tăng đến 45,5%. Khi IQOS được giới thiệu và quảng bá ở các thị trường mới, sự tăng trưởng của Philip Morris sẽ không phải lệ thuộc quá nhiều vào sự tăng giá của các nhãn hiệu thuốc lá truyền thống.
Các cổ phiếu thuốc lá có thể không phải là khoản đầu tư hấp dẫn như trước đây, tuy nhiên, Philip Morris vẫn sẽ là điểm đến an toàn đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Thu Trang- Theo NASDAQ