logo
Banner-JuraTrade-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 20/03/2023

Ngân hàng UBS “giải cứu” Credit Suisse

Credit Suisse là cái tên gây sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng nhỏ hơn tại Mỹ. Mới đây, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đạt được thỏa thuận mua lại Credit Suisse với mức giá hơn 3 tỷ USD trong nỗ lực giải cứu nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng và bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sĩ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20/3.

Ngân hàng UBS “giải cứu” Credit Suisse

Thỏa thuận trên cũng là vụ siêu sáp nhập đầu tiên của các ngân hàng toàn cầu quan trọng về mặt hệ thống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo báo Wall Street Journal, đây là thỏa thuận ngân hàng lớn nhất trong nhiều năm qua, còn Đài CNN gọi đây là "thỏa thuận giải cứu khẩn cấp".

Tại cuộc họp báo vài giờ trước ở thủ đô Bern, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset giải thích rằng hôm 17/3, dòng tiền chảy ra và biến động trên thị trường cho thấy Credit Suisse không còn khả năng khôi phục niềm tin thị trường. "Một giải pháp nhanh chóng và ổn định là điều cần thiết. Đó là để UBS tiếp quản", ông cho hay.

Ngân hàng UBS “giải cứu” Credit Suisse

Theo các điều khoản của thỏa thuận, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được 1 cổ phiếu UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu Credit Suisse nắm giữ, tương đương với 0,76 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu, với tổng giá trị là 3 tỉ franc Thụy Sĩ (3,2 tỉ USD).

Bên cạnh đó, chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ sẽ cung cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi mua lại Credit Suisse. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng cung cấp hơn 100 tỉ USD thanh khoản cho UBS để tạo thuận lợi cho thỏa thuận.

Ngân hàng UBS “giải cứu” Credit Suisse

Credit Suisse - ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Ngân hàng này có tổng tài sản là 574 tỷ USD tính tới cuối năm 2022, quản lý khối tài sản với danh mục đầu tư trị giá 1.700 tỷ USD. Quý cuối năm ngoái, các khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD do lo ngại sức khỏe tài chính của Credit Suisse. Việc rút vốn vẫn tiếp tục dù họ đã huy động được thêm 4 tỷ franc từ các cổ đông. Kết quả này khiến cổ phiếu của nhà băng này bị bán tháo.

Giá trị thị trường của ngân hàng này cũng đã bị giáng một đòn nặng nề do những lo ngại về hiệu ứng "domino" sau sự sụp đổ của SVB và SB, cùng với việc công bố báo cáo thường niên của Credit Suisse, trong đó chỉ ra "những điểm yếu quan trọng" trong kiểm soát nội bộ.

Như Mai

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-investo.info_.jpg