logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 22/04/2022

Investo đầu tư 101: tỷ số thanh toán hiện hành là gì?

Định nghĩa:

Tỷ số thanh toán hiện hành (current ratio) là một chỉ số kế toán dùng để đo lường khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp bằng tài sản lưu động.

investo - dautu - 220422

Tìm hiểu về tỷ số thanh toán hiện hành

Tỷ số thanh toán hiện hành (hay còn gọi là “tỷ lệ vốn lưu động”) là một số liệu tài chính được sử dụng để đo lường lượng tiền mặt khả dụng ngắn hạn của một doanh nghiệp. Chỉ số này cũng giúp nhà đầu tư chứng khoán dò xét khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Nói cách khác, chỉ số này cho thấy doanh nghiệp có đủ khả năng đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính khi đến hạn trả nợ trong vòng một năm hay không. Công thức tính tỷ số thanh toán hiện hành là bằng cách lấy tài sản lưu động chia cho nợ ngắn hạn. Tài sản lưu động là toàn bộ tài sản của doanh nghiệp dưới dạng tiền mặt hoặc đang trong quá trình chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm trở xuống. Nợ ngắn hạn là các khoản nợ mà doanh nghiệp phải trả trong vòng một năm. Cả hai giá trị này đều được trình bày trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Nếu tỷ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1 thì tức là doanh nghiệp đang gặp khó với việc trang trải tất cả các khoản nợ ngắn hạn nếu chỉ sử dụng số tài sản hiện có.

Ví dụ

Vào cuối năm tài chính 2018, Walmart có tổng tài sản lưu động là 59,66 tỷ USD và tổng nợ ngắn hạn là 78,52 tỷ USD. Do đó, tỷ lệ vốn lưu động của Walmart trong năm là 0,76 (59,66 USD/78,52 USD). Nguồn: Báo cáo tài chính thường niên 2018 của Walmart.

Để so sánh, vào cuối năm tài chính 2018, Pinterest có tổng tài sản lưu động là 846,947 triệu USD và tổng nợ lưu động là 123,526 triệu USD. Căn cứ trên những số liệu đó, tỷ số thanh toán hiện hành là 6,86 (846,947 USD/123,526 USD). Nguồn: bảng cân đối kế toán hợp nhất của Pinterest, Inc.

Các tỷ số trên cho thấy khả năng thanh khoản của Pinterest Inc. cao gấp hơn 6 lần so với Walmart. Tất nhiên, đây chỉ là số liệu phản ánh nhất thời về từng doanh nghiệp và không đủ lượng thông tin để cho nhà đầu tư biết doanh nghiệp nào mới là kênh đầu tư đáng giá hơn.

Bài học

Tỷ số thanh toán hiện hành cũng giống như điểm tín dụng của doanh nghiệp vậy...

Điểm tín dụng của bạn là một chỉ số báo hiệu về khả năng thanh toán các khoản nợ cá nhân của bạn. Tương tự như vậy, tỷ số thanh toán hiện hành là một số liệu dùng để đánh giá nhanh, cho thấy khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với các nghĩa vụ tài chính của họ.

20220422-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (current ratio_series 101) pic 2.jpg

Phân tích đầu tư bằng tỷ số thanh toán hiện hành

Tỷ số thanh toán hiện hành là một trong ba chỉ số thanh khoản mà các nhà đầu tư chứng khoán và chủ nợ thường sử dụng để đo lường mức độ thanh khoản của một doanh nghiệp (hai tỷ số còn lại là tỷ số thanh toán nhanh và hệ số thanh toán tiền mặt). Các tỷ số thanh khoản cho biết doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đến mức thế nào.

Nhà đầu tư có thể sử dụng những con số này trong quá trình phân tích về mức độ ổn định và lợi nhuận của một doanh nghiệp. Trong khi đó, các chủ nợ sẽ sử dụng chúng để xác định liệu doanh nghiệp có khả năng vay và trả nợ nhiều hơn hay không.

Tỷ số thanh toán hiện hành nói lên điều gì?

Tỷ số thanh toán hiện hành giúp nhà đầu tư đo lường sức mạnh tài chính ngắn hạn của một doanh nghiệp. Con số này càng cao thì doanh nghiệp càng hoạt động ổn định, nhưng con số này càng thấp thì rủi ro thanh khoản càng lớn.

Nếu tỷ lệ vốn lưu động nhỏ hơn 1 thì có nghĩa là khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp trong vòng 12 tháng tới lớn hơn giá trị tài sản ngắn hạn mà doanh nghiệp hiện có (bao gồm tiền mặt và những tài sản có khả năng chuyển thành tiền mặt trong khung thời gian đó).

Nói cách khác, một doanh nghiệp có tỷ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1 thì sẽ cần phải bán bớt hoặc thu hồi một số tài sản dài hạn hoặc tìm một cách khác để huy động tiền mặt (chẳng hạn như rao bán cổ phần hoặc vay thêm tiền) để trả nợ đúng hạn.

Ngược lại, nếu một doanh nghiệp có tỷ số thanh toán hiện hành cao hơn 1, điều đó cho thấy họ có đủ tài sản để trang trải các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ này quá cao, có thể doanh nghiệp đang quản lý tài sản không hiệu quả. Thông thường, doanh nghiệp nào có tỷ số thanh toán hiện hành từ 3 trở lên thì được coi là quản lý tài sản chưa chuẩn. Ví dụ, thay vì nắm trong tay quá nhiều tiền mặt, họ có thể đầu tư số tiền đó trở lại chính các hoạt động kinh doanh của mình dưới dạng tài sản dài hạn (như bất động sản, nhà máy hoặc thiết bị) hoặc phân phối lại cho các cổ đông dưới dạng cổ tức.

Mối quan hệ giữa tỷ số thanh toán hiện hành và nợ

Cách tính tỷ số thanh toán hiện hành là lấy tài sản lưu động chia cho nợ ngắn hạn (hay nợ lưu động). Phép tính này cho thấy mức nợ hiện tại của doanh nghiệp và tỷ số thanh toán hiện hành có mối quan hệ nghịch đảo. Nói cách khác, khi một doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn nhiều hơn, tỷ số đó sẽ giảm. Và khi họ trả bớt nợ ngắn hạn, tỷ số sẽ tăng lên. (Tất nhiên là dựa trên giả định rằng mức tài sản lưu động không đổi.)

Nợ lưu động có thể là tiền lương chưa trả cho nhân viên, tín dụng của nhà cung cấp, lãi suất phải trả cho khoản nợ dài hạn và tiền hàng phải trả cho đối tác.

Nếu tỷ lệ vốn lưu động của doanh nghiệp nhỏ hơn 1 thì doanh nghiệp đó có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ này. Vấn đề này có thể dẫn đến việc nhân viên và nhà cung cấp không được thanh toán tiền đúng hạn, trả lãi chậm, v.v. Và nếu thanh toán chậm, doanh nghiệp có thể sẽ càng mắc nợ cao hơn do phí phát sinh và phạt trả chậm. Điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh theo những cách khác. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp luôn thanh toán muộn cho nhà cung cấp thì nhà cung cấp có thể sẽ từ chối tiếp tục gia hạn tín dụng và yêu cầu ứng tiền mặt trước rồi mới cung cấp dịch vụ hoặc từ chối hẳn cung cấp hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp từ đây trở đi.

Sự khác biệt giữa tỷ số thanh toán hiện hành và các chỉ số thanh khoản khác

Có ba chỉ số thanh khoản chính:

  1. Tỷ số thanh toán hiện hành (hoặc “tỷ lệ vốn lưu động”)
  2. Tỷ số thanh toán nhanh
  3. Hệ số thanh toán tiền mặt

Cả ba tỷ số này đều dùng để đo lường mức thanh khoản của doanh nghiệp (tức là khả năng đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn bằng tài sản lưu động của doanh nghiệp). Tuy nhiên, mỗi tỷ số trên có cách tính hơi khác nhau một chút.

Tỷ số thanh toán hiện hành (tỷ lệ vốn lưu động) được xác định bằng cách lấy tài sản lưu động chia cho nợ ngắn hạn.

Tỷ số thanh toán nhanh, hay “hệ số thử nghiệm axit”, là tài sản lưu động trừ đi hàng tồn kho rồi chia cho nợ ngắn hạn. Tỷ số này là một thước đo thận trọng hơn và có tính đến các yếu tố trong thực tế, tức là hàng tồn kho đôi khi sẽ không có tính thanh khoản cao hoặc dễ chuyển đổi thành tiền mặt như các tài sản lưu động khác.

Hệ số thanh toán tiền mặt là tiền và các khoản tương đương tiền chia cho nợ ngắn hạn. Tỷ số này được xem là thước đo thận trọng nhất trong ba tỷ số. Hệ số thanh toán tiền mặt có tác dụng đo lường khả năng thanh toán các khoản nợ hiện tại của doanh nghiệp bằng tiền mặt hoặc các khoản tương đương tiền, chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi hoặc tín phiếu kho bạc.

Nhược điểm của tỷ số thanh toán hiện hành

Tỷ số thanh toán hiện hành có thể cung cấp một góc nhìn lướt nhanh rất hữu ích về mức thanh khoản của doanh nghiệp. Nhưng chỉ riêng số liệu này thì không đủ để phác họa toàn bộ bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Nếu bạn muốn đánh giá toàn bộ tình hình tài chính của một doanh nghiệp thì bạn sẽ cần phải xem xét thêm nhiều khoản mục khác chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào tài sản lưu động và nợ ngắn hạn.

Chẳng hạn, WalMart có tỷ số thanh toán hiện hành thấp hơn 1 vào cuối năm Tài chính 2018, nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp này không có lợi nhuận hoặc có nguy cơ ngừng kinh doanh. Nguồn: Báo cáo tài chính thường niên 2018 của Walmart.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, có những doanh nghiệp có tỷ số thanh toán hiện hành trên 1 nhưng vẫn rất chật vật để trả đúng hạn các khoản nợ ngắn hạn. Ví dụ, hãy tưởng tượng một doanh nghiệp có các khoản phải thu là 2 triệu USD (một dạng tài sản lưu động) và các khoản phải trả là 1 triệu USD (nợ ngắn hạn). Nếu doanh nghiệp không có tài sản lưu động hoặc món nợ ngắn hạn nào khác thì khi đó tỷ số thanh toán hiện hành của doanh nghiệp này sẽ là 2.

Nhưng nếu tất cả các khoản phải trả cần phải được thanh toán trong vòng 30 ngày và tất cả các khoản phải thu dự kiến ​​sẽ không thu được (hoặc chuyển thành tiền mặt) trong vòng ít nhất 60 ngày thì sẽ như thế nào? Trong trường hợp này, ngay cả khi doanh nghiệp có tỷ số thanh toán hiện hành đủ cao thì họ cũng sẽ trả chậm tất cả các khoản nợ đến hơn một tháng. Tỷ số thanh toán hiện hành không hề xét đến thời điểm khi nào các khoản nợ cần phải trả hoặc khi nào các loại tài sản không ở dưới dạng tiền mặt sẽ được chuyển thành tiền mặt.

Một điểm hạn chế khác của tỷ số thanh toán hiện hành là tỷ lệ này không phù hợp khi so sánh giữa các doanh nghiệp trái ngành. Ví dụ, trong một ngành mà các doanh nghiệp thường có xu hướng tích trữ nhiều hàng tồn kho thì họ thường sẽ có tỷ số thanh toán hiện hành cao hơn. Nhưng điều này không hẳn có nghĩa là họ có khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn tốt hơn, đặc biệt là nếu họ quay vòng hàng tồn kho chậm

Cách diễn giải tỷ số thanh toán hiện hành

Tỷ số thanh toán hiện hành thường được báo cáo dưới dạng một chữ số duy nhất, chẳng hạn như 2. Tuy nhiên, nếu có những tài liệu ghi lại con số này dưới dạng tỷ lệ, chẳng hạn như 2:1, thì đó cũng được coi là cách trình bày thích hợp vì tỷ số này chính là phép so sánh giữa tài sản lưu động với nợ ngắn hạn. Như vậy, tỷ lệ 2:1 cho biết rằng doanh nghiệp có tài sản lưu động gấp hai lần nợ ngắn hạn.

Tỷ lệ 1:1 có nghĩa là tổng tài sản lưu động tương đương với tổng nợ ngắn hạn. Con số này chỉ ra rằng một doanh nghiệp có tài sản lưu động vừa đủ để trang trải tất cả các khoản nợ ngắn hạn của họ, nhưng họ không có thêm nguồn tài chính dự trữ nào để đảm bảo an toàn.

Bất kỳ khi nào tỷ lệ này rơi xuống dưới ngưỡng 1, chẳng hạn như 0,5:1, thì điều đó cho thấy doanh nghiệp không có đủ tài sản lưu động để trang trải tất cả các khoản nợ ngắn hạn. Trong ví dụ này, doanh nghiệp sẽ chỉ có thể trang trải một nửa số dư nợ hiện tại bằng tài sản lưu động.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến