Chỉ số S&P 500 đo lường giá cổ phiếu của 500 công ty giao dịch công khai lớn nhất ở Mỹ để giúp bạn trả lời câu hỏi “thị trường chứng khoán đang hoạt động như thế nào?”
Standard & Poor’s là một công ty dịch vụ tài chính được biết đến nhiều nhất với chỉ số thị trường chứng khoán đặc trưng mà họ tạo ra vào năm 1957: chỉ số S&P 500 (mã chứng khoán “SPX”). Công thức của chỉ số này gộp giá cổ phiếu của 500 công ty từ nhiều lĩnh vực thành một con số duy nhất để nhanh chóng trả lời câu hỏi “thị trường chứng khoán Mỹ đang hoạt động như thế nào?” Chỉ số được tính trọng số bằng cách sử dụng giá trị vốn hóa thị trường của mỗi công ty; vì vậy, các công ty có giá trị nhất và lớn nhất sẽ làm chỉ số dịch chuyển nhiều nhất, khiến chỉ số này trở thành một phản ánh hữu ích hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.
"Này Warren, hôm nay chứng khoán như thế nào?” “... tuyệt vời, S&P 500 đã tăng 1%, rất tốt!” “Hoàn hảo, cảm ơn Warren.”
Chỉ số S&P 500 giống như một bảng điểm chứng khoán ...
Khi bạn muốn có một cái nhìn hữu ích về hiệu suất của các cổ phiếu, hãy nhìn vào chỉ số S&P 500. Công thức của chỉ số tính ra một con số duy nhất từ hàng triệu hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Nhìn chung, 500 công ty giao dịch công khai lớn nhất tại Mỹ tính theo theo vốn hóa thị trường là các thành viên của chỉ số S&P 500. Tính đến tháng 6 năm 2019, quy mô nhỏ nhất để một công ty được thêm vào chỉ số là vốn hóa thị trường 3,7 tỷ USD. Các công ty đó phải có trụ sở tại Mỹ, có cổ phiếu giao dịch công khai cho tất cả mọi người mua hoặc bán và có lãi trong năm gần nhất. Đúng vậy – những công ty có định giá cao nhưng không có lợi nhuận sẽ không đủ điều kiện để được thêm vào chỉ số S&P 500, mặc dù giá trị của chúng nằm trong 500 công ty giao dịch đại chúng lớn nhất của Mỹ. Kết hợp lại, 500 cổ phiếu này chiếm khoảng 80% tổng số cổ phiếu được giao dịch công khai ở Mỹ. Quyết định cuối cùng để một cổ phiếu trở thành thành viên của chỉ số thuộc về S&P Dow Jones Indices, tổ chức quản lý chỉ số.
Biến nhiều con số thành một số duy nhất cần một số phép tính. Chỉ số S&P 500 được tính trọng số theo vốn hóa thị trường – tổng giá trị của tất cả mọi cổ phiếu của một công ty (giá trị này được tính bằng cách nhân mệnh giá của một cổ phiếu với số lượng cổ phiếu đang lưu hành).
S&P 500 tuân theo một công thức tương đối đơn giản: Tử số là tổng của tất cả các giá trị vốn hóa thị trường của 500 cổ phiếu thành viên. Mẫu số là một con số bí mật mà S&P không tiết lộ cho công chúng. Điều quan trọng cần hiểu là giá cổ phiếu của 500 công ty thúc đẩy chỉ số S&P 500 tăng lên hoặc giảm xuống, và các công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất (hay còn gọi là các công ty giá trị nhất) có trọng số lớn nhất trong việc dịch chuyển chỉ số.
Apple, Microsoft và Amazon – ba công ty đầu tiên đạt giá trị vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD – có tỷ trọng lớn trong S&P 500; do đó, biến động của ba cổ phiếu này ảnh hưởng đến S&P 500 nhiều hơn so với các công ty ít giá trị hơn.
Để tính tỷ trọng của một công ty bất kỳ trong chỉ số S&P 500, hãy chia vốn hóa thị trường của công ty đó cho tổng vốn hóa thị trường của S&P 500. Ví dụ: một công ty có vốn hóa thị trường 50 tỷ USD khi tổng giá trị vốn hóa thị trường của S&P 500 là 5 nghìn tỷ USD có tỷ trọng 1% trong chỉ số.
Cả chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (“Dow”) và chỉ số S&P 500 đều được sử dụng làm thước đo để xem thị trường chứng khoán trên tổng thể đang hoạt động như thế nào. Nhưng có một số điểm khác biệt chính giữa hai chỉ số:
Số lượng công ty trong chỉ số:
Các cổ phiếu được tính trọng số như thế nào:
Lưu ý: Các công ty có giá cổ phiếu cao nhất ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số Dow, trong khi các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất ảnh hưởng nhiều nhất đến S&P 500.
S&P 500 là một chỉ số có phạm vi rộng, bao gồm các công ty từ hầu hết mọi lĩnh vực và là một chỉ số tham chiếu tốt của chứng khoán Mỹ. Nasdaq thì thiên nhiều hơn về các cổ phiếu công nghệ. Vì lý do đó, S&P 500 là một đại diện chính xác hơn cho thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi Nasdaq là một đại diện chính xác hơn cho lĩnh vực công nghệ.
Nó không phải là thước đo chính xác cho sức khỏe nền kinh tế
S&P 500 thường được trích dẫn để phản ánh hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ. Đôi khi các nhà bình luận đi xa hơn, lý giải hiệu suất của chỉ số như một sự phản ánh của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù S&P 500 có ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ, nó chỉ là một trong nhiều yếu tố.
Vì giá cổ phiếu được thúc đẩy chủ yếu bởi khả năng tạo ra lợi nhuận của các công ty, chỉ số S&P 500 sẽ có xu hướng tăng khi lợi nhuận của các công ty tăng lên. Nhưng lợi nhuận của các công ty không nhất thiết phải tương quan với thu nhập của người lao động hoặc mức độ hạnh phúc về mặt kinh tế của người lao động.
Tuy nhiên, vì cổ phiếu của các công ty trong chỉ số S&P 500 thuộc sở hữu của hàng triệu người Mỹ, một sự gia tăng của chỉ số S&P 500 sẽ làm tăng sự giàu có của người Mỹ một cách gián tiếp, và ngược lại.
Mặc dù chỉ số S&P 500 bao gồm 80% tổng số cổ phiếu được giao dịch công khai ở Mỹ, chỉ số không bao gồm các công ty nhỏ và công ty tư nhân; thậm chí cả một số công ty quy mô trung bình hoặc lớn cũng không lọt vào top 500. Vì lý do đó, điều quan trọng là bạn không được lý giải hiệu suất của S&P 500 như thể nó bao gồm cả các công ty và lĩnh vực không được đại diện trong chỉ số.
Chú ý: Không thể đầu tư trực tiếp vào một chỉ số thị trường. Các chỉ số không phải chịu bất kỳ khoản phí hoặc chi phí nào.
Huân Hà - Theo learn.robinhood.com