Khi trở thành một phần của cộng đồng đầu tư chứng khoán, đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, có thể bạn sẽ chứng kiến không ít những trường hợp như "giá mà tôi đã mua Apple (NASDAQ:AAPL) hoặc Amazon (NASDAQ:AMZN) ngay từ những ngày đầu". Thậm chí chính bạn cũng có thể đã thầm nghĩ những điều tương tự đôi ba lần, mặc dù có lẽ là nghĩ về các cổ phiếu khác.
Ảnh: The Balance
Theo xu hướng tâm lý chung, ai cũng sẽ ước rằng mình từng gặp may mắn hơn hoặc đầu tư thông minh với tầm nhìn xa hơn trong quá khứ để đặt cược chính xác vào những cổ phiếu có thể tăng trưởng hàng chục lần về sau này, ngay cả khi vào thời điểm đó, bạn không có cách nào để phân biệt chúng với các đối thủ cạnh tranh khác.
Tuy nhiên, khi đánh giá những cổ phiếu có tiềm năng giúp các nhà đầu tư làm giàu nhiều nhất trong 20 năm qua, có thể thấy rằng danh sách này không chỉ có những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Apple. Trên thực tế, một vài mã cổ phiếu trong số chúng có thể sẽ khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên, và có thể bạn thậm chí còn chưa từng nghe đến về một số mã đó trước đây.
Trang GuruFocus đã tính toán các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ theo số lần nhân lên giá trị tài sản của nhà đầu tư và chọn ra những mã có bội số cao nhất, với giả định rằng các nhà đầu tư có thể mua chúng ngay đúng ở mức giá thấp nhất trong hơn 20 năm qua và nắm giữ cổ phiếu cho đến tháng 07/2020. Kết quả tính toán được hiển thị trong bảng bên dưới, trong đó tất cả các mức giá mua đều được điều chỉnh chính xác theo các sự kiện chia tách cổ phiếu:
|
|
Mức vốn hóa (triệu USD) |
Mức tăng (lần) |
Ngày mua |
Giá mua |
Giá tính đến 28/07/2020 |
1 |
NetEase Inc. (NTES) |
61.462 |
3.448 |
25/07/2001 |
0,13 |
448,33 |
2 |
SBA Communications Corp. (NASDAQ:SBAC) |
33.340 |
1.492 |
14/10/2002 |
0,2 |
298,68 |
3 |
Netflix Inc. (NFLX) |
211.886 |
1.298 |
09/10/2002 |
0,37 |
480,45 |
4 |
Monster Beverage Corp. (MNST) |
39.429 |
1.247 |
26/06/2001 |
0,06 |
74,88 |
5 |
Amazon.com Inc. |
1.500.772 |
503 |
28/09/2001 |
5,97 |
3008,91 |
6 |
Illumina Inc. (ILMN) |
56.191 |
424 |
13/03/2003 |
0,9 |
382,25 |
7 |
Apple Inc. |
1.605.698 |
393 |
21/04/2003 |
0,94 |
370,46 |
8 |
American Tower Corp. (AMT) |
113.633 |
360 |
09/10/2002 |
0,71 |
256,33 |
9 |
Tractor Supply Co.(TSCO) |
16.943 |
332 |
21/11/2000 |
0,44 |
146,53 |
10 |
Tyler Technologies Inc. (TYL) |
14.202 |
318 |
06/03/2001 |
1,12 |
357,19 |
11 |
Axon Enterprise Inc. (AAXN) |
5.418 |
305 |
10/10/2002 |
0,28 |
85,62 |
12 |
DexCom Inc. (DXCM) |
39.770 |
302 |
20/11/2008 |
1,39 |
421,75 |
13 |
Intuitive Surgical Inc. (ISRG) |
79.031 |
302 |
11/04/2001 |
2,23 |
675,33 |
14 |
Exact Sciences Corp. (EXAS) |
14.301 |
272 |
24/11/2008 |
0,35 |
95,39 |
15 |
Booking Holdings Inc. (NASDAQ:BKNG) |
69.636 |
257 |
09/10/2002 |
6,6 |
1701,3 |
16 |
Equinix Inc. (EQIX) |
65.270 |
253 |
10/04/2003 |
2,9 |
737,39 |
17 |
NVIDIA Corp. (NASDAQ:NVDA) |
250.785 |
248 |
09/10/2002 |
1,64 |
407,78 |
18 |
Deckers Outdoor Corp. (DECK) |
5.762 |
247 |
10/01/2000 |
0,83 |
205,78 |
19 |
Old Dominion Freight Lines Inc. (NASDAQ:ODFL) |
21.495 |
242 |
12/10/2000 |
0,75 |
182,24 |
20 |
Align Technology Inc. (ALGN) |
23.482 |
228 |
13/11/2002 |
1,3 |
298,14 |
Amazon lọt vào top 5 ở vị trí thứ 5, mà điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên. Họ là doanh nghiệp thống trị không thể chối cãi trong phân khúc thương mại điện tử, mà nhờ tốc độ và độ tin cậy của mạng lưới giao hàng nên đã khiến khách hàng gắn bó rất bền chặt với Amazon.
Đứng ở vị trí thứ tư là Monster Beverage, một cái tên mà có lẽ nhiều nhà đầu tư đã quen thuộc nhưng có thể sẽ không ngờ rằng cổ phiếu này đã nhân giá trị lên hơn 1.000 lần. Công ty này là một hình mẫu chuẩn mực trong khối ngành bán lẻ vì đã đạt được kết quả rất khả quan sau khi thay đổi thương hiệu. Sau một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn dưới cái tên Hansen, công ty đã đổi tên thành Monster vào năm 2012 và tập trung bán các sản phẩm mang nhãn hiệu nước uống không tăng lực, và trọng tâm mới đã giúp họ đi đến thành công.
Ở vị trí thứ ba, Netflix cũng là một cái tên không quá gây bất ngờ vì đã phá vỡ mốc 1.000 lần sau khi tăng khoảng 66% trong năm 2020. Trong hầu hết quãng thời gian của vài thập kỷ qua, họ là kênh đăng ký dịch vụ phát trực tuyến hấp dẫn nhất, mặc dù vậy vị thế của Netflix hiện nay đang bị thách thức bởi những cái tên mới như Amazon Prime và Disney+ của Walt Disney (DIS).
Ở vị trí thứ hai là SBA Communications, một quỹ tín thác đầu tư bất động sản chủ yếu sở hữu cơ sở hạ tầng truyền thông ở Mỹ. American Tower ở vị trí thứ tám cũng là một quỹ tín thác đầu tư bất động sản chuyên sở hữu cơ sở hạ tầng truyền thông. Hai công ty này đã đều đặn đạt được bội số lợi nhuận cao do các hoạt động kinh doanh của họ luôn duy trì ổn định. Miễn là những người dân sống gần các tòa tháp mà họ sở hữu vẫn tiếp tục dùng điện thoại thông minh, điện thoại bàn cố định, ứng dụng internet vạn vật và các công cụ liên lạc khác, họ sẽ vẫn liên tục tạo ra nguồn thu nhập vững chắc và ngày càng tăng, từ đó khiến các nhà đầu tư đặt niềm tin rất cao.
Vị trí số một thuộc về NetEase (NASDAQ:NTES), một công ty công nghệ internet hàng đầu của Trung Quốc chuyên tập trung vào mảng nội dung trò chơi, cộng đồng internet, truyền thông và các ứng dụng thương mại điện tử. Nếu trước đây bạn đầu tư 1.000 USD để mua cổ phiếu NetEase vào ngày 25/07/2001 với giá giao dịch là 13 cent/cổ phiếu (đã được điều chỉnh theo chia tách), số tiền này vào ngày 28/07/2020 sẽ nhân lên 3.448 lần và có giá trị gần 3,5 triệu USD. Thành công của họ chủ yếu đến từ các trò chơi trực tuyến trên PC và di động, vốn đóng góp đến 79% doanh thu và đưa công ty này trở thành công ty game lớn thứ hai Trung Quốc sau Tencent (HKSE:00700).
Ảnh: GuruFocus
Có một vài nguyên nhân giúp lý giải tại sao giới đầu tư lại bỏ qua các công ty có tiềm năng cao hoặc cảm thấy ngạc nhiên rằng chúng hóa ra lại là những khoản đầu tư rất tốt. Chẳng hạn, các nhà đầu tư tại Mỹ có thể đã bỏ qua NetEase do cổ phiếu này có rủi ro nằm ngoài phạm vi hiểu biết của họ vì đây là một cổ phiếu nước ngoài (không phải của Mỹ) hoặc việc một doanh nghiệp "nhàm chán" như Old Dominion, công ty đứng thứ 19 trên danh sách, bị bỏ qua cũng là điều thường thấy, đơn giản là vì nhiều nhà đầu tư không cảm thấy có bất cứ điểm nào hấp dẫn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ ở mảng vận chuyển bằng xe tải. Tuy nhiên, khi hàng hóa được vận chuyển nhiều hơn, thu nhập của cũng Old Dominion tăng lên.
Ngoài ra còn có một cái tên khác trong danh sách này mà một số nhà đầu tư có thể không ngờ tới là Tractor Supply, đứng ở vị trí thứ chín. Đây là chuỗi cửa hàng bán lẻ của Mỹ, chuyên phục vụ cho thị trường nông thôn với các sản phẩm nông nghiệp, trang trại và nâng cấp nhà cửa. Nhiều nhà đầu tư có lẽ đã không cho rằng công ty này lại có thể mang lại lợi nhuận vượt trội đến như vậy. Tuy nhiên, họ đã tự tạo ra một thị trường ngách và trở thành chuỗi cửa hàng bán lẻ tập trung vào phân khúc nông thôn lớn nhất ở Mỹ cho đến nay.
Như vậy, qua màn thể hiện của những cổ phiếu phổ thông có hiệu suất tăng trưởng cao nhất tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong hai thập kỷ qua với độ dàn trải rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như vậy, liệu chúng có điểm chung nào khiến tất cả đều thành công như vậy hay không? Nếu chỉ xét trên bề nổi thì ngay cả những nhà đầu tư thông minh cũng sẽ khó có thể tìm ra điểm chung, vì các công ty này có đặc tính rất đa dạng, từ ổn định về tài chính cho đến sử dụng đòn bẩy cao, và trong số đó cũng có những doanh nghiệp mới thành lập cho đến những tên tuổi đã phát triển lâu năm và chỉ mới “đổi đời” nhờ những nước đi đúng đắn.
Dường như điểm chung duy nhất là họ đã xác định, thu hút và phục vụ thành công cho một đối tượng mục tiêu cụ thể mà chưa một doanh nghiệp nào khác chinh phục được. Ví dụ, Booking Holdings, ở vị trí thứ 15 trong danh sách, tập trung nhiều hơn vào thị trường châu Âu và châu Á để tránh cạnh tranh với các dịch vụ đặt phòng trực tuyến ở Mỹ. Apple trở thành công ty tiên phong trong thị trường điện thoại thông minh, trong khi đó SBA chuyên mua lại bất động sản truyền thông để đảm bảo rằng bất kỳ công ty nào muốn sử dụng tháp phát sóng của họ cũng sẽ trở thành một khách hàng bị phụ thuộc dài hạn.
Điều không may là điểm tương đồng giữa những kênh đầu tư thành công này cũng không thể giúp ích gì nhiều cho nhà đầu tư trong việc xác định chính xác những mã cổ phiếu có khả năng tăng giá vượt bậc trong tương lai trên thị trường chứng khoán ngày nay. Tốp 20 công ty nêu trên đã vượt qua thử thách chọn lọc tự nhiên của thị trường chứng khoán và do đó đã được công nhận khả năng trụ vững tại sân chơi này. Những nhà đầu tư nào đặt mục tiêu “làm lớn ăn lớn” thì có thể sẽ đạt kết quả tốt nếu liên tục bám sát theo những công ty có tiềm năng khuynh đảo thị trường trong tương lai, nhưng bạn cần lưu ý hai điều khi thực hiện chiến lược này.
Thứ nhất, những doanh nghiệp có khả năng khuấy đảo thị trường thực thụ hầu như sẽ không bao giờ có mức giá cao ngay từ ban đầu mà những cổ phiếu được định giá cao như vậy thường là bị thổi phồng thông qua những thủ thuật cường điệu hóa về tương lai xán lạn sau này cũng như bởi những đơn vị bảo lãnh và những thành viên nội bộ của chính doanh nghiệp đó. Những kẻ như vậy có thể sẽ không ngần ngại “chém gió” để thu về khoản lợi nhuận kếch xù và sau đó khiến giá cổ phiếu giảm đột ngột. Lưu ý rằng giá mua cao nhất của tất cả các cổ phiếu trong danh sách trên là Amazon với mức giá 5,97 USD.
Thứ hai, càng ít cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ càng dễ chiếm thị phần với chi phí thấp. Đối với những công ty mới khởi nghiệp, nếu phải chập chững bước vào một thị trường đông đúc và lâu đời thì họ sẽ phải chi nhiều hơn cho quảng cáo và nghiên cứu để tranh giành thị phần, và mặc dù các công ty công nghệ mới đôi khi có thể tạo ra một cú hích đủ lớn để vượt qua trở ngại này và dựng nên một thị trường mới cho chính họ (sau khi chi đủ tiền cho mảng nghiên cứu và phát triển), nhưng đối với các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực phụ trợ cho công nghệ và các nhóm ngành phi công nghệ, đây có thể sẽ là một cuộc chiến đầy chông gai hơn.
Đăng Khoa - theo Yahoo!Finance