Quảng cáo trước giờ vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty Facebook (NASDAQ:FB). Công ty này bán các quảng cáo được nhắm mục tiêu cao cùng với nội dung do người dùng tạo ra cho các khán giả của mình – mà lượng khán giả này chiếm gần một nửa dân số thế giới. Đây là một mô hình kinh doanh tuyệt vời, nó mang lại cho Facebook hơn 12 tỷ USD thu nhập hoạt động trong Q2.
Giờ đây, công ty Facebook đang suy tính về những con đường khác ngoài quảng cáo. Sáng kiến về tính minh bạch theo dõi ứng dụng của Apple đã khiến việc theo dõi người dùng của Facebook và các nhà quảng cáo trở nên khó khăn hơn. Điều này tạo thêm động lực cho Facebook mở rộng hoạt động ra ngoài lĩnh vực quảng cáo.
CEO Mark Zuckerberg đã dành phần lớn thời lượng cuộc gọi hội nghị công bố BCTC để nói về “metaverse”. Đây là cú hích mới của công ty liên quan đến người sáng tạo, thương mại và nền tảng điện toán tiếp theo. Trong ba lĩnh vực tăng trưởng đó, thương mại là phần mở rộng hợp lý nhất cho hoạt động kinh doanh của công ty Facebook.
Công ty Facebook đã xây dựng được mối quan hệ với hơn 7 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB), chưa kể các thương hiệu lớn nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ coi Facebook là một thành phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ, coi đó là công cụ thu hút khách hàng (customer acquisition) hoặc thậm chí là một cửa hàng kỹ thuật số đầy đủ.
Trước kia, SMB sử dụng Facebook để thu hút khách hàng. Những người này sau đó sẽ rời khỏi hệ sinh thái của Facebook để truy cập trang web của chính thương hiệu. Đối với các công ty thương mại điện tử, những trang đó thường được điều hành bởi Shopify.
Facebook là công cụ thu hút khách hàng chính của nhiều doanh nghiệp trong số này và có một lượng lớn dữ liệu từ người dùng và các nhấp chuột vào quảng cáo. Do đó, công ty này biết được mọi giá trị của các giao dịch đó, cho đến chính các khoản thanh toán, chứ không chỉ chi tiêu quảng cáo.
Thương mại không phải là mới đối với công ty Facebook. Gã khổng lồ truyền thông xã hội trước đây đã tung ra “Shops” trên Facebook và Instagram. Tuy nhiên, dường như lần này Facebook đã tìm ra cơ hội mới trong thương mại điện tử theo cách mà trước đây nó chưa từng có.
Doanh thu hàng năm từ thương mại điện tử gần đạt mốc 1 nghìn tỷ USD ở Hoa Kỳ. Con số trên toàn cầu cao hơn nhiều. Đối với một công ty có quy mô như công ty Facebook, thương mại điện tử là một trong số ít lĩnh vực có thể thực sự giúp họ chuyển mình.
Zuckerberg lý giải suy nghĩ của mình về thương mại đơn giản trong cuộc họp đơn giản như sau: “Cách làm của chúng tôi là tiến hành từng tầng một, từ trên xuống dưới như theo thứ tự của ngăn xếp. Chúng tôi xây dựng các dịch vụ đẳng cấp thế giới ở từng cấp độ một, bắt đầu từ việc khám phá tầng trên cùng của ngăn xếp rồi dần dà đến việc thanh toán.”
Nói cách khác, công ty Facebook muốn khách hàng có trải nghiệm mua sắm trọn vẹn trên nền tảng của mình. Facebook không muốn người dùng phải rời khỏi nền tảng của mình để đến trang web của thương hiệu hoặc của một cửa hàng Shopify. Zuckerberg lưu ý rằng một khi nhấp vào liên kết quảng cáo đưa người dùng rời khỏi trang Facebook, người dùng thường phải nhập lại thông tin thanh toán. Do đó, người dùng thường có trải nghiệm không tốt.
Facebook hiện có 1,2 triệu cửa hàng trên Facebook và Instagram Shops. Trong khi đó, kết thúc năm ngoái có 1,75 triệu người bán sử dụng phần mềm của Shopify. Facebook không thua kém nhiều so với nền tảng thương mại điện tử hàng đầu.
Shopify cung cấp phần mềm để quản lý các doanh nghiệp thương mại điện tử. Công ty này chỉ đứng sau Amazon trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, việc Apple thẳng tay “nắn” hoạt động nhắm mục tiêu quảng cáo có thể là một điều bất lợi đối với Shopify vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp nhỏ mà công ty này phụ thuộc vào.
Động thái này của Apple cũng là động lực để Facebook - có lẽ là nguồn lưu lượng truy cập lớn nhất của Shopify - đầu tư vào nền tảng thương mại của riêng mình, cuối cùng là chuyển các giao dịch từ Shopify sang công ty Facebook. Một khi cải tiến Shops, Facebook có thể ít nhiều chiếm thị phần của Shopify, đặc biệt nếu cung cấp mức chi phí thu hút khách hàng thấp nhất cho các SMB.
Các nhà đầu tư của Shopify dường như không mấy lo lắng về chuyện này. Công ty này tăng trưởng chóng mặt trong thời đại dịch. Doanh thu của nó tăng 57% lên 1,12 tỷ USD trong Q2. Shopify cũng có khả năng sinh lời “khủng”, có triển vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh dù với tốc độ bình thường hóa hơn so với năm ngoái.
Zuckerberg thừa nhận rằng sẽ mất nhiều thời gian để hiện thực hóa sáng kiến thương mại này, có thể mất nhiều năm Facebook mới thành một đế chế thương mại điện tử hùng mạnh. CEO Facebook cho biết: “Đây là một chiến lược dài hạn và sẽ mất một thời gian trước khi mang lại thành quả, đặc biệt là với quy mô hoạt động quảng cáo của chúng tôi. Nhưng tôi tin rằng đó là sự đánh cược dài hạn và định hướng sản phẩm đúng đắn.”
Miếng bánh thương mại điện tử đang ngày càng càng lớn, đủ lớn để làm hài lòng cả Facebook và Shopify. Tuy nhiên, việc công ty Facebook tìm cách giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái của mình sẽ ảnh hưởng đến Shopify. Các nhà đầu tư của Shopify nên theo dõi những gì đang xảy ra với Facebook Shops, đặc biệt là liên quan đến những động thái kìm hãm hoạt động nhắm mục tiêu quảng cáo của Apple. Apple càng siết chặt Facebook thì kết quả là Facebook càng có nhiều khả năng siết chặt Shopify.
Thu Trang – Theo The Motley Fool