logo
investo.vn-Banner-8.gif
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 07/10/2021

Jim Cramer khuyên đầu tư chứng khoán mảng công nghệ khi giá giảm

Vào hôm thứ Tư, ngôi sao truyền hình Jim Cramer của đài CNBC cho biết rằng những đợt sóng biến động dữ dội trên Phố Wall trong tháng 10 là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đang “dò tìm” đáy. Đó cũng là lý do khiến ông cảm thấy thích thú khi các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh về mức giá hiện tại.

“Tôi nghĩ nếu mọi người cứ gắn bó với những cổ phiếu tốt thì trước sau gì họ cũng sẽ ổn thôi,” ông Cramer chia sẻ trên chương trình “Squawk Box”. “Tôi thích mức giá hiện tại của các cổ phiếu công nghệ.”

“Cổ phiếu tăng trưởng cao vẫn tốt cơ mà. Và dù bạn thấy chúng sụt giảm thì vẫn cứ nên mua vào,” ông nói thêm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq một lần nữa phải chịu áp lực bán, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn tăng do giới đầu tư lo ngại về tình hình lạm phát. Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones và S&P 500 cũng giảm xuống mức thấp hơn trong phiên buổi sáng ngày thứ Tư. Cả ba chỉ số này đều dao động xen kẽ giữa hai thái cực tăng mạnh và giảm sâu kể từ hôm thứ Sáu tuần trước.

Tính đến cuối phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Nasdaq cách biệt 6% so với mức chốt phiên cao kỷ lục thiết lập vào ngày 07/09. Chỉ số S&P 500 cách biệt 4,2% so với mức đóng cửa kỷ lục của ngày 02/09. Chỉ số Dow Jones cách biệt gần 4% so với mức đóng cửa kỷ lục thiết lập vào ngày 16/08.

Mặc dù các chỉ số chuẩn ở thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa rơi về vùng điều chỉnh (theo định nghĩa, vùng điều chỉnh là khi giá giảm từ 10% trở lên so với mức đỉnh gần nhất), nhiều cổ phiếu công nghệ, trong đó bao gồm cả Apple và Amazon, đề đã điều chỉnh.

“Đó không phải là cú sụt giảm tổng thể của toàn bộ thị trường. Đó chỉ đơn giản là cơ hội để bạn mua vào những cổ phiếu thực sự thành công khi chúng không bị ảnh hưởng bởi lạm phát và thiếu hụt nguồn cung,” ông Cramer nói.

Giá cả các mặt hàng và tốc độ lạm phát đều tăng nhanh khiến dòng tiền tương lai của các công ty tăng trưởng cao, chẳng hạn như các cổ phiếu công nghệ, trở nên kém giá trị hơn. Điều đó có thể làm cho nhóm cổ phiếu này có vẻ được định giá quá cao. Việc lợi suất trái phiếu tăng cao hơn, mà yếu tố này vốn có thể làm tăng chi phí đi vay, cũng sẽ tạo áp lực cản trở các công ty công nghệ trong khâu rót vốn cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mua lại cổ phiếu.

Ông Cramer nói rằng tình hình lạm phát phát sinh do các vấn đề dài hạn của nền kinh tế không phải là một vấn đề thực sự ở Mỹ. Đó chỉ là tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng, "không phải lạm phát", ông nói. “Tình trạng thiếu hàng đang diễn ra ở khắp mọi nơi” và chính điều đó đã khiến giá cả tăng cao.

“Giới đầu tư chứng khoán bỗng bất thình lình thoái vốn khỏi các công ty tăng trưởng cao, và lựa chọn kiểu này chưa bao giờ đạt hiệu quả cả,” ông bổ sung.

“Các công ty thuộc nhóm FAANG về cơ bản đang cố gắng giảm lạm phát. Và họ không phải tốn một đồng chi phí nguyên liệu thô nào,” ông Cramer nói. Ông chính là người đã sáng tạo ra từ FANG, viết tắt của Facebook, Amazon, Netflix và Google (của Alphabet). Apple đã được thêm vào sau đó.

Trong chương trình "Mad Money" vào hôm thứ Ba, ông nhận định rằng dấu hiệu suy yếu gần đây của cổ phiếu Microsoft, vốn đang có giá thấp hơn 5% so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại thiết lập vào ngày 20/08, đã tạo ra một cơ hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư thông minh.

Đăng Khoa - theo CNBC

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

370-x-700.jpg