logo
investo.vn-Banner-8.gif
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 02/02/2023

Cổ phiếu "mãi xanh" AT&T: hầm trú ẩn an toàn thời thị trường Gấu

Gã khổng lồ viễn thông cuối cùng đã trở lại là một khoản đầu tư mãi xanh.

Cổ phiếu AT&T có đáng mua ở thời điểm hiện tại?

AT&T (T) đã công bố báo cáo thu nhập Q4 vào ngày 25 tháng 1. Doanh thu từ hoạt động liên tục của ông lớn viễn thông đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 31,3 tỷ USD nhưng vẫn thấp hơn 70 triệu USD so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) sau điều chỉnh từ các hoạt động liên tục đã tăng 9% lên 0,61 USD và vượt hơn 4 cent so với dự báo đồng thuận. Tốc độ tăng trưởng của AT&T có vẻ ổn định. Tuy nhiên, nhà đầu tư có nên mua cổ phiếu này ở mức đỉnh 6 tháng không? Hãy cùng xem xét tốc độ tăng trưởng và định giá của cổ phiếu để quyết định.

AT&T tinh gọn hơn đang tăng trưởng trở lại

Cổ phiếu AT&T có đáng mua ở thời điểm hiện tại?

Trong hai năm rưỡi qua, AT&T đã tinh giản hóa hoạt động kinh doanh của mình bằng cách loại bỏ DirecTV, thoái vốn khỏi WarnerMedia thông qua việc sáp nhập với Discovery để tạo ra Warner Bros. Discovery (WBD) và bán các công ty con truyền thông nhỏ hơn, các tài sản không cốt lõi và bất động sản. Những động thái thoái vốn đó cuối cùng đã chấm dứt nỗ lực lộn xộn và ngập trong nợ nần của AT&T nhằm xây dựng một đế chế truyền hình trả tiền và truyền phát trực tuyến, đồng thời cho phép công ty tập trung vào việc nâng cấp lại các mạng viễn thông không dây và có dây cốt lõi của mình. Những nỗ lực đó đã được đền đáp khi các mảng kinh doanh viễn thông cốt lõi của công ty tạo ra tăng trưởng ổn định trở lại.

Công ty AT&T tinh gọn hiện tạo ra phần lớn doanh thu từ ba phân khúc kinh doanh: Di động (69% doanh thu Q4), Kết nối có dây cho doanh nghiệp (18%) và Kết nối có dây cho người tiêu dùng (10%). Như bảng dưới đây minh họa, tăng trưởng ổn định của doanh thu mảng Di động và Kết nối có dây cho người tiêu dùng đã bù đắp một cách nhất quán cho sụt giảm liên tục của mảng Kết nối có dây cho doanh nghiệp – vốn phải đối mặt với những thách thức vĩ mô và cạnh tranh khó khăn – trong năm qua.

Tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm trước

Q1 2022

Q2 2022

Q3 2022

Q4 2022

Di động

5,5%

5,2%

6%

1,7%

Kết nối có dây cho doanh nghiệp

(6,7%)

(7,6%)

(4,5%)

(4,5%)

Kết nối có dây cho người tiêu dùng

2%

1,1%

1,4%

2,2%

Tổng doanh thu

2,5%

2,2%

3,1%

0,8%

Nguồn dữ liệu: AT&T.

Mảng kinh doanh không dây của AT&T, động lực tăng trưởng cốt lõi của phân khúc Di động, đã có thêm 2,9 triệu thuê bao điện thoại trả sau vào năm 2022. Đối thủ lớn hơn của công ty là Verizon (VZ) chỉ có thêm 201.000 thuê bao điện thoại trả sau. AT&T cũng đang giữ chân thuê bao không dây tốt hơn. Tỷ lệ hủy dịch vụ thuê bao điện thoại trả sau đã giảm một điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái xuống 0,84% trong Q4. Trong khi đó, tỷ lệ hủy dịch vụ của Verizon đã tăng 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái lên 0,89% trong Q4.

Trong cuộc gọi thu nhập Q4, CFO Pascal Desroches của AT&T cho rằng tăng trưởng vượt trội đó là nhờ “các hành động định giá có mục tiêu, khách hàng nâng cấp lên các gói cước không giới hạn với giá cao hơn và xu hướng chuyển vùng được cải thiện”.

Tổng doanh thu dịch vụ không dây của AT&T đã tăng 8% trong năm 2022 và dự đoán con số đó sẽ tăng ít nhất 4% vào năm 2023. Công ty cũng dự kiến tổng doanh thu băng thông rộng -- tăng 6% trong năm 2022 khi mạng cáp quang hướng đến người tiêu dùng Fiber được mở rộng -- sẽ tăng hơn 5% vào năm 2023. Các nhà phân tích kỳ vọng tổng doanh thu của công ty sẽ tăng 2% trong cả năm.

Biên lợi nhuận và dòng tiền ổn định

Biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) sau điều chỉnh của AT&T đã giảm 310 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 32,6% trong Q4. Mặc dù vậy, kết quả vẫn cải thiện 210 điểm cơ bản so với Q4/2021. Cả ba mảng kinh doanh cốt lõi của AT&T đều mở rộng biên lợi nhuận EBITDA sau điều chỉnh qua từng năm khi công ty thu hẹp quy mô của các bộ phận yếu hơn và tập trung phần lớn chi tiêu vào 5G và nâng cấp cáp quang.

Đối với năm 2023, công ty dự kiến chi tiêu vốn đầu tư sẽ gần như không đổi so với năm 2022 ở mức 24 tỷ USD trong khi EBITDA sau điều chỉnh tăng ít nhất 3%. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng EBITDA sau điều chỉnh sẽ tăng 3% lên 42,8 tỷ USD trong cả năm.

AT&T dự kiến EPS sau điều chỉnh sẽ giảm khoảng 5% đến 9% trong năm 2023 khi công ty nhận thấy tác động 0,25 USD từ chi phí lương hưu không phải tiền mặt cao hơn và thuế suất cao hơn. Nếu loại trừ ảnh hưởng đó, EPS sau điều chỉnh của AT&T có thể sẽ tăng khoảng 1% đến 5%. Để so sánh, Verizon dự kiến EBITDA sau điều chỉnh của họ sẽ gần như không thay đổi trong năm 2023 và EPS sau điều chỉnh sẽ giảm khoảng 6% đến 12% do công ty tiếp tục dựa vào các chương trình khuyến mãi ăn vào lợi nhuận và trợ cấp cho thiết bị cầm tay để thu hút khách hàng không dây mới.

AT&T cũng kỳ vọng dòng tiền tự do hàng năm (FCF) sẽ tăng ít nhất 2 tỷ USD lên hơn 16 tỷ USD vào năm 2023. Điều này sẽ mang lại nhiều dư địa để công ty hỗ trợ cổ tức (đã tiêu tốn 9,9 tỷ USD FCF vào năm 2022) và các chương trình mua lại cổ phiếu trong tương lai.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, AT&T đã nhắc lại mục tiêu giảm nợ ròng xuống chỉ còn bằng 2,5 lần EBITDA sau điều chỉnh trong năm nay. Tỷ lệ đòn bẩy đó vẫn rất cao, nhưng nó đã thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ đỉnh điểm 3,1 lần trong Q1/2021.

Cổ phiếu AT&T có đáng mua ở thời điểm hiện tại?

AT&T vẫn là khoản đầu tư trú ẩn an toàn tuyệt vời

Ở mức giá 20 USD/cổ phiếu, AT&T chỉ giao dịch bằng 8 lần EPS sau điều chỉnh  ước tính cho năm 2023 tại điểm giữa của phạm vi hướng dẫn. Công ty cũng trả tỷ suất kỳ hạn 5,6%. AT&T chắc chắn không phải là một cổ phiếu thú vị. Tuy nhiên, mức định giá thấp, tỷ suất cao và tốc độ tăng trưởng ổn định của công ty sẽ tiếp tục biến nó thành một lựa chọn đầu tư trú ẩn an toàn tuyệt vời khi thị trường gấu tiếp tục kéo dài.

Huân Hà - theo fool

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

370-x-700.jpg