logo
investo.vn-Banner-8.gif
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 10/12/2019

Cổ Phiếu An Toàn: Đừng Bỏ Lỡ 4 Cổ Phiếu Này Trong Năm 2020

Những cổ phiếu an toàn này có thể bảo vệ nhà đầu tư khỏi biến động do cuộc chiến tranh thương mại thất thường gây ra.

Lựa chọn cổ phiếu an toàn để tránh xa các rủi ro biến động Lựa chọn cổ phiếu an toàn để tránh xa các rủi ro biến động

Thị trường chứng khoán đã có một năm 2019 tuyệt vời. Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 28%. Nếu đến cuối năm 2019, chỉ số này giữ mức giá như hiện tại thì 2019 sẽ là một năm tốt nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 2013, và là năm tốt thứ 3 kể từ 2000.

Nhưng 2019 là một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã hơn 10 lần sụt giảm điểm từ 2% trở lên. Nếu bởi chính bản thân thị trường thì chẳng có gì gây sốc. Điều gây sốc là hầu như tất cả những lần rớt điểm đều có chung thủ phạm: cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Vì vậy, mặc dù trong thời gian tới những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ lắng dịu và thị trường sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, phải thừa nhận rằng cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc. Diễn biến căng thẳng sẽ xảy ra suốt năm 2020 và mỗi lần như vậy sẽ kéo theo một đợt điều chỉnh khốc liệt của thị trường chứng khoán.

Trong tình cảnh đó, việc chọn những cổ phiếu an toàn để tránh xa những rủi ro biến động là vô cùng hợp lý. Dưới đây là danh sách 4 cổ phiếu an toàn nên mua bởi chúng có các yếu tố nội tại mạnh mẽ và gần như miễn nhiễm trước rủi ro từ cuộc chiến thương mại.

Những cổ phiếu an toàn để đầu tư: AT&T (T)

Gã khổng lồ ngành viễn thông AT&T Gã khổng lồ ngành viễn thông AT&T

Lý do cốt yếu để gã khổng lồ ngành viễn thông AT&T (NYSE:T) trở nên hấp dẫn giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là công ty này cung cấp đa dạng các dịch vụ truyền thông không dây và có dây mà người tiêu dùng ở Mỹ cần, bất kể tình hình thương mại toàn cầu. Nói chung, dù cho cuộc chiến thương mại có diễn ra thế nào, xu hướng doanh thu và lợi nhuận của AT&T vẫn sẽ tương đối ổn định, do đó, giá cổ phiếu của hãng cũng sẽ khá bình ổn.

Hơn nữa, cổ phiếu AT&T có hai chất xúc tác khổng lồ có thể thúc đẩy cổ phiếu tăng cao hơn nữa trong năm 2020. Trước hết, sự lớn mạnh của mạng 5G sẽ khiến nhu cầu về dịch vụ không dây của AT&T cao hơn với mức giá cạnh tranh hơn, cũng như gia tăng số lượng thiết bị kết nối trong mạng lưới không dây của AT&T. Thứ hai là lực đẩy lớn trong mảng truyền phát với HBO Max. Nếu dịch vụ này có được động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường truyền phát, thì đó chính là giải pháp cho bài toán “cắt cáp” mà hãng đang phải đối mặt và cổ phiếu sẽ được hưởng lợi khi không còn lo ngại về xu hướng “cắt cáp” – điều đã xảy ra với cổ phiếu Disney (NYSE : DIS) và Disney+.

Còn 2 điều về cổ phiếu T không thể không đề cập đến: 1) cổ phiếu này quá rẻ, chỉ gấp 11 lần thu nhập dự phóng, và 2) tỷ suất cổ tức của cổ phiếu khá khủng, hơn 5%.

Facebook (FB)

Facebook vẫn luôn là 1 cổ phiếu an toàn Facebook vẫn luôn là 1 cổ phiếu an toàn

Facebook không hoạt động ở Trung Quốc, vì vậy mà Trung Quốc không có cớ gì để lôi kéo Facebook vào cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Hơn nữa, tài sản của FB sẽ vẫn rất hấp dẫn ở những nước mà hãng đang hoạt động, bất kể tình hình thương mại. Đó là vì Facebook cung cấp dịch vụ giải trí và thông tin cần thiết đối với khách hàng, như thể việc phải đánh răng hoặc chải tóc mỗi ngày vậy. Vì vậy mà chừng nào người tiêu dùng vẫn còn tương tác trên nền tảng này, các nhà quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục đổ tiền vào hệ sinh thái Facebook để thu hút khách hàng.

Chắc chắn căng thẳng thương mại leo thang có nguy cơ làm đình trệ các kế hoạch chi tiêu vốn, trong đó có quảng cáo. Trên lý thuyết, nếu chiến tranh thương mại trở nên thực sự tồi tệ, ngân sách quảng cáo trên Facebook có thể bị ảnh hưởng. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra và sẽ không xảy ra trong tương lai gần bởi lẽ việc cắt giảm ngân sách quảng cáo trên Facebook là điều không ai muốn làm trừ khi mọi thứ trở nên thực sự tệ hại.

Điều quan trọng nhất là cổ phiếu FB thực sự không chịu tác động do chiến tranh thương mại gây nên. Đồng thời, đây là một công ty tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 20% và hiện đang giao dịch tại mức giá hơn 25 lần thu nhập dự phóng, một sự kết hợp hấp dẫn giữa mức rủi ro tối thiểu và tiềm năng tăng giá rất lớn.

Walmart (WMT)

Thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ Walmart Thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ Walmart

Nhà đầu tư có thể sốc khi thấy gã khổng lồ ngành bán lẻ Walmart (NYSE:WMT) góp mặt trong danh sách này. Wallmart hoạt động trong thế giới bán lẻ, và thuế quan đã có ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành bán lẻ toàn cầu dưới hình thức giá đầu vào tăng cao.

Mức thuế càng cao, chi phí đầu vào của Wallmart càng tăng, và như thế có nghĩa là 1) thêm gánh nặng vào biên lợi nhuận của Walmart, hoặc 2) đẩy giá bán trên kệ của Walmart lên. Nhưng nếu bạn nhìn bao quát hơn, sẽ dễ thấy Walmart thật ra vẫn sinh lời. 

Nếu căng thẳng giảm bớt trong năm 2020, Walmart sẽ chạy hết tốc lực để mở rộng hệ thống bán hàng đa kênh “omni-channel” và thương mại điện tử. Ngược lại, nếu căng thẳng leo thang, vấn đề thuế quan sẽ gây sức ép lên toàn bộ ngành bán lẻ. Nhưng người tiêu dùng sẽ không thôi mua sắm, họ sẽ chỉ cân nhắc hơn về giá cả của hàng hóa. Càng nhạy cảm về giá, họ càng có nhiều khả năng sẽ mua sắm tại các cửa hàng giảm giá và Walmart là vua trong phân khúc này.

Đây chính xác là lý do tại sao cổ phiếu WMT có hiệu suất vượt trội hơn nhiều so với thị trường chung trong thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua. Người tiêu dùng không ngừng mua sắm khi gặp khó khăn, họ chỉ mua sắm một cách thông minh hơn.

Nói chung, cổ phiếu WMT là một cổ phiếu rất an toàn để mua, vì cổ phiếu sẽ vượt trội bất kể cuộc chiến thương mại chuyển biến như thế nào.

McDonald’s (MCD)

Gã khổng lồ ngành thức ăn nhanh McDonald's Gã khổng lồ ngành thức ăn nhanh McDonald's

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là gã khổng lồ ngành thức ăn nhanh toàn cầu McDonald's (NYSE: MCD).

Sự lạc quan về cổ phiếu MCD khá đơn giản. Bất kể cuộc chiến thương mại diễn tiến như thế nào, người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn cần phải ăn. Do đó, họ vẫn sẽ ghé thăm các cửa hàng McDonald's. Hơn nữa, căng thẳng thương mại nếu leo thang sẽ ảnh hưởng chung đến người tiêu dùng, vì lẽ đó, sẽ buộc người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn về giá. Họ càng trở nên nhạy cảm về giá, họ sẽ càng cắt giảm chi phí. Một cách để cắt giảm chi phí ư? Thôi không còn đến các nhà hàng đắt tiền nữa, và bắt đầu đi đến McDonald's.

Chính vì vậy, giống như Walmart, McDonald's, được hậu thuẫn bởi thực tế là người tiêu dùng không ngừng mua sắm khi khó khăn - họ chỉ bắt đầu mua những thứ rẻ hơn.

Cũng cần lưu ý, thuế quan đã không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của McDonald's, và sắp tới cũng sẽ vậy. Từ "thuế" không được đề cập một lần nào trong suốt cuộc họp công bố kết quả kinh doanh gần đây nhất của công ty. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng không được đề cập. Việc không ảnh hưởng đến vấn đề tài chính này sẽ giúp bảo vệ cổ phiếu MCD khỏi biến động thị trường do cuộc chiến tranh gây ra vào năm 2020.

Thu Trang - Theo investorplace

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

370-x-700.jpg