AT&T đang dọn dẹp bảng cân đối kế toán của mình. Liệu điều đó có đủ để mang lại lợi thế cho công ty trong cạnh tranh với Verizon?
Cán cân cạnh tranh giữa AT&T (NYSE: T) và Verizon Communications (NYSE: VZ) đã nghiêng về phía Verizon trong những năm gần đây vì AT&T đã đầu tư rất nhiều vào các tài sản không liên quan đến 5G. AT&T đã mắc phải những sai lầm rất tốn kém trong các dự án không cốt lõi này. Tuy nhiên, hiện tại họ đang nỗ lực để sửa chữa những sai lầm đó.
Câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư là liệu điều đó có khiến cổ phiếu AT&T trở thành lựa chọn tốt hơn so với cổ phiếu Verizon hay không. Chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn hai ông lớn viễn thông này.
AT&T cuối cùng đã bắt đầu giải quyết tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các khoản đầu tư không phải 5G của mình. DirecTV đã tiêu tốn của AT&T 67.1 tỷ USD cả tiền mặt và nợ vào năm 2015. Đầu năm nay, thương vụ chia tách DirecTV đã định giá tài sản này chỉ ở mức 16.25 tỷ USD. Ngoài ra, mặc dù thương vụ chia tách WarnerMedia sẽ mang về cho AT&T 43 tỷ USD, các nhà đầu tư cần nhớ rằng AT&T đã mua Time Warner cũ với giá đến 109 tỷ USD.
AT&T thông báo họ sẽ "điều chỉnh" khoản chi trả cổ tức của mình xuống còn khoảng 8 tỷ đến 9 tỷ USD. Con số này giảm khoản một nửa so với mức chi trả 15 tỷ USD trước đó và khiến AT&T mất danh hiệu Quý tộc Cổ tức. AT&T đã tăng cổ tức trong 36 năm liên tiếp trước sự điều chỉnh này.
Bất chấp những quyết định đau đớn đó, công ty đã có được một số thành công bước đầu. Trong cuộc gọi báo cáo thu nhập Q2/2021, CEO John Stankey thông báo dịch vụ cáp quang của AT&T đã được đánh giá là tốt nhất về mức độ hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, tỷ lệ khách hàng hủy dịch vụ ở cả thuê bao điện thoại trả sau và băng thông rộng đều giảm xuống mức thấp kỷ lục. Công ty đã công bố mức tăng trưởng ròng số lượng thuê bao tốt nhất trong hơn một thập kỷ.
AT&T đã báo cáo doanh thu đạt 88 tỷ USD trong hai quý đầu năm 2021, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập ròng trong giai đoạn này cũng đạt 9 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng lúc, chi phí lãi vay đã giảm xuống và thu nhập khác tăng gần gấp ba lần. Do lẽ đó, công ty báo cáo khoản lãi 2.8 tỷ USD trong Q1.
Những tiến triển này có thể giúp AT&T giải quyết khoản nợ gần 180 tỷ USD tính đến cuối Q2. Với vốn chủ sở hữu cổ phần (giá trị của công ty tính bằng cách lấy tài sản trừ đi nợ phải trả) ở mức 180 tỷ USD, nghĩa vụ nợ này đang đè nặng lên bảng cân đối kế toán của AT&T.
Giảm nợ cũng có thể giúp ích cho AT&T. Cổ phiếu đã mất khoảng 5% giá trị trong 12 tháng qua. Mặc dù hệ số giá trên thu nhập (P/E) ở mức 18 lần hiện thấp hơn so với giá trị trong quá khứ, hệ số này có vẻ cao đối với một công ty đã không đạt được nhiều sức hút về mặt thu nhập.
Bất chấp những cải thiện của AT&T, Verizon vẫn tiếp tục tập trung vào chất lượng. Gần đây, nhà mạng này đã giành được giải thưởng RootMetrics cho hiệu suất mạng tổng thể tốt nhất trong năm thứ 15 liên tiếp. Công ty cũng đã giành được vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của JD Power về chất lượng mạng lần thứ 26 liên tiếp.
Có lẽ quan trọng hơn, khi so sánh cuộc gọi thu nhập Q2/2021 của Verizon với cuộc gọi của AT&T, sự khác biệt rõ ràng là Verizon nhấn mạnh vào động lực chính thúc đẩy tăng trưởng 5G của công ty - mô hình mạng như một dịch vụ (NaaS). NaaS là một dịch vụ dựa trên đăng ký có thể kích hoạt và kết nối các ứng dụng AI, thực tế ảo và Internet-of-Things (IoT). Dịch vụ này có thể hỗ trợ cho nhiều ứng dụng khác nhau, từ ô tô tự hành, học từ xa đến y tế từ xa.
Nhằm thúc đẩy dịch vụ này, Verizon đã chi 45 tỷ USD để mua quyền sử dụng phổ vô tuyến C-Band hồi đầu năm, gần gấp đôi số tiền AT&T đã chi. Phổ vô tuyến là "bất động sản" trong lĩnh vực kết nối không dây. Điều này cho phép ="color: #000000;" sử dụng độc quyền băng tần có thể hỗ trợ dịch vụ không dây cấp 5G.
Việc mua quang phổ này đã khiến khoản nợ của Verizon tăng lên 152 tỷ USD. Mặc dù không cao bằng khoản nợ của AT&T nhưng với vốn chủ sở hữu cổ phần ở mức 75 tỷ USD, mức nợ này khiến gánh nặng của Verizon trở nên căng thẳng hơn so với đối thủ của mình.
Phổ vô tuyến này đã giúp công ty mang lại doanh thu hơn 66.6 tỷ USD trong hai quý đầu năm 2021, nhiều hơn 7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, thu nhập ròng của Verizon cũng đã tăng 24% trong giai đoạn này lên 11.3 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu nhờ chi phí hoạt động tăng chậm lại, chi phí lãi vay giảm xuống và thu nhập từ các hoạt động liên quan đến tài chính tăng lên.
Mặc dù Verizon vẫn chưa đạt được danh hiệu Quý tộc Cổ tức, công ty đã tăng cổ tức mỗi năm kể từ năm 2007. Không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi. Với tỷ suất cổ tức 4.5% ở thời điểm hiện tại, nhiều khả năng cổ tức của Verizon sẽ cao hơn mức cổ tức mới của AT&T.
Cổ tức đã là nguồn lợi nhuận duy nhất của nhà đầu tư Verizon trong 12 tháng qua do cổ phiếu Verizon giảm 2% trong thời gian này. Tuy nhiên, với hệ số P/E ở mức 11 lần, cổ phiếu Verizon đang có định giá rẻ hơn AT&T ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù tăng trưởng đột biến về doanh thu và thu nhập của AT&T có vẻ đáng khích lệ, cổ phiếu Verizon dường như vẫn là lựa chọn tốt hơn giữa hai cổ phiếu viễn thông này. Nhờ tránh được những sai lầm tốn kém, Verizon đã có thể duy trì cổ tức của mình khi cổ phiếu giao dịch ở mức định giá thấp hơn. Hơn nữa, tiềm năng từ dòng doanh thu NaaS của Verizon sẽ giúp công ty trả bớt nợ và gia tốc tăng trưởng thu nhập theo thời gian.
Huân Hà - Theo Fool