Góc nhìn về những kết quả khác nhau của các kiểu chiến thuật kết hợp cổ phiếu và trái phiếu.
Cổ phiếu và trái phiếu đều là những công cụ đầu tư phổ biến, và mỗi loại đều có “thần thái” riêng của chúng trong thế giới đầu tư. Để chúng ta biết mình nên đầu tư bao nhiêu vào từng loại tài sản này thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác cá nhân, mục tiêu, khả năng chống chịu rủi ro và mức vốn sẵn có.
Khi bắt đầu đầu tư, bạn nên đào sâu để hiểu về những vai trò khác nhau của cổ phiếu và trái phiếu đối với danh mục đầu tư của mình ngoài việc tạo ra nguồn thu nhập hoặc tăng trưởng. Có một điểm quan trọng là bạn phải tự làm quen với từng kênh đầu tư đó cũng như với một số chiến lược khác nhau mà bạn có thể sử dụng, như vậy bạn mới có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn cho các mục tiêu tài chính của mình.
Mỗi cổ phiếu đại diện cho một phần quyền sở hữu trong một doanh nghiệp. Ví dụ: nếu bạn sở hữu một gánh hàng bán bánh mì và chia nó thành mười phần, mỗi phần (cổ phiếu) đó được hưởng 1/10 lợi nhuận hoặc chịu 1/10 thua lỗ. Nếu doanh nghiệp được niêm yết công khai, 10 cổ phiếu đó sẽ được mua và bán trên thị trường chứng khoán. Nếu bạn sở cả 10 cổ phiếu thì tức là bạn sở hữu doanh nghiệp đó 100%.
Thị trường chứng khoán giống như một cuộc đấu giá theo thời gian thực mà tại đó các chủ sở hữu hiện tại và tiềm năng sau này sẽ đấu thầu với nhau để giành mua cổ phần (quyền sở hữu) trong các công ty đại chúng, giống như gánh bán bánh mì vậy.
Lưu ý: Có một quan niệm sai lầm phổ biến là trái phiếu an toàn hơn cổ phiếu, thực ra phải nói rằng cổ phiếu và trái phiếu có những rủi ro khác nhau và chúng phản ứng cũng khác nhau trước những lần biến chuyển của thị trường.
Mỗi trái phiếu đại diện cho một khoản tiền cho vay từ phía bên mua trái phiếu cho bên phát hành trái phiếu. Trái phiếu chính phủ được phát hành bởi các quốc gia, trái phiếu đô thị hay trái phiếu địa phương được phát hành bởi các tỉnh/thành phố, và trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các doanh nghiệp.
Ta sẽ dùng hình tượng gánh bán bánh mì làm ví dụ đơn giản, nếu bạn phát hành trái phiếu thu nhập cố định trị giá 10.000 USD cho nhà đầu tư với lãi suất coupon là 4%, bạn sẽ nhận được tiền đầu tư từ họ và chịu nợ họ 4% mệnh giá trái phiếu mỗi năm. Tiếp theo, ngày đáo hạn của trái phiếu sẽ được thiết lập và tại thời điểm đó bạn phải trả lại vốn cho nhà đầu tư.
Trái phiếu sau đó có thể được các nhà đầu tư đem đi giao dịch trên thị trường thứ cấp, mức giá mà họ sẵn sàng chi trả sẽ thay đổi tùy theo lãi suất hiện hành. Nói một cách đơn giản tức là nếu lãi suất tăng, giá trái phiếu hiện tại thường sẽ giảm. Ở hướng ngược lại, nếu lãi suất giảm thì giá trái phiếu hiện tại sẽ tăng vì sẽ có nhiều nhu cầu hơn đối với những trái phiếu lãi suất cao hơn.
Cổ phiếu khét tiếng là rất dễ biến động. Khi giới đầu tư bỏ tiền ra mua chúng, nếu lợi nhuận không được đảm bảo thì lòng tham và nỗi sợ hãi đôi khi có thể tràn ngập thị trường. Có những doanh nghiệp rất tốt thực chất đã được “bán như cho” trong thời kỳ thị trường đi xuống và suy thoái kinh tế, cổ phiếu của họ được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực mà họ xứng đáng.
Ở phía ngược lại, có những thời kỳ mà các doanh nghiệp không tạo ra nổi lợi nhuận lại được giao dịch ở mức giá cao một cách khó hiểu, hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với giá trị thực của chúng. Ví dụ điển hình cho hiện tượng này là vào năm 1999 lúc bong bóng dotcom lên mức đỉnh điểm, các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng cao đến mức phi lý về lợi nhuận tương lai của các công ty internet. Khi họ ngỡ ngàng nhận ra rằng các công ty này đã được định giá quá cao, bong bóng thị trường liền vỡ và khiến thị trường sụp đổ.
Mẹo nhỏ: Có một chiến lược hay để tránh bong bóng đầu tư và sự kiện sụp đổ tiếp sau đó là tránh xa các xu hướng đầu tư “nóng” ở bất cứ thời kỳ nào. Nhiều người trong giới đầu tư và trader đã mất đi rất nhiều tiền chỉ vì chạy theo xu hướng.
Có một ví dụ khác còn khiến cổ phiếu càng trở nên khó hiểu hơn: một doanh nghiệp đã giúp cho rất nhiều thế hệ trở nên giàu có như Tập đoàn Hershey từng phải chịu đựng một khoảng thời gian mất giá mạnh như trong những năm 2005-2009 khi cổ phiếu của họ dần mất đi 55% giá trị thị trường mặc dù lợi nhuận và cổ tức đều tăng.
Trái phiếu thường ít biến động hơn so với cổ phiếu, mặc dù trái phiếu đôi khi có thể gặp biến động lớn về giá vào những lúc thị trường sụp đổ như giai đoạn 2007-2009, một số ngân hàng đầu tư đã tuyên bố phá sản và họ phải cố kiếm đủ nguồn tiền mặt bằng mọi cách sau khi bong bóng nhà đất vỡ tan. Những ngân hàng này đã bán ra một lượng lớn chứng khoán có thu nhập cố định trên thị trường, khiến giá giảm.
Điểm quan trọng: Một số loại trái phiếu được thiết kế tính năng bảo vệ để chống biến động, chẳng hạn như trái phiếu tiết kiệm Series EE (từ chính phủ Mỹ), chúng có thể được quy đổi ra giá trị hiện tại bất kể điều kiện thị trường ra sao, dù bạn có thể sẽ bị phạt trên phần lãi do rút sớm.
Khả năng trả lãi còn nợ của doanh nghiệp thường được đánh giá qua tỷ lệ thanh toán lãi vay (lợi nhuận trước thuế và lãi chia cho chi phí lãi vay). Nếu đơn vị phát hành trái phiếu có tỷ lệ thanh toán lãi vay tốt và có thể trả giá vốn gốc của trái phiếu khi đáo hạn, thì rủi ro lớn nhất khi đầu tư vào trái phiếu chỉ là bên đầu tư được hứa sẽ trả nợ trong tương lai bằng loại tiền tệ cố định trên danh nghĩa. Nói cách khác, khi bạn mua một trái phiếu dài hạn, rủi ro mà bạn nhận chính là sức mua sẽ giảm đáng kể trong dài hạn.
Chẳng hạn, trái phiếu dài hạn 10.000 USD có thể trả lại bạn đúng 10.000 USD khi đáo hạn, nhưng giá trị của nó có thể không còn giống như lúc bạn chi tiền ra mua chúng (tiền mất giá trị theo thời gian do lạm phát). Thậm chí lãi suất coupon cũng có thể không bù đắp được tổn thất do lạm phát cho bạn. Ngoài ra, lợi nhuận của bạn có thể còn thấp hơn so với trường hợp bạn chọn đầu tư vào cổ phiếu.
Nếu được sử dụng song song, cổ phiếu và trái phiếu có thể cân bằng tính biến động trong danh mục đầu tư. Bằng cách kết hợp cả hai một cách có tính toán, có khả năng bạn sẽ giảm thiểu được rủi ro của từng loại và tạo được lớp bảo vệ vững chắc nếu nền kinh tế bất ngờ suy thoái hoặc sụp đổ.
Có một chiến lược thông dụng dùng để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư đó là lấy 100 trừ đi số tuổi của họ, kết quả thu được sẽ là tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục đầu tư cá nhân và phần còn lại là dành cho trái phiếu. Khi càng lớn tuổi hơn, cũng dựa trên chiến lược lấy 100 trừ đi tuổi như trên, bạn nên chuyển dần cổ phiếu sang trái phiếu.
Ngoài ra cũng có nhiều chiến lược đầu tư khác để bạn áp dụng nhằm phân bổ tài sản đầu tư. Quỹ Vanguard có một danh sách các chiến lược phân bổ để họ sử dụng tùy theo mục tiêu của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư nào quan tâm thì có thể lựa chọn các phương thức phân bổ đầu tư dựa trên lợi nhuận, tính cân bằng hoặc sức tăng trưởng.
Lưu ý: Dù hai danh mục đầu tư có chứa những loại cổ phiếu và trái phiếu hoàn toàn giống nhau, theo cùng một tỷ lệ và cùng một khung thuế, nhưng kết quả giá trị tài sản ròng của chúng có thể rất khác nhau tùy theo cấu trúc nắm giữ các loại chứng khoán đó.
Bên cạnh phân bổ tài sản, điểm quan trọng là phải lập danh mục đầu tư kết hợp giữa cổ phiếu và trái phiếu dựa trên chiến lược quản lý thuế. Thuế có thể ngốn một phần lớn số vốn của bạn nếu bạn không đặt tài sản của mình đúng nơi có lợi thế về thuế cho từng loại tài sản khác nhau.
Ví dụ: nếu bạn sở hữu trái phiếu có thu nhập từ lãi cao nhưng phải đóng thuế và cổ phiếu không trả cổ tức trong danh mục đầu tư của mình, bạn sẽ bị đánh thuế gần gấp đôi so với tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong khi đó bạn có thể đưa số trái phiếu lợi tức cao của mình vào SIMPLE IRA (một dạng tài khoản hưu trí cá nhân) và giữ cổ phiếu không trả cổ tức trong tài khoản môi giới chịu thuế. Chiến thuật này cho phép bạn trì hoãn thuế phải đóng cho số cổ tức lợi nhuận cao và chỉ phải trả mức thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax) thấp hơn cho những cổ phiếu mà bạn bán ra.
Theo Đăng Khoa