Dưới đây là bảy bài học quan trọng bạn có thể học được trong quá trình tìm kiếm cổ phiếu trả cổ tức hấp dẫn. Áp dụng những bài học này, bạn có thể tránh mắc một số sai lầm đầu tư tốn kém.
Bật Mí: Cách Tìm Cổ Phiếu Cổ Tức Tốt Nhất
Có quá nhiều cổ phiếu bạn có thể đầu tư trên thị trường. Vì vậy, thay vì lục tung tất cả chúng lên, hãy bắt đầu một quy trình sàng lọc để loại bỏ những cái tên mà bạn không thấy hứng thú.
Bạn có thể sàng lọc, xếp các công ty vào những danh sách như: Danh sách các công ty đã tăng mức chi trả cổ tức hàng năm trong ít nhất 10, 25, hoặc 50 năm liên tiếp. Procter & Gamble (NYSE:PG), Hormel (NYSE:HRL), Federal Realty (NYSE:FRT) có thể là một số cái tên thường xuất hiện trong những danh sách như thế này.
Dù nằm trong một trong những danh sách trên, không có gì đảm bảo là công ty đó sẽ không cắt giảm cổ tức. Tuy nhiên, những danh sách như thế này phần nào giúp bạn hình dung cam kết của ban lãnh đạo công ty đối với việc chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư thông qua chi trả cổ tức.
Điều này không có nghĩa là bạn không thể chọn các công ty nhỏ. Tuy nhiên, những công ty lớn hơn thường có tiềm lực tài chính để cạnh tranh hiệu quả hơn. Cần phải xét trên nhiều phương diện, như đa dạng hóa kinh doanh và khả năng tiếp cận vốn. Và, thành thật mà nói, các công ty lớn thường làm rất tốt trên những phương diện này.
Tất nhiên, cũng có những công ty lớn không đáng để đầu tư. Nhưng bắt đầu với những công ty lớn hơn rồi mới đến những công ty nhỏ hơn có thể giúp bạn có những lựa chọn ít rủi ro hơn. Ví dụ, bạn mua cổ phiếu của W.P. Carey (NYSE:WPC) thay vì cổ phiếu của Four Corners (NYSE:FCPT). Cả hai đều là quỹ tín thác đầu tư bất động sản hoạt động tốt với danh mục đầu tư cho thuê ròng.
Tuy nhiên, W.P. Carey lớn gấp khoảng 6 lần (tính theo vốn hóa thị trường), đa dạng hóa hơn và có lịch sử thành công lâu đời hơn nhiều. Tất nhiên, Four Corners cũng có thể làm cho các cổ đông của mình trở nên giàu có. Nhưng nếu rủi ro lớn hơn lợi nhuận tiềm năng, bạn nên chọn cách tiếp cận khác dù cách này chậm và nhàm chán hơn.
Báo cáo tình hình tài chính của một công ty là nền tảng để công ty đó xây dựng hoạt động kinh doanh của mình. Hãy đi sâu vào các con số thực tế, xem xét những chỉ số như tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E), tỷ lệ nợ trên EBITDA (D/EBITDA), xu hướng nợ theo thời gian và tỷ lệ hiện tại. Bạn cũng nên xem qua báo cáo thu nhập để kiểm tra khả năng thanh toán lãi vay. Từ đó, bạn sẽ nắm bắt được tình hình tài chính tổng thể của một công ty và biết liệu công ty có thể đảm bảo chi trả cổ tức trong thời kỳ khó khăn hay không.
Một cách đơn giản hơn là xem xét xếp hạng từ các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s và S&P. Cách này giúp bạn loại trừ những công ty yếu kém mà không cần mất nhiều công sức.
Một công ty với báo cáo tình hình tài chính vững mạnh có thể chi nhiều hơn số tiền kiếm được trong một thời gian ngắn mà không gặp quá nhiều khó khăn. Đó là bởi vì cổ tức được trả từ dòng tiền chứ không phải thu nhập (có thể bị tính phí phi tiền mặt làm sai lệch chỉ số trong ngắn hạn). Nói chung, tỷ lệ chi trả của một công ty càng thấp thì càng tốt. Tuy nhiên, bạn phải tính đến ngành nghề bạn đang nghiên cứu. Lý do là một số loại hình công ty có thể chịu được tỷ lệ chi trả cao hơn những loại hình khác.
Bạn phải kiểm tra sự tỉnh táo của mình vì khi mua cổ phiếu trả cổ tức của một công ty, bạn thực sự rất dễ bị cuốn vào câu chuyện thương hiệu của công ty đó mà bỏ qua các vấn đề khác.
Ví dụ, tỷ suất cổ tức của các cổ phiếu năng lượng khá cao. Tuy nhiên, bạn đang chần chừ trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của một công ty trung nguồn (midstream). Lý do là bạn lo ngại về sự phức tạp của loại hình doanh nghiệp MLP (doanh nghiệp hợp doanh trách nhiệm hữu hạn được giao dịch công khai) và triển vọng dài hạn của các công ty trung nguồn.
Sau một hồi cân nhắc, bạn quyết định mua cổ phiếu của Enbridge (NYSE:ENB) vì đây không phải là một doanh nghiệp MLP và chiến lược dài hạn của công ty này là đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp thay thế năng lượng sạch hơn. Đây là bài kiểm tra sự tỉnh táo của bạn. Bạn nên bỏ thêm thời gian để cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu bạn thấy ăn chắc.
Một điều khác cần lưu ý là lạm phát. Chi phí sinh hoạt của bạn sẽ đều đặn tăng lên theo thời gian. Bạn cần giải quyết vấn đề theo một cách nào đó: có thể bằng cách tăng giá vốn, tăng trưởng cổ tức, hoặc lý tưởng nhất là sự kết hợp của cả hai. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ ở mức trung bình khoảng 3% một năm. Vì vậy, hãy mua cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng cổ tức dài hạn ít nhất theo kịp con số đó.
Về mặt tăng trưởng cổ tức, bạn có thể mua cổ phiếu Hormel vì nó được ghi nhận là có tỷ suất cổ tức cao, ở mức hơn 2%. Tốc độ tăng trưởng cổ tức hàng năm của mã này là hơn 15% trong thập kỷ qua. Với tốc độ tăng trưởng này, cổ tức của Hormel dư sức cung cấp lớp phòng hộ cho toàn bộ danh mục đầu tư của bạn trước lạm phát.
Việc tăng giá vốn khó dự đoán hơn một chút vì dựa nhiều vào tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, bạn nên tránh các công ty có cổ phiếu từng được định giá quá cao. Đó là một cách giúp bạn giảm nguy cơ phải trả giá quá cao cho một cổ phiếu. Tỷ suất cổ tức có thể là một thước đo hữu ích. Các chỉ số như tỷ suất giá trên doanh thu (P/S), tỷ suất giá trên thu nhập (P/E), tỷ suất giá trên giá trị sổ sách (P/BV) và tỷ suất giá trên dòng tiền (P/CF) cũng giúp bạn nhận diện những cổ phiếu đắt đỏ.
Đây là một vấn đề ở cấp độ danh mục đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến cách bạn lựa chọn cổ phiếu. Hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn với các công ty thuộc các ngành khác nhau. Làm vậy, trong trường hợp có sai sót xảy ra, bạn sẽ không phải chịu thiệt hại quá lớn.
Lý tưởng nhất là mọi khoản đầu tư của bạn đều sinh lãi. Nhưng mọi chuyện không bao giờ diễn ra một chiều như vậy. Nếu bạn muốn hạn chế tác động của những lựa chọn sai lầm, đa dạng hóa danh mục đầu tư là cách dễ nhất để làm điều đó.
Nó giống như cách bạn cho trứng của mình vào nhiều giỏ. Như vậy, khi một số cổ phiếu bạn đang nắm giữ không sinh lời cao, những cổ phiếu khác sẽ mang lại lãi đậm. Nó sẽ giúp cân bằng lợi nhuận của bạn theo thời gian. Đồng thời, cách thức này cũng cho bạn điều gì đó tích cực để trông cậy vào khi thị trường có nhiều xáo trộn.
Thu Trang – Theo Nasdaq