Một số nhà quản lý quỹ phòng hộ giàu có đã mua các cổ phiếu FAANG trong suốt cả năm 2022.
Nói giảm nói tránh thì năm nay đã là một năm khó khăn đối với nhà đầu tư. Nasdaq Composite đã lặn sâu vào thị trường gấu tồi tệ nhất trong thập kỷ, và chỉ số thiên về công nghệ này hiện đã giảm 30% so với mức đỉnh. Nhưng một số tỷ phú quản lý quỹ phòng hộ đã mua cổ phiếu trong suốt thời kỳ sụt giảm.
Đơn cử, Steven Cohen của Point72 Asset Management đã ráo riết mua cổ phiếu Amazon (AMZN), tăng quy mô vị thế của ông trong công ty lên gấp 14 lần so với mức cuối năm 2021. Amazon hiện là khoản nắm giữ lớn thứ 11 trên hơn 1.300 cổ phiếu trong danh mục của Point72. Trong khi đó, Chris Hohn của TCI Fund Management thì đang đầu tư mạnh tay vào Alphabet (GOOG) (GOOGL), tăng quy mô vị thế trong công ty này lên gấp 19 lần so với mức cuối năm 2021. Alphabet hiện là khoản nắm giữ lớn nhất, chiếm hơn 23% danh mục đầu tư của ông.
Những giao dịch mua lớn đó cho thấy hai nhà quản lý quỹ này đang rất tự tin. Liệu đã đến lúc mua hai cổ phiếu FAANG này chưa?
Amazon đã gặp khó khăn trong năm nay. Giá nhiên liệu và điện tăng vọt đã đè nặng lên hoạt động kinh doanh logistics và trung tâm dữ liệu của công ty. Những thách thức đó, cùng với sự giảm tốc trong chi tiêu không thiết yếu do lạm phát gây ra, đã khiến biên lợi nhuận của Amazon sụt giảm. Doanh thu Q3 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 127 tỷ USD, nhưng thu nhập đã giảm 10% xuống còn 0,28 USD/cổ phiếu sau pha loãng.
Thật không may, Amazon có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng dành cho các nhà đầu tư dài hạn vẫn rất rõ ràng. Đầu tiên, Amazon vận hành thị trường thương mại điện tử phổ biến nhất thế giới, và mua sắm trực tuyến chắc chắn sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Trên thực tế, theo eMarketer, doanh số bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng 9% mỗi năm để vượt qua cột mốc 8 nghìn tỷ USD vào năm 2026.
Thứ hai, Amazon Web Services (AWS) là tiêu chuẩn vàng trong điện toán đám mây. Công ty nghiên cứu CNTT Gartner đã vinh danh AWS là nhà cung cấp hàng đầu trong không gian cơ sở hạ tầng đám mây và dịch vụ nền tảng (CIPS) trong 12 năm liên tiếp. Và gần đây, Gartner vừa cho biết AWS đang nắm giữ thị phần cao gấp đôi so với nhà cung cấp xếp thứ hai là Microsoft Azure. Đó sẽ là một yếu tố thuận lợi lớn hỗ trợ cho Amazon trong những năm tới. Thị trường điện toán đám mây được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm để đạt quy mô 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2029, theo Fortune Business Insights.
Thứ ba, Amazon đã thành công biến sự nổi tiếng của nền tảng thị trường của họ thành một hoạt động kinh doanh quảng cáo phát đạt. Theo eMarketer, công ty hiện được xếp hạng là nhà quảng cáo lớn thứ tư trên thế giới và gần như dẫn đầu thế giới về tổng tăng trưởng doanh thu quảng cáo vào năm ngoái. Vị thế đó đang định vị Amazon cho tăng trưởng trong tương lai. Chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu được dự kiến sẽ tăng 10% mỗi năm để đạt 876 tỷ USD vào năm 2026.
Động lực cuối cùng để xem xét là lợi nhuận. Điện toán đám mây và quảng cáo kỹ thuật số – hai phân khúc kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất của Amazon – có biên lợi nhuận cao hơn nhiều so với hoạt động bán lẻ. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể kỳ vọng tăng trưởng thu nhập vượt xa tăng trưởng doanh thu trong những năm tới.
Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức giá cao gấp 84 lần thu nhập. Hệ số đó bằng khoảng mức trung bình ba năm gần nhất. Tuy nhiên, nó có thể bị thu hẹp nhanh chóng khi Amazon tiếp tục phát triển mảng điện toán đám mây và quảng cáo. Điều đó đang mở ra một cơ hội mua hấp dẫn cho những nhà đầu tư kiên nhẫn.
Giống như Amazon, Alphabet đã phải vật lộn với những thách thức kinh tế trong suốt cả năm. Chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu khiến các thương hiệu phải cắt giảm ngân sách quảng cáo. Và tỷ giá hối đoái bất lợi càng khiến tốc độ tăng trưởng giảm thêm nữa. Doanh thu Q3 chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 69 tỷ USD (hoặc 11% trên cơ sở tiền tệ không đổi). Trong khi đó, thu nhập đã giảm 24% xuống còn 1,06 USD/cổ phiếu sau pha loãng.
Tuy nhiên, luận điểm đầu tư dài hạn đã không bị ảnh hưởng bởi những bất ổn kinh tế tạm thời. Alphabet được biết đến nhiều nhất với Google. Trong số các công cụ tìm kiếm, Google đang nắm giữ nhiều quyền lực đến mức được xem là cửa ngõ vào internet. Lợi thế cạnh tranh đó đã giúp Google duy trì vị trí dẫn đầu trong không gian quảng cáo. Còn tốt hơn nữa, theo eMarketer, Google đã bỏ túi đến 38% trong tăng trưởng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu vào năm 2021, mở rộng vị trí dẫn đầu so với Meta Platform (nhà quảng cáo lớn thứ hai trên thế giới) lên mức cao nhất kể từ năm 2016.
Alphabet cũng xây dựng được một hiện diện mạnh mẽ trong lĩnh vực điện toán đám mây. Nền tảng đám mây Google Cloud (GCP) hiện xếp thứ ba trong thị trường cơ sở hạ tầng đám mây với khoảng cách rất lớn so với hai người chơi dẫn đầu. Tuy nhiên, Gartner gần đây đã lưu ý rằng “GCP có tăng trưởng doanh thu nhanh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm” so với bất kỳ nhà cung cấp đám mây nào khác trong năm qua. Điều đó đặt GCP trên đúng lộ trình để giành thêm thị phần trong tương lai.
Nhìn về phía trước, trường hợp giá tăng là rất rõ ràng: Với tư cách là công ty chủ chốt trong quảng cáo kỹ thuật số và điện toán đám mây – hai thị trường lớn và đang mở rộng – Alphabet đang đứng ở một vị trí thuận lợi để tăng trưởng. Do đó, có thể bạn nên có cùng quan điểm lạc quan với nhà quản lý quỹ phòng hộ Chris Hohn. Cổ phiếu Alphabet đang được giao dịch với giá cao gấp 4,7 lần doanh thu – một định giá chiết khấu so với mức trung bình 5 năm là 6,5 lần. Tại mức giá này, nhà đầu tư thực sự nên cân nhắc mua cổ phiếu Alphabet ngay bây giờ.
Huân Hà - theo fool