Autodesk, Sony và Apple đều đang thâm nhập vào metaverse.
Metaverse đã trở thành một chủ đề hot vào năm ngoái khi các nhà đầu tư đầu cơ vui mừng trước khả năng tạo ra một thế giới VR rộng lớn được hỗ trợ bởi tiền điện tử và các ứng dụng phi tập trung. Nhưng trong năm qua, sự nhiệt tình đó đã vụt tắt khi những nỗ lực nổi tiếng như Horizon Worlds của Meta Platforms và Decentraland bị dập tắt.
Sau đó, lãi suất tăng cao và các thách thức kinh tế vĩ mô khác đã khiến nhà đầu tư hướng tới các khoản đầu tư thận trọng hơn và thị trường dường như không còn hứng thú với tất cả các cổ phiếu liên quan đến metaverse. Bất chấp tình hình đó, nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc mua ba cổ phiếu sau đây. Ba cái tên này cung cấp một số khả năng tiếp cận hạn chế với metaverse trong toàn thể hoạt động kinh doanh lớn hơn của họ.
Autodesk (ADSK) được biết đến nhiều nhất với phần mềm soạn thảo và thiết kế có hỗ trợ từ máy tính AutoCAD. Tuy nhiên, công ty cũng cung cấp nhiều loại phần mềm dựa trên đám mây cho các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà sản xuất và chuyên gia truyền thông. Nhiều công cụ quan trọng được sử dụng để xây dựng thế giới kỹ thuật số trong metaverse có thể được tìm thấy trong danh mục đầu tư của Autodesk.
Các ứng dụng Maya, 3ds Max, Mudbox và Motionbuilder của Autodesk đều được sử dụng để tạo phim hoạt hình 3D và các hiệu ứng đặc biệt cho video game, chương trình truyền hình, phim và phần mềm VR. Gần đây, công ty cũng đã tích hợp công cụ mô hình hóa tòa nhà Revit vào nền tảng phần mềm trực quan 3D Twinmotion của Epic Games. Sự hợp tác đó – minh chứng rằng metaverse không chỉ được xây dựng cho gaming – cho phép các chuyên gia cộng tác trên các mô hình 3D trong thời gian thực.
Cổ phiếu Autodesk đã giảm khoảng 30% trong năm nay do nhà đầu tư quan ngại về tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm của công ty. Họ dự kiến doanh thu sẽ tăng 14% trong năm nay, hơi chậm hơn so với mức tăng trưởng 16% trong cả hai năm tài chính 2022 và 2021. Các nhà phân tích cũng dự đoán tăng trưởng chỉ đạt 10% trong năm tài chính 2024. Công ty lý giải việc giảm tốc là do các thách thức đến từ môi trường kinh tế vĩ mô và đại dịch, tỷ trọng cao hơn của các hợp đồng ngắn hạn trong cấu trúc doanh thu – dẫn đến các khoản thanh toán trả trước thấp hơn, những thách thức địa chính trị ở Nga và những khó khăn về tiền tệ.
Tuy nhiên, Autodesk vẫn duy trì lợi nhuận ổn định. Tỷ lệ duy trì doanh thu thuần của công ty vẫn dễ dàng đạt trên 100%, và cổ phiếu có vẻ được định giá hợp lý ở mức 27 lần thu nhập dự phóng. Nhà đầu tư muốn chơi một trò chơi cân bằng trên metaverse -- cũng như tiếp xúc với các lĩnh vực kiến trúc, kỹ thuật và sản xuất quan trọng -- nên xem xét kỹ hơn cổ phiếu này.
Tập đoàn Nhật Bản Sony (SONY) cũng đang mở rộng sang metaverse thông qua bộ phận gaming của mình. Họ đã tạo ra 26% doanh thu và 12% thu nhập hoạt động trong quý gần nhất. Những trò chơi nhiều người chơi phổ biến trên PS5 đã đại diện cho điểm khởi đầu của metaverse. Tuy nhiên, Sony cũng đã mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường VR với tai nghe PSVR – được kết nối với máy chơi game console PlayStation – và khuyến khích các nhà phát triển trò chơi tạo ra thêm nhiều tính năng VR.
Phiên bản đầu tiên của PSVR, được ra mắt cho PS4 vào năm 2016, đã bán được khoảng 5 triệu đơn vị tính đến đầu năm 2020. Sony có kế hoạch ra mắt PSVR 2 thế hệ thứ hai vào tháng 2 năm 2023. Tai nghe mới sẽ có giá 550 USD, cao hơn so với giá khởi điểm 400 USD cho thiết bị thế hệ đầu tiên. Mức giá đó có vẻ cao, đặc biệt là khi PS5 đã có giá 500 USD. Tuy nhiên, quyết định tiếp tục với một chiếc tai nghe mới của Sony cho thấy họ vẫn thấy những ngày tươi sáng hơn đang chờ ở phía trước thị trường VR và metaverse.
Các mảng kinh doanh còn lại của Sony – bao gồm phim, âm nhạc, điện tử tiêu dùng và bộ phận cảm biến hình ảnh – đang phục hồi trong một thị trường hậu đại dịch. Công ty kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 17% trong năm tài chính hiện tại, nhưng thu nhập ròng sẽ giảm 5% do tỷ trọng thấp hơn của các tựa game bên thứ nhất (có lợi nhuận cao hơn) trong doanh số, ít chương trình và phim được cấp phép hơn cho các nền tảng truyền thông trực tuyến, cùng với một môi trường tiền tệ khó khăn. Tuy nhiên, Sony trông vẫn cực kỳ rẻ với giá chỉ cao gấp 16 lần thu nhập dự phóng.
Cuối cùng, Apple (AAPL) được cho là sẽ tham gia vào metaverse trong năm tới với tai nghe thực tế hỗn hợp (MR) – kết hợp các tính năng thực tế ảo và thực tế tăng cường với nhau. Vẫn chưa có nhiều thông tin về thiết bị. Tuy nhiên, những tin đồn gần đây cho thấy nó sẽ nhẹ hơn và mạnh hơn so với thế hệ tai nghe Quest hiện tại của Meta.
Apple thường khuynh đảo những thị trường mà họ không tạo ra. Công ty Nhà Táo được ghi nhận rộng rãi với việc phổ biến máy nghe nhạc MP3, điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh mặc dù chỉ bước vào những không gian đó sau khi các công ty khác thử nghiệm thị trường trước. Nếu Apple đạt được thành tích tương tự với tai nghe MR, thiết bị này sẽ có thể trở thành một nguồn doanh thu mới giúp đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của Nhà Táo khỏi iPhone (hiện vẫn đóng góp đến 47% doanh thu của công ty trong quý gần nhất) đồng thời kết nối hệ sinh thái dịch vụ của mình với nhiều người dùng hơn.
Nếu tai nghe sắp ra mắt của Apple có đủ động lực, nó có thể trở thành viên gạch nền tảng cho metaverse của chính công ty. Nền tảng điện toán mới đó sẽ cho phép Apple tung ra các ứng dụng và dịch vụ đăng ký trả phí bổ sung bên cạnh các nền tảng iOS, macOS, watchOS và Apple TV cốt lõi của mình.
Tất cả mới chỉ là suy đoán vào lúc này. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính của Apple vẫn cực kỳ bền bỉ. Các nhà phân tích kỳ vọng doanh thu và thu nhập của công ty sẽ tăng lần lượt 3% và 2% trong năm nay khi giáp năm với chu kỳ nâng cấp 5G vào năm 2021, sau đó tăng tốc vào năm 2023 khi công ty tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Cổ phiếu Apple có vẻ đang có định giá hợp lý ở mức 22 lần thu nhập dự phóng. 169 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán khả mại cũng biến Táo Khuyết thành cổ phiếu công nghệ an toàn để nắm giữ khi lãi suất tăng trừng phạt các công ty có thanh khoản kém.
Huân Hà - theo fool