[Investo.info] - Đầu tư vào thị trường chứng khoán có thể không đáng sợ như bạn nghĩ.
3 Lý Do Bạn Không Nên Sợ Thị Trường Chứng Khoán Sụp ĐổNhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán sẽ tiến vào suy thoái trong năm tới. Các chỉ số chính của thị trường đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử, hệ số định giá của các cổ phiếu cũng cao hơn mức trung bình trong lịch sử và lãi suất có vẻ sẽ tăng, kéo dòng vốn ra khỏi cổ phiếu.
Chắc chắn có những rủi ro đang ẩn hiện ở thời điểm hiện tại, nhưng một chiến lược đầu tư đúng đắn sẽ giúp bạn không phải đổ mồ hôi trước nguy cơ sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà đầu tư lo lắng về một đợt sụp đổ. Một vài lần, những lo lắng đó đã được chứng minh là chính đáng. Bong bóng dot-com và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là hai sự cố một số người đã nhận thấy sắp xảy ra. Và rõ ràng thị trường chứng khoán đã sụp đổ trong cả hai trường hợp này.
Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều lần các tình huống đe dọa không dẫn đến một đợt sụp đổ của thị trường. Cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu, một đợt suy thoái kép, và "Taper Tantrum" đã khiến các tiêu đề tin tức trở nên xấu xí từ năm 2010 đến năm 2014. Khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang "xử lý vết thương" của họ sau đợt sụp đổ của thị trường vào năm 2008. Với tâm thế đó, những dấu hiệu đáng ngại cho thấy sắp xảy ra một đợt sụt giảm mạnh nữa có vẻ rất đáng sợ.
Hệ thống ngân hàng toàn cầu đã từ từ lấy lại sự ổn định, Fed đã từ từ tăng lãi suất mà không gặp phải bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào và nền kinh tế Hoa Kỳ đã ghi nhận nhiều năm tăng trưởng liên tục. S&P 500 không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng chỉ số này đã mang lại lợi nhuận trung bình 13,4% mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014.
Việc bỏ lỡ một vài năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán trước khi sụp đổ có thể gây ra nhiều thiệt hại cho danh mục đầu tư của bạn hơn chính đợt sụp đổ đó. Đừng mất ngủ vì các tiêu đề đáng sợ, và hãy tiếp tục đầu tư cho chặng đường dài.
Một đợt sụp đổ của thị trường chứng khoán rất đáng sợ và không thể tránh khỏi. May mắn thay, chúng chỉ là những gián đoạn ngắn hạn. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán đã luôn tăng cao hơn khi nền kinh tế toàn cầu phát triển. Thị trường giá giảm chỉ là một sự chuyển hướng tạm thời của một xu hướng tăng trưởng trong dài hạn. Ngay cả khi bạn mua quỹ chỉ số S&P 500 vào thời điểm tồi tệ nhất trước khi thị trường sụp đổ vào năm 2008 và bán ở mức đáy của đợt sụp đổ hồi Q1/2020; khoản đầu tư của bạn vẫn đã tăng hơn gấp đôi giá trị.
BIỂU ĐỒ TỔNG LỢI NHUẬN CỦA S&P 500 TÍNH ĐẾN Q1/2020. DỮ LIỆU THEO YCHARTS
Điều này sẽ giúp loại bỏ một số khó khăn từ các đợt sụp đổ và điều chỉnh của thị trường. Nếu bạn chuẩn bị trước cho những ngày tồi tệ, bạn sẽ có phản ứng lành mạnh hơn trước các đợt suy thoái của thị trường. Trên thực tế, giá cổ phiếu giảm xuống còn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá chiết khấu. Nếu bạn không bị buộc phải bán trong thời kỳ suy thoái, bạn sẽ không phải chịu những khoản lỗ đó - chúng sẽ chỉ nằm trên giấy mà thôi.
Dĩ nhiên không phải ai cũng có khung thời gian đầu tư giống nhau. Một số người, chẳng hạn như người sắp về hưu, có nhu cầu rút tiền ngay lập tức từ tài khoản đầu tư của họ. Điều đó có nghĩa là họ không thể có thái độ ung dung trước những tổn thất và biến động tạm thời như khi họ còn trẻ.
May mắn thay, có những phương pháp đã được chứng minh có thể quản lý các biến động và mang về lợi nhuận dương trong bất kỳ điều kiện thị trường nào. Trái phiếu và cổ phiếu trả cổ tức là hai công cụ phổ biến để hạn chế sụt giảm cho các khoản đầu tư.
Các danh mục đầu tư vẫn có thể mang lại lợi nhuận dương ngay cả khi thị trường sụp đổ. Các nhà đầu tư thường thêm nhiều trái phiếu hơn vào danh mục đầu tư của họ khi họ chuẩn bị và thực sự bước vào giai đoạn nghỉ hưu. Giá trái phiếu cũng dao động giống như cổ phiếu, nhưng chúng có xu hướng biến động ít hơn. Hơn nữa, giá trái phiếu thường không có tương quan với các chỉ số chứng khoán. Trái phiếu cũng tạo ra thu nhập từ tiền lãi trong những khoảng thời gian đều đặn.
Cổ phiếu chia cổ tức cũng tạo ra thu nhập bất kể giá cổ phiếu dao động như thế nào. Nhiều công ty trả lại tiền mặt cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hàng quý hoặc hàng tháng. Việc phân phối này thường được duy trì ngay cả trong thời kỳ suy thoái. Các cổ phiếu Quý tộc Cổ tức, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) và cổ phiếu hợp danh hữu hạn (MLP) là những lựa chọn phổ biến cho các nhà đầu tư định hướng thu nhập. Nếu danh mục đầu tư chứng khoán của bạn tạo ra thu nhập, bạn có thể sử dụng các dòng tiền đó để tái đầu tư hoặc rút tiền để thanh toán các hóa đơn của mình.
Một chiến lược phân bổ cân bằng sẽ giúp cho danh mục đầu tư của bạn hoạt động tốt ngay cả khi thị trường sụp đổ. Thu nhập sẽ có thể giúp bạn trụ vững trong khi chờ đợi thị trường tăng trưởng trở lại.
Huân Hà - Theo Fool