Nếu bạn sợ thị trường chứng khoán sụp đổ, hãy thử áp dụng ba phương pháp phòng chống rủi ro trong bài viết này.
• Nếu bạn phân bổ vốn quá nhiều vào kênh đầu tư cổ phiếu đến mức vượt ngưỡng đáp ứng an toàn thì bạn có khả năng sẽ bị thua lỗ vượt tầm kiểm soát.
• Nếu bạn đầu tư ngắn hạn thì hãy đầu tư một cách thận trọng để tránh bị tổn thất lớn vào đúng lúc bạn cần thanh lý tài sản để đổi ra tiền mặt.
• Đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp mà bạn sở hữu sẽ có thể giúp bạn giảm thiểu những rủi ro và tổn thất tiềm ẩn.
Nguy cơ sụp đổ thị trường chứng khoán là rất đáng sợ. Vì điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không hề có dấu hiệu cảnh báo trước. Khi thị trường lao dốc, danh mục đầu tư của bạn có thể sẽ bị tổn thất rất nặng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Nhưng đó là điều bình thường, vì hiện tượng này nhất định sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó và không thể tránh khỏi. Thay vì lo lắng, bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng bằng cách thực hiện ba điều sau.
Một khi thị trường chứng khoán sụp đổ thì danh mục đầu tư của bạn có thể sẽ sụt giảm nhanh chóng. Nhưng cách mà bạn đầu tư có thể sẽ quyết định đến mức lỗ mà bạn phải gánh chịu. Cấu trúc phân bổ tài sản thường bao hàm cổ phiếu so với trái phiếu tính theo tỷ lệ phần trăm . Cổ phiếu được coi là có rủi ro cao hơn trái phiếu, vì vậy danh mục đầu tư chứa càng nhiều cổ phiếu thì mức tổn thất khả dĩ sẽ càng cao.
Nếu bạn cảm thấy lo sợ thị trường sụp đổ, bổ sung thêm các khoản đầu tư an toàn hơn sẽ giúp bạn giảm bớt tổn thất. Nhưng đổi lại, giảm thiểu rủi ro bằng cách này cũng sẽ làm giảm lợi nhuận tiềm năng. Và chiến lược này cũng sẽ khiến lợi suất trung bình giảm xuống thấp hơn trong những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng.
Chiến thuật giảm rủi ro khi thị trường lao dốc và tăng đầu tư rủi ro khi thị trường thăng hoa nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để tìm được thời điểm thích hợp, mà điều này lại cực kỳ khó khăn. Nếu đoán sai thời điểm thì có thể bạn sẽ giảm tỷ trọng cổ phiếu quá sớm hoặc tăng tỷ trọng phân bổ quá muộn; từ đó khiến mức lợi nhuận thu về thấp hơn. Đó là lý do tại sao bạn nên thiết lập một cấu trúc phân bổ tài sản mà bạn cảm thấy hài lòng nhất trong mọi chu kỳ chuyển động của thị trường.
Bảng dưới đây cho thấy hiệu suất trung bình của các mô hình phân bổ tài sản khác nhau trong thời kỳ Đại suy thoái năm 2008 cũng như vào giai đoạn năm liền sau đó khi thị trường chứng khoán hồi phục.
Tỷ lệ phân bổ tài sản |
Tỷ suất lợi nhuận trung bình |
Mức lỗ năm 2008 |
Lợi nhuận năm 2009 |
100% cổ phiếu |
10,3% |
(37%) |
26,5% |
60% cổ phiếu, 40% trái phiếu |
9,1% |
(20,1%) |
18,3% |
40% cổ phiếu, 60% trái phiếu |
8,2% |
(1,7%) |
14,2% |
100% trái phiếu |
6,1% |
5,2% |
5,9% |
Bạn dùng tiền cho mục đích gì? Cảm giác chứng kiến giá trị tài khoản đầu tư của mình bị bốc hơi nhanh chóng chưa bao giờ là điều dễ “nuốt trôi”. Tuy vậy, tình thế có thể sẽ còn tàn khốc hơn tùy thuộc vào thời điểm mà bạn cần thanh lý tiền mặt.
Giả sử bạn đang cố tiết kiệm để chi cho một khoản nào đó, chẳng hạn như để đóng học phí đại học cho con bạn trong 5 năm tới. Nếu tài khoản đầu tư của bạn lỗ 40% thì có thể bạn sẽ không thể trả khoản học phí đó. Nhưng nếu bạn đang dành dụm để nghỉ hưu sau 20 năm nữa thì mối đe dọa về tài chính sẽ không quá lớn và bạn có thể sẽ có đủ thời gian để bù đắp tổn thất, giành lại những gì đã mất.
Chính vì lý do này mà bạn nên luôn luôn cân nhắc về khung thời gian đầu tư. Quãng thời gian từ lúc bạn rót vốn đầu tư cho đến khi bạn thực sự cần tiền càng dài thì bạn càng có thể đầu tư “táo tợn” hơn một chút và khoảng thời gian này càng ngắn thì bạn càng nên đầu tư thận trọng hơn. Và hãy hoàn toàn tách riêng số tiền mà bạn cần dùng trong một hoặc hai năm tới khỏi thị trường chứng khoán.
Giả sử bạn đầu tư 100.000 USD vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và chúng bốc hơi 43% giá trị trong cuộc khủng hoảng dot-com vào đầu những năm 2000 và rồi giảm xuống còn 57.000 USD vào cuối năm 2002. Số tiền vốn này sẽ không thể hồi phục lại về giá trị ban đầu trong vòng 5 năm.
Nhưng đến cuối năm 2020, tức 18 năm sau, nguồn tiền đầu tư đó sẽ có giá trị cao hơn 354% so với ban đầu mặc dù đã bốc hơi thêm 37% vào năm 2008. Ví dụ này được minh họa trong bảng dưới đây.
Đầu tư từ năm 2002 |
5 năm sau |
10 năm sau |
15 năm sau |
18 năm sau |
57.000 USD |
104.000 USD |
113.000 USD |
235.000 USD |
354.000 USD |
Nếu danh mục đầu tư ban đầu của bạn chỉ bao gồm toàn cổ phiếu, bạn có thể đa dạng hóa bằng cách bổ sung thêm các loại tài sản khác như trái phiếu. Nhưng bạn cũng có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách bổ sung thêm các loại cổ phiếu khác nhau hoặc nhiều khối ngành khác nhau.
Toàn bộ thị trường chứng khoán đều có thể bị ảnh hưởng khi thị trường sụp đổ, nhưng tùy thuộc vào nguyên nhân gây sụp đổ, một số ngành nào đó có thể sẽ hứng chịu hậu quả tệ hơn. Chẳng hạn như cổ phiếu công nghệ trong thời kỳ sụp đổ dot-com, bất động sản trong thời kỳ Đại suy thoái 2008 và cổ phiếu nhà hàng khách sạn trong thời kỳ khủng hoảng Covid năm 2020.
Rất khó để biết được ngành nào sẽ có hiệu suất tệ hơn. Như vậy, tài sản của bạn có thể sẽ tăng trưởng rất khả quan nếu bạn phân bổ nhiều tiền vào một ngành có hiệu suất tốt, nhưng bạn cũng sẽ thua lỗ rất nặng nếu bạn đầu tư phần lớn tài sản của mình vào một khối ngành có hiệu suất hoạt động kém hiệu quả.
Hãy nên nắm giữ nhiều công ty khác nhau trong nhiều phân khúc khác nhau để có thể giảm thiểu và phân tán rủi ro, hoặc nói cách khác, đừng bỏ quá nhiều trứng vào cùng một giỏ. Bảng dưới đây sẽ cho thấy hiệu suất của từng khối ngành riêng lẻ trong năm 2020 so với hiệu suất của danh mục đầu tư kết hợp cả 5 khối ngành này.
|
Công nghệ thông tin |
Chăm sóc sức khỏe |
Tài chính |
Bất động sản |
Năng lượng |
Kết hợp |
Tỷ lệ lợi nhuận |
43,6% |
13,3% |
(1,7%) |
(2,1%) |
(32,5%) |
4,1% |
Cho dù bạn có nơm nớp lo sợ thị trường chứng khoán sụp đổ đi nữa thì nỗi sợ hãi này cuối cùng cũng sẽ không thể ngăn cản điều đó xảy ra. Thay vào đó, bạn có thể học cách chuẩn bị tốt hơn cho bản thân và cho danh mục đầu tư của mình để chống chọi với những thời kỳ khó khăn. Và mặc dù bạn không thể triệt để ngăn chặn thua lỗ nhưng bạn có thể tự thiết lập mức thua lỗ chấp nhận được cho mình và điều đó sẽ không ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình.
Đăng Khoa - Theo Fool