logo
Banner-JuraTrade-1.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 23/03/2023

Thị trường đỏ lửa sau quyết định lãi suất của FED

Bitcoin và hầu hết các loại tiền điện tử lớn khác đã lao dốc sau khi FED thông báo sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đồng thời nói rõ trọng tâm của ngân hàng trung ương vẫn là lạm phát, bất chấp sự hỗn loạn của hệ thống ngân hàng gần đây.

Thị trường đỏ lửa sau quyết định lãi suất của FED

Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (FED) đã chọn con đường ít trở ngại nhất, đó là tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản nhằm dập tắt hy vọng của các nhà đầu tư rằng cơ quan này sẽ trở nên ôn hòa hơn sau cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây.

Bitcoin lập tức lao dốc sau quyết định của FED. Có thời điểm đồng tiền số này đã giảm xuống dưới ngưỡng 27.000 USD, trước khi phục hồi nhẹ trở lại. Sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường trong phiên giao dịch sáng 23/3 theo giờ châu Á. Tại thời điểm viết bài, Bitcoin đang giao dịch ở mức 27.282 USD, giảm 2,85% trong 24 giờ qua.

Trước đó, khi các thị trường kỳ vọng FED sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất vốn kéo dài suốt một năm, BTC đã tăng vọt lên trên ngưỡng 28.700 USD. Nhưng FED đã dập tắt những hy vọng đó.

Trong một tuyên bố vào chiều thứ Tư (22/3), Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận hệ thống ngân hàng Mỹ đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong tháng này. Ông cũng cho biết “những diễn biến gần đây có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát.”

Góp phần khiến thị trường suy giảm là việc bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trước các thượng nghị sĩ rằng nước này sẽ không xem xét việc thực hiện “bảo hiểm tiền gửi toàn diện.”

“Mối lo ngại rủi ro có thể kéo Bitcoin xuống khi thị trường quay lại với nỗi lo về hệ thống ngân hàng và sự suy yếu của nền kinh tế,” Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty tạo lập thị trường ngoại hối Oanda, cho biết. “FED có thể đã thực hiện xong kế hoạch thắt chặt, nhưng nguy cơ xảy ra một điều gì đó khác trong lĩnh vực tài chính vẫn còn cao."

Ether cũng giảm từ mức cao hơn 1.800 USD xuống còn 1.715 USD tại thời điểm viết bài, mất hơn 3% so với 24 giờ trước đó. Gần như mọi loại tiền điện tử lớn khác đều chìm trong sắc đỏ.

Thị trường đỏ lửa sau quyết định lãi suất của FED Hiệu suất thị trường tiền số hàng ngày. Nguồn: Coin360

Trong khi đó, thị trường tiền số cũng phải hứng chịu cú sốc mới nhất khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cảnh báo sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase rằng SEC đang điều tra các vi phạm chứng khoán. SEC cũng đã đệ đơn kiện người sáng lập Tron Justin Sun về cáo buộc bán và phát hành chứng khoán chưa đăng ký, gian lận và thao túng thị trường. Giá Tron đã giảm 10% sau thông tin này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường khác vẫn lạc quan về giá Bitcoin trong tương lai gần, do khủng hoảng ngân hàng đang làm xói mòn niềm tin vào lĩnh vực tài chính truyền thống. “Bitcoin đã được hưởng lợi từ tình trạng hỗn loạn gần đây và giờ là triển vọng FED sẽ sớm kết thúc chương trình thắt chặt tài chính,” James Lavish, quản lý đối tác tại quỹ Bitcoin Opportunity Fund cho biết.

Tuy nhiên, Lavish cho biết ông vẫn dự đoán về khả năng xảy ra biến động khi cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây vẫn tiếp diễn. “Chúng ta đang tiến tới một cuộc suy thoái, hoặc tệ hơn là một sự kiện tín dụng lớn hơn nhiều sẽ xảy ra,” ông Lavish dự đoán.

Những vấn đề cần chú ý trong ngày 23/3

Trong ngày 23/3, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 19/3. Dữ liệu này có thể ảnh hưởng tới phiên giao dịch buổi chiều theo giờ Mỹ. Các nhà kinh tế dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ tăng từ 192.000 lên 197.000. Các con số dưới ngưỡng 200.000 sẽ khiến FED chịu áp lực phải đẩy lãi suất lên cao hơn.

Trên thị trường tiền số, các nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các tin tức liên quan tới Binance và FTX. Diễn biến vụ kiện giữa SEC và Ripple cũng sẽ thu hút sự quan tâm. Sự chú ý của cơ quan quản lý và nhà lập pháp tới tiền kỹ thuật số cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường khi mối quan tâm của họ tới lĩnh vực ngân hàng dần suy yếu.

Phân tích kỹ thuật

BTC cần tăng lên trên điểm xoay Pivot tại 27.553 USD để nhắm mục tiêu tới Mức kháng cự chính đầu tiên (R1) ở 28.515 USD và mức cao của ngày thứ Tư là 28.818 USD. Việc quay trở lại mức 28.000 USD sẽ báo hiệu một phiên tăng giá kéo dài. Các tin tức về tiền điện tử và các chỉ số kinh tế tích cực của Mỹ sẽ hỗ trợ một đợt tăng giá kéo dài.

Trong trường hợp đó, BTC có thể kiểm tra Mức kháng cự chính thứ hai (R2) ở 29.780 USD và mức kháng cự 30.000 USD. Mức kháng cự chính thứ ba (R3) nằm ở mức 32.007 USD.

Việc không thành công vượt lên trên điểm xoay Pivot sẽ khiến giá BTC giảm về Mức hỗ trợ chính đầu tiên (S1) ở 26.288 USD. Tuy nhiên, ngoại trừ khả năng xuất hiện của một đợt bán tháo trên thị trường, BTC nên tránh giảm xuống dưới ngưỡng 26.000 USD và Mức hỗ trợ chính thứ hai (S2) ở 25.326 USD. Mức hỗ trợ chính thứ ba (S3) nằm ở mức 23.099 USD.

Thị trường đỏ lửa sau quyết định lãi suất của FED Biểu đồ hàng giờ BTC/USD

Các đường EMA và biểu đồ nến 4 giờ (bên dưới) cho tín hiệu tăng giá. Giá BTC đang nằm trên đường EMA 50 ngày (tại 26.637 USD). Đường EMA 50 ngày đã di chuyển ra xa đường EMA 100 ngày, và đường EMA 100 ngày ké giãn khoảng cách với đường EMA 200 ngày, phát đi tín hiệu tăng giá.

Việc giữ vững trên đường EMA 50 ngày (tại 26.637 USD) sẽ hỗ trợ giá phá vỡ ngưỡng R1 (tại 28.515 USD) để nhắm mục tiêu tới ngưỡng R2 (tại 29.780 USD) và ngưỡng 30.000 USD. Tuy nhiên, việc BTC giảm xuống dưới đường EMA 50 ngày (tại 26.637 USD) sẽ khiến phe gấu đẩy giá về mức S1 (tại 26.288 USD) và dưới ngưỡng 26.000 USD. Việc giá giảm qua đường EMA 50 ngày sẽ phát đi tín hiệu giảm giá.

Thị trường đỏ lửa sau quyết định lãi suất của FED Biểu đồ 4 giờ BTC/USD

Đỗ Hiền - theo coindesk

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

banner-investo.info_.jpg