Bitcoin (BTC) đang giao dịch trong phạm vi chặt chẽ trên ngưỡng 29.100 USD. Theo các chuyên gia phân tích, hành động giá nhàm chán của đồng tiền số này cũng như các altcoin thời gian gần đây có thể là tiền đề cho nhiều biến động sắp tới.
Có phải tình trạng trì trệ hiện tại của Bitcoin (BTC) chỉ là sự chuẩn bị cho những chuyển động mạnh mẽ hơn sắp tới?
Đó là câu hỏi được đặt ra trong báo cáo của K33 mới đây. Nhóm phân tích tài sản kỹ thuật số lưu ý rằng mặc dù Bitcoin đang được giao dịch với biên độ ngày càng hẹp trong sáu tuần qua và hầu như không phản ứng với các sự kiện kinh tế vĩ mô cũng như các tin tức trong ngành, nhưng dữ liệu lịch sử cho thấy, đồng tiền số này đang hướng đến thời kỳ biến động lớn hơn.
Khi các thị trường châu Á bước vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (4/8), Bitcoin hiện giao dịch ở mức 29.165 USD, tăng 0,19% so với 24 giờ trước đó. Đồng tiền số này vẫn tiếp tục giao dịch trong phạm vi hẹp, với biên độ chênh lệch chỉ 500 USD mà nó đã duy trì trong gần 2 tuần qua. Ngoài ra, BTC cũng đã không thể vượt qua ngưỡng 31.000 USD kể từ giữa tháng Bảy.
Theo nhà phân tích cấp cao Vetle Lunde của K33, “thị trường rõ ràng đang ở giai đoạn ổn định chưa từng có, thường đóng vai trò như một van áp suất lớn khi độ biến động quay trở lại.”
“Giả thuyết ngắn hạn của tôi là áp lực biến động của thị trường sắp lên đến đỉnh điểm và một đợt bùng nổ sắp xảy ra,” Vetle Lunde cho biết.
Ether cũng đang di chuyển trong phạm vi giới hạn, giao dịch ở mức 1.833 USD, giảm 0,19%. Mã thông báo XRP và ADA giảm khoảng 2%. Chỉ số thị trường CoinDesk, thước đo hiệu suất của tiền điện tử, gần đây đã giảm 0,35%.
Hiệu suất thị trường tiền số hàng ngày. Nguồn: Coin360
Trên các thị trường truyền thống, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/8 với mức giảm 0,3%.
Theo K33 Research, độ biến động trong 5 ngày đầu tuần này của BTC đã giảm xuống dưới mức biến động của S&P, vàng và Nasdaq 100. Điều này chỉ xảy ra một vài lần trong những năm gần đây, và hầu như đều xuất hiện trước các giai đoạn biến động giá dữ dội .
Báo cáo cũng lưu ý rằng mức độ biến động trong 30 ngày của BTC gần đây đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm. Đồng thời, khối lượng giao dịch cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, trong khi hoạt động phái sinh cũng giảm mạnh.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích on-chain Glassnode, tổng nguồn cung Bitcoin hoạt động lần cuối cách đây hơn một năm đang giảm xuống. Điều này cho thấy rằng một số người nắm giữ dài hạn đã quyết định giảm tỷ lệ nắm giữ của họ.
Nguồn: Glassnode
Trong quá khứ, nguồn cung tài sản hoạt động tăng lên cho thấy rằng nhiều nhà đầu tư đã quyết định nắm giữ Bitcoin thay vì chốt lời. Nguồn cung tài sản hoạt động giảm xuống cho thấy điều ngược lại.
Nguồn cung BTC giảm chủ yếu nằm trong nhóm độ tuổi từ 12 tháng đến 24 tháng. Ngoài ra, nhóm độ tuổi từ 5 năm tới 7 năm cũng ghi nhận xu hướng giảm, nhưng với mức độ rất thấp.
Các nhà đầu tư có thể muốn theo dõi hành vi của những người nắm giữ BTC dài hạn, như một tín hiệu về sự thay đổi tiềm năng trong tâm lý.
Giá Bitcoin đã đảo ngược một phần giảm 1,80% hôm thứ Tư khi tăng 0,19% vào thứ Năm, kết thúc ngày ở mức 29.315 USD.
Biểu đồ hàng ngày cho thấy BTC hiện nằm dưới ngưỡng kháng cự 30.750 USD – 31.250 USD. Giá cũng nằm dưới đường EMA 50 ngày (tại 29.439 USD) trong khi nằm trên đường EMA 200 ngày (tại 27.120 USD), gửi tín hiệu giá giảm trong ngắn hạn nhưng tăng trong dài hạn. Đáng chú ý, đường EMA 50 ngày đã thu hẹp về phía đường EMA 200 ngày, báo hiệu sự sụt giảm tiếp theo.
Chỉ số RSI ở mức 43,79 phản ánh tâm lý giảm giá. Chỉ số này phù hợp với tín hiệu từ đường EMA 50 ngày, hỗ trợ khả năng giá quay trở lại các mức bên dưới ngưỡng 28.500 USD. Tuy nhiên, việc di chuyển qua đường EMA 50 ngày (tại 29.439 USD) sẽ giúp BTC hướng tới dải kháng cự 30.750 USD – 31.250 USD.
Biểu đồ hàng ngày BTC/USD
Trên biểu đồ 4 giờ, BTC vẫn nằm dưới ngưỡng kháng cự 30.750 USD – 31.250 USD. Giá cũng nằm dưới các đường EMA 50 ngày (tại 29.409 USD) và EMA 200 ngày (tại 29.624 USD), gửi tín hiệu giảm giá trong ngắn và dài hạn.
Đáng chú ý, đường EMA 50 ngày đang di chuyển ra xa hỏi đường EMA 200 ngày, hỗ trợ cho khả năng giá tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc BTC di chuyển qua các đường EMA 50 ngày (29.409 USD) và EMA 200 ngày (tại 29.624 USD) sẽ giúp BTC hướng tới dải kháng cự 30.750 USD – 31.250 USD.
Chỉ số RSI hiện là 47,18 cho thấy xu hướng giảm giá, với áp lực bán vượt trội hơn áp lực mua. Đáng chú ý, chỉ số RSI phù hợp với tín hiệu từ các đường EMA, báo hiệu khả năng giá quay trở lại các mức bên dưới ngưỡng 28.500 USD.
Biểu đồ 4 giờ BTC/USD
Đỗ Hiền-Theo coindesk, fxempire