Ether giao dịch gần ngưỡng 1.900 USD, trong khi Bitcoin vẫn neo quanh mốc 28.000 USD. Dù cả hai đồng tiền số đều suy yếu, song Ether vẫn tỏ ra vượt trội hơn so với Bitcoin khi các nhà đầu tư trông đợi vào việc triển khai bản cập nhật Shanghai.
Bước sang ngày giao dịch thứ Năm (6/4) theo giờ châu Á, thị trường tiền số đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Giá Ether đã giảm nhưng vẫn tiếp tục xu hướng vượt trội so với Bitcoin trong tuần này.
Tại thời điểm viết bài, đồng tiền số này giao dịch ở mức 1.896 USD, giảm 0,74% so với 24 giờ trước đó. Tuy nhiên, giá Ether vẫn đang cao hơn 5% so với đầu tuần khi nó dao động dưới ngưỡng 1.800 USD.
Các nhà đầu tư dường như ngày càng trở nên hưng phấn với hard fork Shanghai, dự kiến được triển khai vào ngày 12 tháng 4. Bản nâng cấp, còn được gọi là Shapella, sẽ đánh dấu việc hoàn thành quá trình chuyển đổi hoàn toàn của Ethereum sang mạng bằng chứng cổ phần (PoS) và cho phép rút ETH đã staking.
“Hard fork này sẽ cho phép mọi người rút tiền từ số dư trình xác thực sang số dư Ethereum của họ. Điều này sẽ tăng tính thanh khoản trên thị trường và tăng khả năng tiếp cận cho những người giao dịch bằng ether đã staking,” Victoria Bills, chiến lược gia đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Banrion Capital Management cho biết. “Và một điều mà chúng ta có thể mong đợi từ đó là sự gia tăng hoạt động trên toàn chuỗi Ethereum.”
Một số nhà quan sát Ether cho biết việc cho phép rút ETH bị khóa trong các hợp đồng thông minh của Beacon Chain sẽ thúc đẩy một đợt thanh lý token. Nhưng những người khác cho rằng sự kiện này có thể tác động tích cực tới giá Ether vì việc staking và thu lợi nhuận trực tiếp từ chuỗi khối sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn.
“Đây là một cơ hội tuyệt vời cho Ether và thậm chí đã giúp đồng tiền số này đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay,” bà Bills nói thêm. “Khi tính thanh khoản và khả năng tiếp cận của nó tăng lên, có lẽ chúng ta sẽ thấy nhiều tài sản được giao dịch hơn.”
Trong khi đó, Bitcoin ghi nhận mức giảm 1,64% trong cùng kỳ, giao dịch ở mức 28.087 USD. Đồng tiền vua tiếp tục neo quanh ngưỡng 28.000 USD như phần lớn thời gian trong ba tuần qua. Giá duy trì ổn định khi các nhà đầu tư cân nhắc tới các dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế và dư chấn tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây.
Cùng với đà giảm của Bitcoin và Ether, hầu hết các altcoin khác cũng suy yếu. Memecoin DOGE đã giảm hơn 4,5%, sau khi bật tăng mạnh hồi đầu tuần nhờ việc mạng xã hội Twitter thay đổi biểu tượng chim xanh bằng hình ảnh chú chó Shiba Inu.
Hiệu suất thị trường tiền số hàng ngày. Nguồn: Coin360
Thị trường chứng khoán đóng cửa trái chiều, với Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA) tăng nhưng chỉ số Nasdaq và S&P 500 lần lượt giảm 1% và 0,2%.
Theo vị chiến lược gia của Banrion, giá Bitcoin đã ổn định khi tình trạng hỗn loạn của hệ thống ngân hàng dần lắng xuống.
“Bitcoin đã tăng vọt khi thị trường gặp nhiều bất ổn, và sau đó nó đã quay trở lại trạng thái ổn định hơn khoảng 28.000 USD,” bà Bill cho biết.
BTC cần vượt lên trên điểm xoay Pivot tại 28.261 USD để nhắm mục tiêu tới Mức kháng cự chính đầu tiên (R1) ở mức 28.693 USD và mức cao của ngày thứ Tư (5/4) là 28.801 USD. Việc quay trở lại mức 28.500 USD sẽ báo hiệu một phiên tăng giá kéo dài. Các tin tức tích cực về tiền kỹ thuật số và dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ một đợt tăng giá kéo dài.
Nếu điều đó xảy ra, BTC có thể sẽ kiểm tra Mức kháng cự chính thứ hai (R2) ở mức 29.234 USD và mức kháng cự 29.500 USD. Mức kháng cự chính thứ ba (R3) nằm ở mức 30.207 USD.
Việc không thể vượt lên điểm xoay Pivot được đề cập ở trên sẽ khiến BTC giảm về Mức hỗ trợ chính đầu tiên (S1) ở mức 27.720 USD. Tuy nhiên, ngoại trừ sự xuất hiện của một đợt bán tháo trên thị trường, nếu không, BTC nên tránh giảm xuống dưới ngưỡng 27.000 USD. Mức hỗ trợ chính thứ hai (S2) ở mức 27.288 USD sẽ hạn chế đà giảm. Mức hỗ trợ chính thứ ba (S3) nằm ở mức 26.315 USD.
Biểu đồ hàng giờ BTC/USD
Các đường EMA và biểu đồ nến 4 giờ (bên dưới) cho tín hiệu trái chiều. Giá BTC hiện nằm sát đường EMA 50 ngày (tại 28.076 USD). Đường EMA 50 ngày thu hẹp về phía đường EMA 100 ngày, trong khi đường EMA 100 ngày mở rộng khoảng cách với đường EMA 200 ngày, gửi đi các tín hiệu trái chiều.
Việc BTC di chuyển qua đường EMA 50 ngày (tại 28.076 USD) sẽ hỗ trợ khả năng giá phá vỡ mức R1 (tại 28.693 USD) để nhắm mục tiêu tới mức R2 (tại 29.234 USD) và ngưỡng kháng cự 29.500 USD. Tuy nhiên, việc giảm xuống dưới mức S1 (tại 27.720 USD) và đường EMA 100 ngày (tại 27.558 USD) sẽ khiến BTC phải đối mặt với mức S2 (tại 27.288 USD). Việc giá vượt lên trên đường EMA 50 ngày sẽ phát đi tín hiệu tăng giá.
Biểu đồ 4 giờ BTC/USD
Đỗ Hiền-Theo coindesk, fxempire